Thoi chỉ giữa đền đài

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Họ mang khung dệt về với Mỹ Sơn. Giữa không gian u tịch của tháp cổ, những phụ nữ Chăm dệt lấy tinh hoa chất chứa như đang thủ thỉ cùng đất trời với âm vọng ngàn năm thổ cẩm.

Thợ dệt vùng thánh địa

Thánh địa Mỹ Sơn không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là biểu tượng văn hóa và tinh thần của người Chăm Pa, là di sản quý báu của loài người. Tách biệt với phố thị cùng những gì của cuộc sống tiện nghi, thánh địa Mỹ Sơn di sản của thế giới vẫn cứ trầm mặc những u tịch của một thời quá vãng vàng son. Một Mỹ Sơn với những đền đài, lăng tẩm in hình vào thung lũng, như bào thai ngủ yên trong lòng mẹ êm đềm và đầy dư ba.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm Pa ở Mỹ Sơn.

Nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm Pa ở Mỹ Sơn.

Mỗi ngày, ở nơi nghỉ chân trên đường dẫn vào tháp cổ này, trong khu trưng bày thổ cẩm Chăm Pa, nhiều nghệ nhân dệt vải người Chăm đã phô bày những kỹ thuật điêu luyện để dệt nên những tấm khăn, những vuông thổ cẩm đầy sắc màu. Không lẫn với bất cứ sản phẩm lụa hay thổ cẩm nào khác, thổ cẩm Chăm là thế giới của sắc màu với sự tan hòa của đất trời, gió trăng... thể hiện trong những hoa văn đầy kiêu sa. Ngược về phương Nam, nơi người Chăm có làng dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp là một trong những làng Chăm cổ, với nghề truyền thống dệt thổ cẩm đã có từ bao đời. Làng Mỹ Nghiệp theo cách gọi của người Chăm xưa là plei Caklaing (nay bao gồm 2 khu phố Mỹ Nghiệp và 13) tọa lạc tại thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước.

Trước năm 1975 sản phẩm thổ cẩm chủ yếu làm trang phục cho các chức sắc tôn giáo theo phong tục tập quán tại địa phương, ngoài ra còn được người dân mang lên bán cho các dân tộc anh em Tây Nguyên. Cùng với làng gốm Bàu Trúc, nghề dệt thổ cẩm ở đây từ lâu đã được coi là biểu tượng rực rỡ của một thời văn hóa Chăm Pa ở xứ Panduranga xưa.

Giữa đền đài tháp cổ ở vùng thánh địa này, những nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm vẫn ngày đêm miệt mài. Những gì tinh túy nhất của dệt thổ cẩm Chăm ở phương Nam đều được các nghệ nhân tái hiện bằng những thoi chỉ, những khung dệt mộc mạc và bằng cả tâm hồn người Chăm đượm trong từng nét hoa văn. Những nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm ở Mỹ Sơn như chị Ngư Thị Thượng Uyên, chị Quảng Thị Thu Lợi đã từ Mỹ Nghiệp ở đất Chăm Ninh Thuận về xứ Quảng mấy năm nay. Cũng từng ấy thời gian, những người phụ nữ Chăm này mang khung cửi, mang kỹ thuật dệt và cả hồn cốt thổ cẩm làng mình đến vùng đất của đền tháp cổ Mỹ Sơn.

Nghệ nhân Thu Lợi bộc bạch rằng trước đây, nghề dệt thổ cẩm, tơ lụa của người Chăm từng rất phát triển, những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đã tạo ra những sản phẩm nổi tiếng về chất lượng cũng như nghệ thuật trang trí hoa văn trên vải. Để gìn giữ văn hóa, người con gái Chăm khi còn nhỏ đã được bà và mẹ dạy dệt vải, tạo họa tiết cho trang phục. Sản phẩm làm ra không chỉ phục vụ sinh hoạt hằng ngày mà còn là thước đo đánh giá phẩm chất, sự đảm đang của phụ nữ Chăm.

Thổ cẩm Chăm đã tạo được sức sống, là loại hình dịch vụ trải nghiệm mới cho du khách.

Thổ cẩm Chăm đã tạo được sức sống, là loại hình dịch vụ trải nghiệm mới cho du khách.

Khác với các sản phẩm thổ cẩm của nhiều dân tộc khác, thổ cẩm Chăm với các kiểu hoa văn đều được biến tấu từ những khối hình học cơ bản và cách điệu thành những hình ảnh đặc trưng văn hóa của người Chăm. Dường như, cả thiên nhiên tươi đẹp đã hòa cùng sự tài hoa của đôi bàn tay con người để làm ra được tấm thổ cẩm có màu sắc rực rỡ, chứa đựng những tinh hoa văn hóa truyền thống Chăm đặc sắc. Những sản phẩm được làm ra, ngoài giá trị về mặt kinh tế, thẩm mỹ, những hoa văn được trình bày trên vải còn hàm chứa nhiều ý nghĩa, triết lý sâu sắc gắn liền với tín ngưỡng bản địa, tập tục dân gian Chăm.

