Theo dòng Pô Kô-Sê San

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Krông Pô Kô, Đak Pô Kô… đều là những cách gọi khác nhau của sông Pô Kô-con sông dài nhất ở Bắc Tây Nguyên (có tư liệu viết sông dài 320 km) chảy xuyên từ Bắc Kon Tum sang Tây Gia Lai.
Các tư liệu cũng cho biết: Bắt đầu từ điểm sông Pô Kô hợp lưu với dòng Đak Bla trở đi thì sông có tên gọi Sê San. Tuy nhiên, trong nhiều tư liệu và theo thói quen của dân thì chỗ gọi Sê San, nơi gọi Pô Kô. Sự “lẫn lộn” này còn phổ biến đến nay.
  Dòng Pô Kô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ảnh: PHƯƠNG LINH
Dòng Pô Kô-đoạn chảy qua địa phận huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai). Ảnh: P.L
Gọi là Pô Kô, sách “Rừng người Thượng” viết: “Sông Pekô phát nguyên từ vùng núi dày mạn Tây Quảng Ngãi và chảy theo hướng Bắc-Nam (…), sau chỗ hợp lưu của sông Bla với sông Pekô, con sông có tên là Kr. Pekô, hay Kr. Jal…”.
Gọi là Sê San, sách “Cao nguyên miền Thượng” viết: “Sông Dak Pôko phát nguyên từ vùng núi Tây Bắc… địa đầu ranh giới Quảng Tín-Kon Tum, chảy xuống hướng Nam (…) khi đến địa điểm dinh điền Plei Krong… thì họp với sông Dakbla từ phía Đông chảy sang, thành sông Ya Boolah, hay là sông Sésan…”.
Phải chăng có sự “nhập nhằng” này là vì trên thực địa (và được thể hiện trên bản đồ) sông Đak Bla chỉ là nhánh giao bên tả ngạn Pô Kô, trong khi Pô Kô vẫn một dòng chảy “thẳng băng” tiếp với phần sau chỗ hợp lưu ấy? Nghĩa là chỉ thấy một con sông chảy dài liền mạch nên vẫn được tiếp tục gọi Pô Kô?
Ráp nối và đối chiếu các nguồn tư liệu, ta thấy: Sông Pô Kô phát nguyên từ khu vực quần sơn Ngọc Linh, chảy dọc dài suốt mạn Tây khu vực Bắc Tây Nguyên, rồi đổ sang lãnh thổ Campuchia. Riêng từ đoạn hợp lưu với sông Đak Bla về sau, ngoài tên Pô Kô, sông còn có tên gọi khác là Sê San.
Ngày nay, đoạn kế liền sau điểm hợp lưu với sông Đak Bla đã thành lòng hồ Thủy điện Ia Ly. Từ Nhà máy Thủy điện Ia Ly trở đi, Pô Kô (Sê San) chảy giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum làm ranh giới, qua các huyện Chư Pah và Ia Grai của Gia Lai phía tả ngạn, qua các huyện Sa Thầy và Ia HDrai của Kon Tum phía hữu ngạn. Bờ phía Gia Lai đất đỏ bazan (trên nền đá huyền vũ), bờ phía Kon Tum đất nâu xám (trên nền đá granite, đá phiến ma). Trên dòng chảy của mình, Pô Kô (Sê San) đang “sở hữu” mấy lòng hồ thủy điện mênh mang sông nước giữa ngàn xanh đẹp như tranh thủy mặc, tạo nên một hệ sinh cảnh tuyệt vời giữa thiên nhiên kỳ vĩ.
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác (trong đó có thác Ia Ly nổi tiếng một thời, nay đã nhường chỗ cho công trình thủy điện); cuồng lũ vào mùa mưa và nhiều đoạn trơ đá vào mùa khô. Sông mang đến nhiều lợi ích cho cư dân sinh sống dọc dài theo lưu vực với nguồn thủy sản phong phú, nhưng không mang lại khả năng khai thác đường thủy theo chiều dọc, chỉ có những bến ngầm hoặc bến đò ngang của bà con các dân tộc tại chỗ qua lại; có nơi bà con bắc những chiếc cầu treo thủ công chênh vênh lắt lẻo.
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác
Pô Kô là nhánh sông rừng, lòng sông không rộng lắm, luồn lách giữa các hóc hẻm núi đồi nên có nhiều ghềnh thác. Ảnh: P.L
Sông Pô Kô (Sê San) sau khi qua cầu Sê San (tại Km 106-107 quốc lộ 14C, dưới chân đập Thủy điện Sê San 4) chừng mấy cây số thì hợp lưu với sông Sa Thầy từ phía trên chảy xuống, tiếp tục gọi là Pô Kô hoặc “sông biên giới” (thực tế thì sông Sa Thầy sau khi chảy qua cầu Trường Thanh (huyện Ia HDrai, tỉnh Kon Tum), trước khi hợp lưu với Pô Kô, đã thành con sông biên giới chảy giữa lãnh thổ Việt Nam bên tả ngạn và lãnh thổ Campuchia bên hữu ngạn rồi). Từ điểm hợp lưu này, sông Pô Kô tiếp tục làm đường biên giới giữa nước ta và nước bạn; đến khoảng địa phận huyện Đức Cơ (tỉnh Gia Lai) thì sang hẳn Campuchia, đổ vào Mê Kông.
Sự “quan hệ mật thiết” giữa 2 con sông Pô Kô và Sa Thầy trong kháng chiến được các cán bộ, tướng lĩnh chủ chốt của Mặt trận Tây Nguyên viết lại rất rõ trong hồi ký. Hồi ký “Thời sôi động” của Đại tướng Chu Huy Mân, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1964-1966), viết: “... chúng tôi chọn Sa Thầy mở chiến dịch mùa khô năm 1966. Sông Sa Thầy chảy từ Bắc Kon Tum vào Nam Gia Lai. Phía Đông sông Sa Thầy là sông Pô Kô (...). Trên bờ Đông sông Pô Kô, địch thiết lập Đồn Biên phòng Plei Gi-răng cách biên giới Việt Nam-Campuchia 20 km…”.
Hồi ký “Chiến đấu ở Tây Nguyên” của Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, nguyên Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên (1966-1974) viết: “Chiến dịch Sa Thầy 2 nổ súng giành thắng lợi giòn giã (...) địch buộc phải rút khỏi phía Tây sông Sa Thầy, sau đó rút cả phía Đông, và sang bờ bên kia sông Pô Kô...”.
Sách “Tây Nguyên ngày ấy” của Giáo sư-bác sĩ Lê Cao Đài, nguyên Viện trưởng Viện 211 thời đánh Mỹ, cũng viết: “Một đơn vị nhỏ chọc vào vị trí tiền tiêu của Mỹ trên bờ Tây sông Pô Kô. Chúng im lặng mấy hôm... Lại chọc lần thứ 2. Một đại đội Mỹ nhảy xuống bờ Đông sông Pô Kô (...). Cú chọc thứ 2 chúng nhảy tiếp xuống tới bờ Tây sông Sa Thầy (...). Ngọn đồi bên bờ Đông sông Sa Thầy đang lặng yên, bỗng rung lên vì bom đạn...”.
Dù với cách gọi nào đi nữa thì Pô Kô vẫn là con sông rừng lặng lẽ ghi lưu bao kỳ tích oai hùng và gian khổ của các thế hệ cha anh ngày trước, góp phần phát triển dân sinh, giữ vững chủ quyền đất nước ngày nay, cụ thể là cả khu vực dọc dài biên giới Bắc Tây Nguyên.
Tạ Văn Sỹ

