Thu nhập 3 tỷ đồng/năm nhờ nuôi cá trên vùng đất ... cà phê

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Lập nghiệp ở vùng chuyên canh cây cà phê, song cựu chiến binh Phạm Văn Luốn, thôn1, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum lại giàu lên từ nghề nuôi cá.
Sau hơn 13 năm dồn tâm sức cho nghề nuôi cá, bước sang tuổi 49, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn đã gây dựng được một gia sản đáng mơ ước. Hiện tại, người cựu chiến binh này đang thuê 3 hồ thủy lợi có tổng diện tích mặt nước trên 30ha tại hai xã Đăk Ngọc và Đăk Bla của huyện Đăk Hà để nuôi thả cá. Với sản lượng trung bình xuất bán trên 500 tấn cá mỗi năm, trừ các khoản đầu tư, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn còn lãi trên 3 tỷ đồng. Theo cựu chiến binh Phạm Văn Luốn, bí quyết mang lại thành công là dám nghĩ khác và làm khác.
“Nếu nhìn vào 1ha cà phê thì với mức thu nhập không thể đủ sống. Tôi đã được rèn rũa qua quân ngũ nên không gì có thể khuất phục được tôi. Tôi đã đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm về nuôi cá. Tôi đã cố gắng học hỏi để có được nền tảng kinh tế thành công như ngày hôm nay”, ông Phạm Văn Luốn nói.
 
Một con cá khủng từ hồ nuôi của cựu chiến binh Phạm Văn Luốn.
Cùng với việc làm giàu cho gia đình, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn cũng giúp nhiều hội viên ở huyện Đăk Hà có công ăn việc làm ổn định và sẵn sàng hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật để phát triển nghề nuôi thủy sản tại địa phương. Hiện tại, cựu chiến binh này đang hợp đồng với 8 lao động làm việc thường xuyên tại 3 hồ nuôi cá. Số lao động sẽ tăng lên từ 25-30 người thời điểm vào vụ thu hoạch cá trong năm. 
Ông Vũ Văn Duân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Đăk Hà chia sẻ: “Với ý chí của một người cựu chiến binh, anh Luốn đã tìm tòi, học hỏi, có những cách làm sáng tạo để xây dựng được cơ ngơi như thế này. Anh Luốn tham gia công tác Hội rất tích cực, đặc biệt là thăm hỏi đồng chí đồng đội, rất có trách nhiệm với Hội và trách nhiệm với xã hội, đây là một tấm gương quý”.      
 
Cựu chiến binh Phạm Văn Luốn (đứng giữa) được vinh danh trong phong trào thi đua Cựu chiến binh gương mẫu.
Không tự bằng lòng với những gì đã làm được, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn luôn tích cực tìm tòi, có những cách làm sáng tạo. Trên một diện tích hồ nuôi, người cựu chiến binh này kết hợp vừa nuôi cá lồng bè, vừa nuôi thả tự nhiên. Cùng với đó, giảm dần việc nuôi những loại cá đã phổ biến như cá rô phi, diêu hồng… tập trung đầu tư nuôi những loại cá cho giá trị kinh tế cao là cá trắm, thác lác và mở thêm hướng nuôi cá cảnh. 
Để hàng trăm tấn cá có đầu ra ổn định, cùng với liên kết với các công ty chuyên xuất khẩu thủy sản, cựu chiến binh Phạm Văn Luốn cũng đã xây dựng được mạng lưới tiêu thụ cá tại thị trường Kon Tum và các tỉnh trong khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Khoa Điềm (VOV.VN)

Có thể bạn quan tâm

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

Năng suất và giá lúa trà sớm giảm, nông dân kém vui

(GLO)- Hiện nay, một số vùng trọng điểm lúa nước của tỉnh Gia Lai đang thu hoạch lúa trà sớm vụ Đông Xuân 2024-2025. Tuy nhiên, một số vùng bị ảnh hưởng của thời tiết nên bước vào thu hoạch năng suất giảm. Hơn nữa, giá lúa Đông Xuân cũng giảm, nông dân thu lợi nhuận không cao so với năm trước.

Các thương hiệu cà phê của Gia Lai được trưng bày, giới thiệu tại nhiều điểm bán hàng OCOP. Ảnh: V.T

Xây dựng thương hiệu: Đòn bẩy để nông sản vươn xa

(GLO)- Xây dựng thương hiệu cho sản phẩm là một bước quan trọng trong phát triển bền vững và là đòn bẩy để nông sản vươn xa. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai.

Người dân xã Nam Yang (huyện Đak Đoa) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Vũ Thảo

Niên vụ hồ tiêu 2024-2025: Niềm vui chưa trọn

(GLO)- Thời điểm này, bà con nông dân trong tỉnh Gia Lai đang khẩn trương thu hoạch hồ tiêu niên vụ 2024-2025. Dù giá hồ tiêu đang ở mức cao nhưng do ảnh hưởng bởi thời tiết, nhất là giai đoạn cây ra hoa gặp không khí lạnh kéo dài dẫn đến năng suất giảm 20-30% so với vụ trước.