Thành Thành Công Gia Lai kỳ vọng vào vụ ép mới

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Còn khoảng 1 tháng nữa thì vụ ép 2022-2023 của Công ty TNHH một thành viên Thành Thành Công Gia Lai (TTCS Gia Lai) sẽ bắt đầu. Ngay từ lúc này, công tác chuẩn bị phương tiện vận chuyển, nhân lực và máy móc phục vụ thu hoạch mía đã sẵn sàng. Nhiều nông dân ở khu vực Đông Nam tỉnh và vùng lân cận đang kỳ vọng cây mía tiếp tục cho năng suất cao, mang lại nguồn thu nhập khá.
Làm giàu từ cây mía
Ông Nguyễn Chí Thương (thị trấn Phú Túc, huyện Krông Pa) cho biết: Ông trồng mía đã 6 năm nay và hợp đồng bao tiêu sản phẩm với TTCS Gia Lai. Công ty có nhiều chính sách hỗ trợ về hom giống, cơ giới hóa các khâu sản xuất, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm nước, quản lý công chặt... để nông dân phát triển vùng nguyên liệu. Nhờ đó, ông cũng như nhiều hộ khác trên địa bàn huyện yên tâm phát triển cây mía. Năm nay, thời tiết thuận lợi, mưa rải đều nên cây mía sinh trưởng phát triển tốt, dự kiến năng suất đạt khá. “Năm trước, với hơn 10 ha mía, gia đình tôi cung cấp cho nhà máy gần 1.000 tấn mía cây. Năm nay, gia đình có thêm 10 ha mía trồng mới cho thu hoạch vụ đầu tiên, năng suất bình quân ước đạt khoảng 95 tấn/ha. Với giá thu mua ổn định như vụ ép trước từ 990 ngàn đồng đến 1,1 triệu đồng/tấn mía 10 chữ đường, trừ chi phí đầu tư, lợi nhuận thu về của gia đình xấp xỉ 1 tỷ đồng”-ông Thương cho hay.
Thành Thành Công Gia Lai hiện đại hóa trong sản xuất cây mía (ảnh TTCS cung cấp).
Thành Thành Công Gia Lai hiện đại hóa trong sản xuất cây mía (ảnh TTCS cung cấp).
Tương tự, bà Lê Thị Gấm (làng Ia Sa, xã Hbông, huyện Chư Sê) phấn khởi chia sẻ: Những năm trước, gia đình bà trồng khoảng 6 ha mía cung cấp cho Nhà máy Đường Ayun Pa. Hiệu quả kinh tế từ cây mía cao hơn cây trồng khác. Năm vừa rồi, bà ký kết hợp đồng với TTCS Gia Lai và mở rộng diện tích trồng mới hơn 33 ha với chi phí đầu tư bình quân 50 triệu đồng/ha. Bà Gấm cho biết: “Không chỉ tôi mà nhiều hộ dân tộc thiểu số ở Hbông cũng trồng mía. Cây mía mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây bắp, mì. Với 39 ha mía gốc và mía tơ, tôi dự kiến sản lượng mía năm nay đạt khoảng 3.900 tấn, trừ chi phí đầu tư còn lãi hơn 1 tỷ đồng”.
Nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu
Để đảm bảo nguồn nguyên liệu cho vụ ép 2022-2023, TTCS Gia Lai có chính sách đầu tư 80-90% chi phí cho người dân trồng, chăm sóc mía tơ, mía gốc theo từng hạng mục canh tác. Đặc biệt, Công ty tập trung đi sâu vào các chương trình khuyến nông, hỗ trợ phân vi sinh, vôi bột để cải tạo độ mùn, pH đất, cày sâu tăng tầng đất canh tác, phun chế phẩm bổ sung dinh dưỡng cho cây mía qua lá với tổng chi phí dự kiến khoảng 20 tỷ đồng. Bên cạnh đó, để người trồng mía có được nguồn giống chất lượng, sạch bệnh, góp phần nâng cao năng suất, TTCS Gia Lai còn hỗ trợ bà con thực hiện nhân giống 3 cấp. Đối với ruộng giống cấp 1 từ cây nuôi cấy mô do Công ty TNHH Nghiên cứu ứng dụng mía đường Thành Thành Công sản xuất, người trồng mía trong vùng nguyên liệu của TTCS Gia Lai được hỗ trợ 100% chi phí cây giống cấp 2 (là cây mía một mắt mầm) và hỗ trợ 200 ngàn đồng/tấn mía hom giống cấp 2, cấp 3. Ngoài ra, Công ty tiếp tục triển khai giải pháp tưới nước nhỏ giọt, tiết kiệm nước với diện tích mở rộng thêm 1.000 ha, góp phần nâng cao năng suất mía khoảng 20-30% so với những diện tích không tưới.  
Vùng nguyên liệu mía của TTCS Gia Lai hiện có khoảng 11.500 ha. Dự kiến vụ thu hoạch 2022-2023 của TTCS Gia Lai bắt đầu vào khoảng giữa tháng 11-2022, sớm hơn so với những năm trước.
Song song với chính sách đầu tư trồng, chăm sóc mía, TTCS Gia Lai đang vận hành chạy thử app SBT Farmer. Ứng dụng công nghệ này giúp nông dân tiếp cận nhanh nhất các chính sách đầu tư, kỹ thuật canh tác mía tiên tiến, khoa học và minh bạch các khoản đầu tư, thu hoạch. Đặc biệt, TTCS Gia Lai đang thực hiện phun thử nghiệm chế phẩm CCS Booster trên 200 ha mía, giúp cây mía tích lũy đường cao, phát triển cả về lượng và chất. Nhờ các biện pháp trên, vụ thu hoạch 2022-2023, năng suất mía bình quân dự kiến đạt 75 tấn/ha (tăng 5 tấn/ha so với niên vụ trước).
Trao đổi với P.V, bà Vũ Thị Lan-Giám đốc TTCS Gia Lai-cho biết: Để đảm bảo vùng nguyên liệu mía phát triển bền vững, tạo mối quan hệ gắn kết giữa nông dân và doanh nghiệp, những năm gần đây, TTCS Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách đầu tư, hỗ trợ người trồng mía ở khu vực Đông Nam tỉnh và vùng lân cận như Chư Sê, Kông Chro. “Hiện nay, Công ty đang tập trung cho vụ ép 2022-2023. Công tác chuẩn bị phương tiện vận chuyển, máy móc và nhân công thu hoạch đã sẵn sàng. Với nhiều chính sách đầu tư, thu mua mía nguyên liệu cho người dân theo hợp đồng đã ký kết đảm bảo hài hòa lợi ích hai bên, chúng tôi kỳ vọng vụ ép năm nay sẽ bội thu về năng suất và sản lượng, giúp người trồng mía có nguồn thu nhập khá”-bà Lan nói.
NGUYỄN LÊ

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.