Có thể bạn quan tâm

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Gặp nhân chứng sống đẩy lùi 'bóng ma' Fulro

Những ngày đầu đất nước thống nhất, Tây Nguyên vẫn chưa được yên ổn bởi sự quấy phá của tổ chức phản động Fulro. Bộ Công an đã tăng cường một tiểu đoàn tinh nhuệ gồm 310 quân vào Tây Nguyên. Một nhân chứng sống trực tiếp chiến đấu đã chia sẻ cùng Tiền Phong cuộc chiến đẩy lùi “bóng ma” Fulro.
Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

Những “lá thư” khắc khoải đôi bờ

(GLO)- Trong những bưu thiếp đơn sơ và bị kiểm duyệt gắt gao từ phía chính quyền bờ Nam chứa đựng biết bao điều mà niềm nhớ nhung khắc khoải của người xa xứ đã lầm lỡ nghe theo lời dụ dỗ và ép buộc của kẻ thù mà rời xa quê hương.

Ký ức 30/4

Ký ức 30/4

Đã 49 năm trôi qua, kể từ Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), nhưng với những người lính “Bộ đội Cụ Hồ” ký ức ngày 30/4/1975 không thể nào quên.
Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

Gia Lai căng mình ngăn lửa, giữ rừng

(GLO)- Giữa tiết trời nóng nực hơn 40℃, trên những ngọn núi, triền đồi, lực lượng bảo vệ rừng Gia Lai vẫn kiên nhẫn sải bước tuần tra. Khó khăn của thực tại là động lực để họ vượt lên nhằm ngăn ngừa "bà hỏa", giữ màu xanh của rừng cho mai sau.

Khát vọng phồn vinh

Khát vọng phồn vinh

Đất nước ta đã bước qua cánh cửa đói nghèo nhưng sự thịnh vượng của dân tộc vẫn còn ở phía trước, rất cần sự chung tay góp sức của mọi con dân nước Việt, nhất là thế hệ trẻ.
Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

Đi trong hầm xuyên núi Đặng Thùy Trâm

“Rừng khuya im lặng như tờ, không một tiếng chim kêu, không một tiếng lá rụng hay một ngọn gió nào đó khẽ rung cành cây…”, tôi đọc đoạn nhật ký của bác sĩ Đặng Thùy Trâm trước giờ vào khu vực núi Chúa, nơi đang thi công hầm xuyên núi thuộc dự án cao tốc Quảng Ngãi - Hoài Nhơn.
Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Sống ở TP.HCM: 'Cắt tóc trời' kiêu hãnh tháng năm, yêu nghề đến lạ

Ở TP.HCM, có những người dành hơn nửa đời để làm đẹp khuôn mặt, mái đầu cho thiên hạ. Không biển hiệu, không tiện nghi hiện đại và chỉ với chiếc ghế bành sờn da, chiếc gương cũ và bộ đồ nghề, nhiều năm qua những người thợ cắt tóc vỉa hè đã góp phần làm nên một nét văn hóa rất đặc trưng của TP.HCM.
Người trở về

Người trở về

Sự trở về là minh chứng sinh động cụ thể nhất cho việc vượt qua định kiến và mặc cảm về những gì họ đã từng nghĩ, từng hành động.