Thí sinh dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông. (Ảnh: PV/Vietnam+) |
Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến về tổ chức thi Tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 – khi lứa học sinh đầu tiên học theo Chương trình Giáo dục phổ thông mới học hết lớp 12 – với ba phương án: Thi 6 môn, thi 5 môn và thi 4 môn. Nhiều ý kiến cho rằng nên giảm số môn thi để giảm áp lực cho thí sinh.
Nên thi bao nhiêu môn?
Theo dự thảo phương án thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông từ năm 2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, có hai phương án được đưa ra lấy ý kiến.
Phương án 1: Thí sinh học chương trình Trung học Phổ thông phải thi 6 môn, gồm 4 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ, Lịch sử) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12. Phương án 2: Thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12 (bao gồm cả Lịch sử).
Tuy nhiên, trong quá trình khảo sát, nhiều chuyên gia, địa phương đã đề xuất thêm phương án ba: Thí sinh chỉ thi 4 môn, gồm hai môn thi bắt buộc (Toán, Ngữ văn) và hai môn thí sinh tự chọn trong số các môn còn lại được học ở lớp 12.
Theo đó, cả ba phương án đều thống nhất ở nhóm môn lựa chọn sẽ thi hai môn và còn có ý kiến khác nhau về số môn thi thuộc nhóm môn bắt buộc.
Là thí sinh sẽ dự thi tốt nghiệp vào năm 2025, Phạm Phương Linh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Việt Đức (Hà Nội) cho hay em ủng hộ phương án thi 4 môn vì sẽ giảm áp lực. Khi đó, em sẽ có thời gian để dành cho các môn học yêu thích cũng như tập trung cho các môn có sử dụng điểm để xét tuyển đại học.
Cùng ý kiến này, em Nguyễn Tuấn Anh, học sinh Trường Trung học Phổ thông Lê Quý Đôn (Hà Nội) cho rằng việc thi tốt nghiệp nên được thực hiện theo hướng nhẹ nhàng vì điểm thi chỉ chiếm 30% trọng số trong xét công nhận tốt nghiệp. Bên cạnh đó, ngoài môn thi để xét tốt nghiệp, thí sinh có thể còn phải thi thêm các môn để xét tuyển đại học.
Thí sinh dự kỳ thi Đánh giá tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Cũng theo Tuấn Anh, hiện các trường đại học đều đa dạng hóa phương thức xét tuyển nên bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp, học sinh còn chịu áp lực của nhiều kỳ thi khác. “Vì vậy, việc giảm tải trong kỳ thi để xét tốt nghiệp có ý nghĩa rất lớn với học sinh,” Tuấn Anh cho hay.
Cũng ủng hộ phương án thi 4 môn, Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục học Việt Nam đề xuất nên nghiên cứu và mạnh dạn triển khai phương án này nhằm giảm áp lực cho học sinh, giáo viên, đồng thời, không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh. “Giảm số môn thi, học sinh sẽ có thêm thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em,” thầy Lâm nói.
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, khi lấy ý kiến của gần 18.000 cán bộ, giáo viên về ba phương án thi, phương án thi 4 môn cũng được 59,8% thầy cô lựa chọn, 40% chọn phương án thi 6 môn. Phương án thi 5 môn và ý kiến khác chiếm tỷ lệ lựa chọn rất nhỏ, chỉ 0,2%.
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận định phương án thi 4 môn có ưu điểm là giảm áp lực thi cử cho học sinh khi các em giảm được hai môn so với số môn thi hiện nay, giảm chi phí cho gia đình học sinh và cả xã hội khi số buổi thi còn 3 buổi, giảm 1 số buổi thi so với hiện nay. Lựa chọn này cũng không gây nên sự mất cân bằng giữa các tổ hợp tuyển sinh; phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em; tạo điều kiện cho các học sinh dành thời gian học các môn lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp của các em. Nhược điểm của phương án này là có thể ảnh hưởng đến việc dạy và học môn Lịch sử và Ngoại ngữ, hai môn này hiện nay đang là môn bắt buộc học.
Cần sớm chốt phương án
Trước nhiều phương án lựa chọn, học sinh, giáo viên trên cả nước mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm công bố chốt môn thi để các nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập và định hướng thi cho học sinh theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Nhiều ý kiến cho rằng nên giảm số môn thi để giảm áp lực cho học sinh. (Ảnh: TTXVN) |
Cô Lương Thị Thu Hà, giáo viên Trường Trung học Phổ thông Việt Đức cho hay không chỉ giáo viên, học sinh mà cả các phụ huynh cũng rất sốt ruột về vấn đề này khi các em đã “đi” được một nửa chương trình của bậc học.
Chia sẻ với những mong mỏi của giáo viên, học sinh, bà Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương, Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng cho rằng phương án thi cần phải được chốt sớm để Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa phương, đặc biệt là các học sinh, giáo viên và các nhà trường có chủ động xây dựng kế hoạch chuẩn bị chu đáo cho kỳ thi.
Theo bà Nga, việc tổ chức thi tuy đã là hoạt động thường niên của ngành giáo dục và các địa phương nhưng năm 2025 là năm đầu tiên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông cho lứa học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 nên đây sẽ là kỳ thi rất quan trọng.
“Chương trình có rất nhiều đổi mới so với chương trình cũ và từ đổi mới chương trình quy định đổi mới cách dạy, cách học, từ đổi mới cách dạy và học quy định đổi mới trong cách thi cử và đánh giá. Vì vậy, nếu như không có một sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ sớm, từ xa thì rất dễ rơi vào bị động và lúng túng,” bà Nga phân tích.
Cũng theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần căn cứ theo mục đích, yêu cầu của Chương trình Giáo dục phổ thông mới 2018 để quyết định số môn thi phù hợp. “Bộ là cơ quan chịu trách nhiệm và có chuyên môn cao nhất về lĩnh này nên sẽ biết được thi như thế nào là phù hợp nhất với học sinh,” bà Nga nói.