Tinh hoàn phải nam thanh niên to dần kèm đau nhức suốt 2 tháng, khi đi khám, bác sĩ phát hiện bị ung thư tinh hoàn.
Trung tâm Nam học, BV Việt Đức vừa tiếp nhận nam bệnh nhân Bùi Tiến L. ở Hoà bình, bị ung thư tinh hoàn khi mới 26 tuổi. PGS.TS Nguyễn Quang, Giám đốc Trung tâm Nam học cho biết, bệnh nhân đến khám trong tình trạng tinh hoàn phải to dần kèm theo đau tức suốt 2 tháng.
Khai thác bệnh sử, bệnh nhân cho biết đã lấy vợ 1 năm nhưng chưa có con. Trước đó, bệnh nhân đã mổ hạ tinh hoàn 2 bên do ẩn tinh hoàn năm 11 tuổi.
Kết quả kiểm tra cho thấy, bệnh nhân có tinh hoàn phải to chắc, ấn đau, biến đổi hình thái, tinh hoàn trái nhỏ. Hình ảnh chụp CT chỉ rõ hình ảnh u tinh hoàn phải chưa xâm lấn ra vỏ tinh hoàn và các tổ chức lân cận.
Hình ảnh khối u trên tinh hoàn phải của bệnh nhân |
Các bác sĩ chẩn đoán, nam bệnh nhân này bị ung thư tinh hoàn và buộc phải có chỉ định phẫu thuật cắt bỏ một phần “cậu nhỏ”. Bệnh nhân sau đó được chỉ định dùng thuốc và tái khám định kỳ.
Do bệnh nhân chưa có con, để đảm bảo duy trì nòi giống về sau, bác sĩ đã khuyên bệnh nhân lấy tinh trùng gửi vào Ngân hàng mô tại BV Việt Đức trước khi phẫu thuật.
Kết quả sinh thiết phần mô khối u sau phẫu thuật cho thấy, bệnh nhân bị u tế bào mầm hỗn hợp ác tính.
Theo PGS Quang, với trường hợp này, nếu không chẩn đoán và xử trí kịp thời, tổn thương ung thư tinh hoàn sẽ phát triển, xâm lấn các cơ tổ chức lân cận, di căn các cơ quan khác và ức chế tinh hoàn trái phát triển. Khi đó, sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải điều trị hoá chất khiến tinh trùng bị chết hoặc yếu đi, sẽ rất khó có con.
Khối u ác tính được lấy ra |
Theo số liệu thống kê tại nhiều nước, ung thư tinh hoàn là ung thư rất ít gặp ở nam giới, chiếm chưa tới 1% trong tổng ung thư ở nam giới, hay mắc nhất ở độ tuổi 15-25.
Nguyên nhân chính dẫn đến ung thư tinh hoàn là tinh hoàn ẩn, chiếm tỉ lệ 80-85%, còn lại do tiền sử quai bị, tràn dịch màng tinh hoàn, thoát vị bẹn...
So với các loại ung thư khác, đây là bệnh ung thư có tỉ lệ chữa khỏi rất cao, tỉ lệ sống sau 5 năm có thể lên tới 95% nếu được điều trị kịp thời.
Để phát hiện sớm tinh hoàn, bác sĩ khuyến cáo cha mẹ hoặc nam giới có thể tự kiểm tra “cậu nhỏ” hàng ngày. Khi thấy dấu hiệu bất thường như không thấy tinh hoàn, tinh hoàn sưng to, cứng hay đau bất thường... cần đến ngay các cơ sở chuyên khoa để khám, can thiệp kịp thời.
Để phòng tránh căn bệnh này, bạn có thể tự kiểm tra tinh hoàn của mình hàng ngày. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ cũng cần kiểm tra cho con. Khi phát hiện thấy có dấu hiệu bất thường như không thấy tinh hoàn, tinh hoàn sưng to,… cần đưa ngay đến cơ sở chuyên khoa để khám và có sự can thiệp kịp thời.
Thúy Hạnh (VIE)