Trong một không gian nhỏ của khu vực đền tháp Mỹ Sơn, từng công đoạn cho ra đời một sản phẩm thổ cẩm truyền thống Chăm đều được thực hiện thủ công từ đôi bàn tay người thợ. Ở đây, những du khách được tìm hiểu và trải nghiệm quá trình dệt một sản phẩm. Những cách thức dệt thổ cẩm Chăm được những nghệ nhân hướng dẫn một cách tỉ mỉ. Chị Thượng Uyên chia sẻ, nếu khi xưa nguồn sống chính của nhiều gia đình người Chăm là dựa vào dệt, những người phụ nữ Chăm ưa sử dụng tơ tằm, bề mặt sản phẩm mịn, nhiều màu sắc thì nay bà con sử dụng chủ yếu sản phẩm từ sợi bông, có thô ráp hơn so với lụa nhưng nhìn chung, về kiểu dáng, hoa văn trang trí vẫn rất đẹp. Những hoa văn được tạo bằng những chiếc hoa đồng có dáng tựa bầu rượu rỗng dốc ngược, được treo hai bên khung dệt hay câu chuyện phải tách hạt lấy bông, cuộn, ngâm, đập, nhuộm, hồ, chải, đánh ống... mới cho ra được một vuông thổ cẩm nhiều màu.

Du khách quốc tế tham quan Di Sản Văn Hóa Thế giới Mỹ Sơn.

Du khách quốc tế tham quan Di Sản Văn Hóa Thế giới Mỹ Sơn.

Hoa văn trên thổ cẩm Chăm rất phong phú và đa dạng, phản ánh địa vị xã hội của người mặc. Địa vị xã hội càng cao thì quần áo của họ càng nhiều loại hoa văn. Trong văn hóa Chăm Pa, hoa văn có 40 loại và chia làm 4 nhóm gồm hoa văn động vật, hoa văn thực vật, hoa văn chỉ đồ vật và các loại hoa văn khác. Người Chăm cũng sử dụng hoa văn cách điệu, hoa lá, núi non được cách điệu bằng đường nét, hình khối, riêng các cánh hoa dù được cách điệu hay chân phương đều được bố trí thành những dải xen kẽ trong toàn bộ mảnh vải.

Một nét nổi bật nữa là người Chăm sử dụng những kỹ thuật nhuộm màu cho sợi trước khi dệt. Màu sắc trên vải đều làm từ khoáng vật, thực vật có sẵn ở địa phương như: màu xanh từ cây chàm, màu đen từ quả muông, màu vàng từ cây mưng, màu đỏ từ lõi cây ban và kết hợp các màu đó để tạo ra nhiều gam màu khác nhau.

Chấn hưng sắc màu thổ cẩm

Khu thánh địa Mỹ Sơn hôm nay đã “sang trọng và hoành tráng” hơn nhiều, đó là nói về việc quy hoạch và xây dựng các hạng mục mang tính dịch vụ. Mỹ Sơn hôm nay xứng danh một di sản được UNESCO công nhận. Các khu tháp đã được trùng tu bài bản và khoa học khiến Mỹ Sơn đẹp hơn, nề nếp hơn, không còn hoang liêu và buồn bã như nhiều năm trước. Mỹ Sơn bây giờ, cũng như nhiều ngàn năm trước, vẫn là sự kỳ bí đến gai người. Hơn 30 tháp cổ vẫn đứng thi gan với nắng gió miền sơn cước, như vẫn còn những nét chạm trổ của những con người mà tên tuổi đã hóa cùng sa thạch.

Giữa bạt ngàn núi, bạt ngàn cây rừng, bạt ngàn thâm u, Mỹ Sơn vẫn long lanh như bàn tay búp măng của người thiếu nữ đang thả mình cùng vũ điệu Apsara huyền thoại, hòa trong tiếng kèn Saranai đắm đuối của những nghệ nhân hoài tưởng về một vùng đất của thần.

Màu sắc và hoa văn thổ cẩm Chăm Pa mang đến sức sống mới cho những ngôi tháp cổ.

Màu sắc và hoa văn thổ cẩm Chăm Pa mang đến sức sống mới cho những ngôi tháp cổ.

