Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Gia Lai thời Covid-19

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tại Việt Nam nói chung, Gia Lai nói riêng. Cùng với những chỉ đạo mang tính vĩ mô của Chính phủ, tỉnh Gia Lai cũng đang nỗ lực đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ phần nào khó khăn cho doanh nghiệp.

 

Sản xuất kinh doanh gặp khó

Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai là doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ nhà hàng, khách sạn trên địa bàn TP. Pleiku. Từ đầu năm đến nay, khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều khách đặt phòng nghỉ, dịch vụ hội nghị tại các khách sạn, nhà hàng của Công ty đã báo hủy. Ông Nguyễn Văn Lâm-Phó Tổng Giám đốc Công ty-cho biết: “Doanh thu 2 tháng đầu năm 2020 giảm tới gần 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Với tình hình này, hoạt động kinh doanh của Công ty trong năm 2020 sẽ rất khó khăn, cụ thể là không đủ doanh thu để chi trả lãi vay ngân hàng và thực hiện nghĩa vụ thuế, bảo hiểm xã hội...”.

Công nhân làm việc tại Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đ.T
Công nhân làm việc tại Trung tâm chế biến rau quả DOVECO Gia Lai. Ảnh: Đ.T



Tương tự, Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ cũng gặp nhiều khó khăn trong hoạt động xuất khẩu nông sản. Giám đốc Công ty Nguyễn Trọng Điểm cho hay: “Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số mặt hàng nông sản của Công ty không thể xuất sang thị trường Trung Quốc, bị ùn ứ nhiều. Thêm vào đó, giá cả lại đang giảm thấp nên doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Công ty mong chính quyền địa phương có giải pháp hỗ trợ để vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Gia Lai đề nghị: “Chúng tôi mong Hiệp hội Doanh nghiệp cũng như Hiệp hội Du lịch có ý kiến đề xuất UBND tỉnh tác động các ngân hàng hoạt động trên địa bàn xem xét áp dụng các biện pháp miễn, giảm lãi suất vay, khoanh nợ hoặc giãn nợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Cục Thuế tỉnh xem xét có chính sách miễn, giảm hoặc cho nợ thuế đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch. Bảo hiểm Xã hội tỉnh cần có chính sách miễn, giảm, khoanh nợ hoặc giãn nợ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho doanh nghiệp”.

Cùng vào cuộc hỗ trợ doanh nghiệp

Trước những khó khăn của doanh nghiệp do ảnh hưởng dịch Covid-19, chiều 12-3, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì cuộc họp với các sở, ngành và hiệp hội để bàn bạc, thống nhất đề xuất giải pháp tháo gỡ. Ngay sau đó, Sở Công thương đã đưa ra nhiều giải pháp sát sườn để hỗ trợ doanh nghiệp. Ông Nguyễn Duy Lộc-Phó Giám đốc phụ trách Sở Công thương-cho biết: Sở đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị trực thuộc lập danh sách các đơn vị, cá nhân, hợp tác xã có sản xuất và chế biến hàng nông sản, thủy sản. Sau đó, Sở Công thương đã cung cấp danh sách này cho các doanh nghiệp tỉnh bạn nhằm tìm đầu ra cho sản phẩm. Những ngành hàng xuất khẩu còn phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc như: tinh bột mì, trái cây... thì Sở Công thương vận động các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và hỗ trợ doanh nghiệp kết nối thông tin với các tham tán thương mại nước ngoài để tìm hiểu những quy định của nước sở tại nhằm phục vụ hoạt động xuất khẩu.

 Hoạt động xuất khẩu nông sản của Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.D
Hoạt động xuất khẩu nông sản của Công ty TNHH một thành viên Quang Sáng Đức Cơ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Ảnh: H.D

Theo báo cáo của Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh 2 tháng đầu năm 2020 đạt 75 triệu USD, giảm 18% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân kim ngạch xuất khẩu giảm chủ yếu là do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Bên cạnh đó, Sở Công thương cũng chỉ đạo các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hợp tác xã kinh doanh thương mại đứng chân trên địa bàn tỉnh có kế hoạch chuẩn bị lượng hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng của người dân, đảm bảo không để xảy ra hiện tượng khan hàng, sốt giá. Đồng thời, Sở phối hợp với Cục Quản lý Thị trường tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi găm hàng, ép giá để trục lợi, gian lận thương mại, gây hoang mang cho người sản xuất và tiêu dùng; kiểm tra chặt chẽ thị trường, đặc biệt đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm chủ yếu, mặt hàng khẩu trang, chất diệt khuẩn và các trang-thiết bị y tế phục vụ phòng-chống dịch.

Tiếp tục triển khai thực hiện chương trình “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp”, ngày 12-3, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh cũng đã có văn bản đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp cung cấp thông tin tình hình các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, những khó khăn, vướng mắc trong việc tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng và việc thực hiện các giải pháp hỗ trợ khách hàng bị thiệt hại của các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Trên cơ sở đó, Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh sẽ có hình thức tổ chức hỗ trợ phù hợp cho doanh nghiệp.

Mới đây, UBND tỉnh cũng đã có Công văn số 550/UBND-KGVX về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19. Theo đó, UBND tỉnh giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Bảo hiểm Xã hội tỉnh hướng dẫn các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lập hồ sơ và xác định các doanh nghiệp đủ điều kiện thực hiện tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất tối đa 12 tháng theo quy định tại khoản 1 Điều 88 Luật Bảo hiểm xã hội, Điều 16 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Cũng qua tổng hợp các ý kiến từ phía doanh nghiệp, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-cho hay: “Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành kịp thời ban hành hướng dẫn các chính sách quy định tại Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Còn Hiệp hội sẽ tiếp tục phối hợp Ngân hàng Nhà nước-Chi nhánh tỉnh thực hiện chương trình “Ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp” nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong lĩnh vực tín dụng; phối hợp với Siêu thị Co.op Mart Pleiku tổ chức giới thiệu các mặt hàng nông sản sạch của các doanh nghiệp vào thời điểm thích hợp”.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.