Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ và người đồng cấp Palestine tại cuộc họp báo ngày 5/3. Ảnh: Anadolu |
Phát biểu của ông Recep Tayyip Erdogan đưa ra khi Tổng thống Mỹ Biden cảnh báo về tình huống “rất nguy hiểm” nếu Israel và Hamas không đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trước tháng lễ Ramadan (từ 10/3) của người Hồi giáo, thúc giục Israel và Hamas đồng ý thỏa thuận ngừng bắn.
Ông Erdogan khẳng định, con đường duy nhất dẫn đến nền hòa bình lâu dài là thành lập Nhà nước Palestine độc lập, có chủ quyền, với đường biên giới năm 1967 và Đông Jerusalem là thủ đô.
Theo ông Erdogan, “nếu không tìm được giải pháp công bằng cho vấn đề Israel-Palestine, thì hòa bình sẽ không thể tồn tại ở Trung Đông” và Ankara sẵn sàng gánh vác trách nhiệm trong khuôn khổ cơ chế bảo lãnh, nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Israel và Phong trào Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ nêu bật tinh thần đoàn kết của nước này với người dân Palestine khi đã tiếp nhận hơn 900 người từ Dải Gaza đến điều trị y tế cũng như nỗ lực xây dựng một bệnh viện dã chiến ở khu vực đang chìm trong xung đột này.
Về phần mình, Tổng thống Abbas kêu gọi cộng đồng quốc tế bảo vệ người dân Palestine, đồng thời đề xuất thúc đẩy đất nước của ông trở thành thành viên của Liên hợp quốc.
Nhà lãnh đạo đánh giá cao vai trò quan trọng và chính sách ủng hộ của Thổ Nhĩ Kỳ trong công cuộc bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa của người Palestine.
Ngoài chiến tranh, thiếu thốn toàn diện, cập nhật của tổ chức Y tế thế giới (WHO) ngày 5/3 cho biết, ước tính có 8.000 bệnh nhân cần sơ tán khỏi Gaza. WHO bày tỏ lo ngại trước thực trạng có quá ít bệnh nhân được đưa ra khỏi dải đất đang chìm trong khói lửa.
Cũng với WHO, trong số hàng ngàn bệnh nhân nói trên có 2.000 ca bị ảnh hưởng do xung đột, còn lại là các ca bệnh thông thường. Hiện tại, mỗi ngày có chừng 50 đến 100 bệnh nhân được chuyển từ Gaza tới Đông Jerusalem và Bờ Tây để cứu chữa, trong đó một nửa là bệnh nhân ung thư.