Gắn bó với đền đài nghìn năm nơi này, những nghệ nhân dệt thổ cẩm Chăm đã mang đến sự khác biệt, độc đáo cho không gian dân gian văn hóa Chăm ở Mỹ Sơn, góp phần làm nên thương hiệu về sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng. Cùng với những tiết mục trình diễn phục vụ du khách hằng ngày, một số sản phẩm đặc sắc như “Đêm Mỹ Sơn huyền thoại”, “Trống hội làng Chăm”... với sự góp phần của trang phục thổ cẩm mang đến sự hấp dẫn, tạo lập thương hiệu du lịch Mỹ Sơn vững chắc. Và, trong hành trình làm nên thương hiệu đó, những cái tên như Ngư Thị Thượng Uyên, Quảng Thị Thu Lợi như mạch nguồn tiếp nối dòng chảy văn hóa Chăm tại Mỹ Sơn, đồng thời giúp các tiết mục văn nghệ trở nên ấn tượng hơn.

Có thể, mọi người đã từng nhiều lần xem qua tivi, cũng vẫn những màn múa hát quen thuộc, nhưng chỉ đến khi tận mắt chứng kiến những vũ nữ hồng hoang tươi trẻ, đẹp đến điêu linh phô diễn những tạo hình của nữ thần Apsara bằng xương bằng thịt, bằng những uốn lượn mê hồn trong hòa âm của các loại nhạc cụ riêng biệt thì mới có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp ấy. Những nghệ nhân trong bộ áo thổ cẩm cổ truyền dài sát đất, chiếc khăn vấn tròn trên đầu đã làm ngỡ ngàng người xem cùng tiếng khèn Saranai có lẫn nỗi tự hào và niềm ai oán, càng lúc càng dữ dội và hùng tráng sau những cung bậc dìu dặt, thiết tha khi mới trỗi giọng.

Ông Nguyễn Công Khiết, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn cho biết: “Để phát triển hơn nữa, Ban quản lý đã chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch mới như "Đêm Mỹ Sơn huyền thoại"; nâng cao chất lượng, tạo thương hiệu múa dân gian Chăm; tổ chức các dịch vụ như thuyết minh tự động đa ngôn ngữ, tham quan thực tế ảo 360, du lịch sinh thái rừng cảnh quan khu di sản, trải nghiệm dệt thổ cẩm Chăm, thuê trang phục dân gian... để phục vụ du khách. Những sản phẩm thổ cẩm Chăm cũng góp phần mang lại giá trị kinh tế cho di sản này”.

Sự huyền hoặc, lung linh hiển hiện qua từng lớp hoa văn thổ cẩm, những hình ảnh sống động kia như vừa bừng thức sau giấc nghìn năm, trở mình bước ra từ rêu phong, gạch đá. Dưới ánh chiều, đền đài tháp cổ bừng lên huyền ảo, xen giữa sự mê ly của những nàng vũ công Apsara trong vũ điệu ngàn năm và tiếng trống Paranung bập bùng như thủ thỉ càng thêm say lòng người. Bao người đã đến đây, chắc hẳn đều sẽ tự hỏi, phải chăng, vì những màu sắc của hoa văn thổ cẩm Chăm Pa này mà những ngôi tháp cổ kia có sức hút khó cưỡng đến mãi mãi. Phải chăng, chính nét thổ cẩm mang đầy sức sống hiện nay giữa sự huy hoàng và hư ảo, vàng son và đổ nát, sôi sục và dư âm kia đã tạo nên một Mỹ Sơn đầy ám ảnh đến thế.

Có thể bạn quan tâm

Hun hút giữa mây ngàn

Hun hút giữa mây ngàn

Bám trường lớp ở những nóc heo hút, nhiều thầy cô giáo gần như gởi cả thanh xuân theo cuộc hành trình. Đầu tuần, những người trẻ lầm lụi ôm ba lô ngược núi. Họ như mất hút cho tới cuối tuần, mới có thể ra nơi có sóng điện thoại.

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Vừa học vừa run trong ngôi trường chờ… sập

Sau gần 30 năm đưa vào sử dụng, điểm trường Phú Quý thuộc Trường Tiểu học số 2 Bình Châu (xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) hiện xuống cấp nghiêm trọng, tường bong tróc, nứt toác… chờ sập. Hàng trăm học sinh và giáo viên thấp thỏm, lo âu vừa học vừa run.

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Những tiến sĩ trẻ và khát vọng đổi thay - Bài 4: Xây dựng cộng đồng nhà khoa học trẻ tài năng

Dành trọn đam mê trong phòng thí nghiệm, chắt chiu trong từng thí nghiệm, TS. Phạm Thanh Tuấn Anh, SN 1992, Phó trưởng phòng Phòng thí nghiệm Vật liệu Kỹ thuật cao, Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG HCM), đã gặt hái nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghệ vật liệu mới.