Thi theo chương trình chứ không theo sách giáo khoa sẽ thế nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT), nhiều lần nhấn mạnh Chương trình giáo dục phổ thông mới thực hiện một chương trình nhiều sách giáo khoa (SGK) nên việc dạy học, kiểm tra đánh giá và thi phải theo nội dung và yêu cầu cần đạt của chương trình, không phụ thuộc vào các ngữ liệu cụ thể trong SGK, qua đó đảm bảo công bằng cho HS học các bộ sách khác nhau.

Theo ông Thành, đây cũng là tinh thần của một chương trình phát triển phẩm chất, năng lực. Tuy nhiên, việc chính Bộ GD-ĐT cũng chưa đưa ra phương án thi cụ thể cũng như đề minh họa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025 khiến các nhà trường đang rất sốt ruột và có cảm giác dạy học trong… hoang mang.

Bà Phạm Thái Lê, giáo viên (GV) Trường THCS - THPT Marie Curie (Hà Nội), nói hiện nay cả kỳ thi lớp 10 và tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH theo chương trình mới đều chưa diễn ra nên điều khiến các nhà trường hồi hộp nhất vẫn là thi cử thế nào. Đề thi sẽ ra sao vẫn là một ẩn số. Tâm lý thi gì học nấy vẫn hiện hữu và nếu thi cử không đúng tinh thần đổi mới, thoát ly văn mẫu thì GV và các nhà trường sẽ rất khó đổi mới dạy học.

Điểm mới của chương trình GDPT 2018 là sự đa dạng hóa về cách thức, nội dung và các hình thức kiểm tra. Trong ảnh là học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) làm bài kiểm tra môn toán qua ứng dụng trên điện thoại. Ảnh: NHẬT THỊNH

Điểm mới của chương trình GDPT 2018 là sự đa dạng hóa về cách thức, nội dung và các hình thức kiểm tra. Trong ảnh là học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Q.1, TP.HCM) làm bài kiểm tra môn toán qua ứng dụng trên điện thoại. Ảnh: NHẬT THỊNH

Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch Hội đồng Hệ thống giáo dục Edison, chỉ ra rằng sự khác biệt lớn nhất trong việc kiểm tra, đánh giá của Chương trình mới 2018 là sự đa dạng hóa về cách thức, nội dung và các hình thức kiểm tra để đánh giá được toàn bộ năng lực, kỹ năng và phẩm chất của người học thay vì chỉ kiểm tra sự ghi nhớ, tái hiện các kiến thức cụ thể. Thay vì chỉ dựa vào bài kiểm tra trắc nghiệm hoặc viết, có thể có thêm các dạng kiểm tra thực hành, dự án, thuyết trình và các hoạt động thực tế khác để đo lường khả năng áp dụng kiến thức vào thực tế của HS. Các câu hỏi hướng tới áp dụng kiến thức giải quyết vấn đề đời sống chứ không đơn thuần là khả năng ghi nhớ.

"Tuy nhiên, do đến nay vẫn chưa có bài thi vượt cấp hay cuối cấp tốt nghiệp nào được thực hiện thực tế dưới Chương trình mới 2018 nên mô hình bài thi theo Chương trình mới 2018 vẫn còn là một dấu hỏi với cả nhà trường và HS, phụ huynh nên thông tin về SGK lại càng khiến cả xã hội băn khoăn lo lắng", bà Minh nêu thực tế.

Bà Tô Lan Hương, GV Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu (Hà Nội), cũng mong muốn Bộ GD-ĐT sớm nhất có dự thảo hoặc định hướng về đánh giá đầu ra của môn học, như vậy GV đứng lớp sẽ tự tin hơn, vững vàng hơn về những cách mình đang làm.

Bà Nguyễn Thị Nhiếp, Hiệu trưởng Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), nhấn mạnh thêm: "Muốn các nhà trường, GV thay đổi phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá, thay đổi thói quen lệ thuộc vào SGK thì việc đổi mới thi cử cần mạnh mẽ hơn, ví dụ như các kỳ thi chuyển cấp, thi tốt nghiệp THPT... Chương trình mới đi gần nửa năm thứ hai ở cấp THPT nhưng Bộ chưa công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 là một khó khăn cho các nhà trường khi triển khai các mục tiêu đổi mới".

Có thể bạn quan tâm

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

“Chìa khóa” nâng cao chất lượng giáo dục

(GLO)- Đề án tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ cho trẻ mầm non người dân tộc thiểu số (DTTS) giai đoạn 2021-2025 được ngành Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Gia Lai triển khai đang là “chìa khóa” để nâng cao chất lượng giáo dục.

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Các trường đại học ủng hộ bỏ xét tuyển sớm

Bỏ xét tuyển sớm, bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào đối với nhóm ngành sư phạm, nhóm ngành Sức khỏe - Y dược (có cấp chứng chỉ hành nghề) là hai điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học (ĐH) năm 2025 mà Ban soạn thảo vừa điều chỉnh.

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

Mô hình điểm bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong trường học: Hiệu quả thiết thực

(GLO)- Mô hình điểm về công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong trường học được triển khai tại Trường THPT Ya Ly (huyện Chư Păh) bước đầu mang lại hiệu quả, góp phần giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông trước cổng trường và xây dựng môi trường giao thông an toàn, thân thiện.