(GLO)- Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU ngày 18-1-2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku “Về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn TP. Pleiku”, 5 năm qua, các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể thành phố cùng các phường đã kết nghĩa với các làng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn. Qua đó, từng bước giúp đồng bào DTTS thay đổi nếp nghĩ, cách làm để vươn lên trong cuộc sống.
Các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể cùng các phường được phân công kết nghĩa với các làng đồng bào DTTS đã tích cực phối hợp với các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tập trung giúp bà con phát triển sản xuất, thay đổi nếp nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Công an TP. Pleiku tặng bò giống cho hộ nghèo tại làng Do, xã Chư Á, TP. Pleiku. Ảnh: Thúy Ngân |
Cụ thể, các đơn vị đã giúp đỡ các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn vươn lên thoát nghèo bằng hình thức hỗ trợ bò, heo giống và làm chuồng; hỗ trợ phân bón cho cà phê, trồng lúa nước; vận động nhân dân tham gia cải tạo vườn tạp, trồng lúa lai, xây dựng mô hình phát triển kinh tế; vận động bà con tham gia các lớp khuyến nông, tăng cường công tác phòng-chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường và ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt.
Trong 5 năm qua, các cơ quan, đơn vị đã hỗ trợ bằng tiền, ngày công và hiện vật cho các gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn, tặng quà cho thanh niên lên đường nhập ngũ, các cháu học sinh nhân dịp đầu năm học, lễ, Tết… với tổng giá trị hơn 1,2 tỷ đồng. Đồng thời, một số cơ quan còn vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, nhà hảo tâm hỗ trợ quà Tết với tổng giá trị hơn 274 triệu đồng, phối hợp khám bệnh và cấp thuốc miễn phí cho bà con. Riêng Công an thành phố, ngoài việc kết nghĩa với làng Do (xã Chư Á) còn phân công 9 đội nghiệp vụ và Công an 14 phường kết nghĩa với 36 làng; trong 5 năm qua đã tổ chức thăm hỏi 157 lần, tặng 3.427 suất quà cho người dân với tổng trị giá hơn 131 triệu đồng.
Các đơn vị kết nghĩa cũng luôn phối hợp với địa phương tổ chức tuyên truyền, vận động bà con thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ tại các làng; vận động bà con tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Nhờ đó, số làng đạt danh hiệu văn hóa không ngừng tăng. Nếu như năm 2013 có 32/43 làng đạt danh hiệu văn hóa thì đến năm 2017 con số này đã tăng lên 38/43 làng. Các đơn vị cũng tích cực phối hợp vận động bà con đưa con em trong độ tuổi ra lớp, tham gia các lớp bổ túc văn hóa; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về vệ sinh môi trường, phòng-chống các dịch bệnh, ăn ở hợp vệ sinh, khi ốm đau đến cơ sở y tế khám-chữa bệnh; duy trì và phát triển phong trào thể dục thể thao.
Sau 5 năm thực hiện Đề án số 01 của Ban Thường vụ Thành ủy Pleiku về công tác kết nghĩa với các làng đồng bào DTTS, các đơn vị được phân công đã phần nào giúp bà con từng bước xóa nghèo, cải thiện đời sống. Kết quả này đã góp phần phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng-an ninh, trật tự an toàn xã hội của thành phố; củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở ngày càng vững mạnh hơn.
Thúy Ngân