Thu nhập khá nhờ xen canh cây ăn quả

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Anh Nguyễn Quang Vũ được coi là một điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở làng Grang, xã Ia Phìn, huyện Chư Prông, Gia Lai. Hiện mỗi năm anh lãi hơn 200 triệu đồng từ 1,8 ha đất trồng cà phê xen bơ và sầu riêng.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Khoa Điện-Điện tử (Trường Cao đẳng Công thương TP. Hồ Chí Minh), anh Vũ xin vào làm tại một doanh nghiệp xây dựng cầu đường miền Nam. Công việc vất vả nhưng thu nhập không cao. Do đó, năm 2012, anh quyết định trở về quê phụ giúp bố mẹ làm nông. Khi địa phương có đợt khám tuyển nghĩa vụ quân sự, anh tình nguyện lên đường nhập ngũ với mong muốn được cống hiến một phần sức trẻ để bảo vệ Tổ quốc. Năm 2015, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Vũ lập gia đình rồi bắt tay vào làm kinh tế. “Thời gian trong môi trường quân ngũ đã giúp tôi rèn được tính tự lập, chịu khó trong mọi công việc. Nhờ đó mà tôi đã thành công khi đưa kinh tế gia đình ngày càng phát triển”-anh Vũ chia sẻ.
 Anh Nguyễn Quang Vũ bên vườn sầu riêng sai quả. Ảnh: N.H
Anh Nguyễn Quang Vũ bên vườn sầu riêng sai quả. Ảnh: N.H
Dẫn chúng tôi tham quan mô hình sản xuất của mình, anh Vũ cho biết, xuất phát điểm của anh khá thuận lợi khi được bố mẹ hai bên cho 1,8 ha cà phê kinh doanh. Để cà phê cho năng suất cao, chất lượng tốt, anh đã nỗ lực tìm tòi những cách làm sáng tạo áp dụng vào sản xuất. Ngoài ra, anh còn trồng xen bơ và sầu riêng vào vườn cà phê để nâng cao thu nhập. Nhờ chăm sóc tốt nên năng suất vườn cây đạt cao, mỗi năm cho thu 7 tấn cà phê nhân, 2 tấn bơ và 3,5 tấn sầu riêng. Trừ hết chi phí, anh Vũ còn lãi khoảng 250 triệu đồng từ vườn cà phê xen canh này.
Chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc vườn cây, anh Vũ cho biết: Đối với cây cà phê cần đảm bảo về nước tưới, bón phân phù hợp; đồng thời, thực hiện cắt tỉa cành già và chồi không cần thiết để cây có sức nuôi những cành còn lại, cho quả nhiều. Cây bơ thì cần bón đủ phân và tỉa bớt những quả nhỏ. Có như vậy, cây mới đủ sức để nuôi những quả còn lại to và đẹp. Riêng cây sầu riêng, vào thời điểm ra hoa và quả non thường có sự cạnh tranh về dinh dưỡng, vì vậy, cần cung cấp thêm kali để tránh rụng quả.
Bên cạnh trồng trọt, đầu năm 2016, anh Vũ còn tận dụng 1 sào đất thấp nằm gần suối để đào ao nuôi cá trê, trắm cỏ, rô phi, diêu hồng. Để tiết kiệm chi phí chăn nuôi, anh lấy lá mì hoặc cắt cỏ ở bờ suối cho cá ăn. Nhờ chăm sóc đúng kỹ thuật, mỗi năm, ao cá cho thu 2 đợt, mỗi đợt gần 4 tấn, bán với giá trung bình 40.000 đồng/kg, anh thu hơn 30 triệu đồng. Mới đây, anh còn nuôi thử nghiệm 100 con gà lai chọi. Hiện đàn gà đang phát triển khỏe mạnh, hứa hẹn sẽ cho gia đình thêm một nguồn thu nhập đáng kể.
Không chỉ tích cực phát triển kinh tế gia đình, anh Vũ còn nhiệt tình tham gia các phong trào, hoạt động ở địa phương. Tháng 10-2016, anh được tín nhiệm giao giữ chức Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Ia Phìn. 
Anh Phạm Anh Trung-Bí thư Đoàn xã Ia Phìn-nhận xét: “Anh Vũ rất siêng năng trong lao động và là một trong những điển hình thanh niên làm kinh tế giỏi ở địa phương. Bên cạnh đó, anh cũng là một đoàn viên năng động trong tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn. Đặc biệt, với vai trò là Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã, anh luôn động viên thanh niên thực hiện tốt nghĩa vụ quân sự”.
 NHẬT HÀO

Có thể bạn quan tâm

Kbang: Khắc phục diện tích hoa màu ngã đổ do ảnh hưởng mưa gió. Ảnh: Ngọc Minh

Kbang: Khắc phục diện tích cây trồng ngã đổ do mưa gió

(GLO)- Vừa qua, trên địa bàn huyện Kbang (tỉnh Gia Lai) xảy ra mưa gió cục bộ đã làm nhiều diện tích lúa, mía bị đổ ngã. Chính quyền các địa phương, cơ quan chuyên môn tuyên truyền, hướng dẫn người dân khẩn trương khắc phục hậu quả nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại.

Chuyện của người trồng cà phê

Chuyện của người trồng cà phê

(GLO)- Hàng năm, cứ vào cuối tháng 10 sang tháng 11, người dân Tây Nguyên bắt đầu vào mùa thu hoạch cà phê. Năm nay, giá cà phê tăng cao. Nhà vườn vui đấy nhưng để làm ra được hạt cà phê thì cũng lắm nhọc nhằn.