Thanh minh trong tiết tháng ba

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Đã thượng tuần tháng ba Âm lịch, Tây Nguyên đã qua mấy cơn mưa đầu mùa và sáng sáng sương mù đã giăng bàng bạc trên các con đường, ngọn cây, tràn cả xuống thung lũng. 
Nếu như không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì có lẽ hết mưa, các khu dân cư ở Pleiku sẽ bắt đầu cúng xóm. Cũng lạ, một thành phố tuổi đời chưa được 100 năm và cư dân đều là dân tứ xứ hội tụ về mà vẫn có phong tục này. Bất chợt nhớ quê nhà và tục cúng Thanh minh ngày xưa... “Thanh minh trong tiết tháng ba/Lễ là tảo mộ, hội là đạp thanh” (Truyện Kiều-Nguyễn Du).
Ngày còn nhỏ, tôi nghe cha kể rằng, người dân huyện Tuy Phước (tỉnh Bình Định) khoảng 500 năm trước theo chúa Nguyễn từ Hà Tĩnh vào mở cõi. Bấy giờ, có 2 huyện là Tuy Phước và Tuy Viễn thuộc phủ An Nhơn. Đến năm 1906, đời Vua Thành Thái, huyện tách ra không trực thuộc phủ An Nhơn nữa mà thành lập phủ Tuy Phước. Làng Mỹ Trung (xã Phước Sơn) quê tôi có 4 xóm: xóm nhà tôi là Vĩnh Trường, xóm sau là Trường Định, xóm dưới tôi không nhớ tên và xóm gần đầm Thị Nại là Mỹ Thành.
Mỗi xóm đều có một ngôi miếu, người quê tôi gọi là miễu. Khác với đình là nơi thờ Thành Hoàng làng, miễu thờ quỷ thần. Xóm nào cũng có một khu mộ vô chủ gọi là mả âm hồn, thường có hình tròn. Cha tôi nói, những cái mả âm hồn này khi ông còn nhỏ đã thấy có ở đó rồi. Ngôi miễu ở các xóm không lớn lắm, được xây hình chữ nhật rộng khoảng 40-50 m2, xây gạch, bốn góc mái cong đầu đao tô rồng phượng, sơn đỏ vàng. Bên trong miễu chia thành 2 phần cách nhau một bức rèm, nội điện gồm bàn thờ và bài vị; nhà tiền tế với các đồ thờ cúng, nhạc khí ở bên ngoài.
Tháng ba Âm lịch, người trong xóm ấn định một ngày để đi tảo mộ âm hồn. Sau đó, tất cả lên miễu cúng tế. Người dân quê tôi không mặc đồ tế lễ cầu kỳ mũ cánh chuồn và đi hia như một số vùng khác mà mặc áo dài đen hoặc áo dài in chữ Thọ, đầu đội khăn đóng. Đàn bà thì nấu nướng và bọn trẻ con chạy qua chạy lại nô đùa í ới. Hồi nhỏ, tôi thích nhất là nghi lễ đánh trống, đánh chiêng. Một chiếc trống chầu lớn do 2 người đàn ông khiêng, một chiếc phèng la có núm cũng lớn, cũng do 2 người đàn ông khiêng, cứ gióng lên 3 hồi 9 tiếng, âm thanh kéo dài, lan ra xa vào những đám hơi sương còn bay là đà trên mặt ruộng vừa gặt trơ gốc rạ. Cứ phèng la rồi trống, âm thanh trầm bổng hòa quyện nhau như mời mọc, thỉnh cầu những âm hồn tự cõi xa xưa nào đó trở về...
Sau cúng Thanh minh, có năm dân xóm lại được xem hát bội (hát bộ). Tức là năm ấy có người khấn điều gì đó đã được toại nguyện nên thỉnh đoàn hát về diễn. Sân khấu dựng lên quay về hướng miễu nên còn gọi là hát án, người xem không phải mất tiền. Mỗi lần diễn như vậy phải đến 3 đêm. Làng xóm vui như vào hội. Trống kèn rộn rã. Bọn trẻ con chúng tôi tuy nghe nhìn chẳng hiểu gì nhưng cũng náo nức như ai. Và thành thật xin lỗi những diễn viên vốn là nông dân, rằng thằng tôi năm ấy sao nghịch quá. Sàn diễn là những tấm ván ghép với nhau, tôi cứ chui xuống dưới lấy que chọc mạnh lên chân diễn viên đang biểu diễn bên trên làm họ phải vừa múa hát vừa rút chân lên liên tục.
Thương hải biến vi tang điền, nghĩa là: biển xanh biến thành ruộng dâu. Sau này, tất cả 4 ngôi miễu ở 4 xóm đều bị triệt phá. Vài năm gần đây mới được bà con hùn tiền xây dựng lại. Miễu xóm Vĩnh Trường xây trên nền cũ nhưng quy mô không được như trước. Kiểu dáng cũng đơn giản, không đầu đao, rồng phụng chi cả (riêng ngôi đình thờ Thành Hoàng đã bị xuống cấp từ những năm 60 của thế kỷ trước, sắc thần vua ban nghe đâu được một nhà ai đó giữ nhưng rồi cũng bị lạc mất). Ba xóm còn lại thì chưa thấy xây, riêng vị trí miễu xóm Trường Định nay là một ngôi chợ, bán buổi sáng, người nhóm chợ khá đông. Tất cả các khu mả âm hồn của các xóm cũng không còn, thay vào đó là những ngôi nhà ở của người dân.
Tôi lên Tây Nguyên đã gần 50 năm, không còn được dự một buổi lễ cúng Thanh minh ở quê nhà. Tháng ba đã về, tôi lại cứ băn khoăn chẳng biết người xóm tôi tảo mộ âm hồn ở đâu và tiếng trống, tiếng phèng la có âm vang, có còn lan xa trong lãng đãng sương sớm như tôi nghe thuở ấu thơ? Chợt nhớ dáng cha cao gầy trong chiếc áo dài đen nền nếp, đầu đội khăn đóng chầm chậm đi lên miễu cúng Thanh minh.
THANH PHONG

Có thể bạn quan tâm

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

Sáp nhập đơn vị hành chính gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa

(GLO)- Thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị là yêu cầu mang tính sống còn của đất nước trước vận hội phát triển mới. Trong đó, sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã để xây dựng mô hình chính quyền 2 cấp đang được dư luận hết sức quan tâm.

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

Tục thờ thần Bạch Mã ở vùng Tây Sơn Thượng đạo

(GLO)- Thần Bạch Mã (hay còn gọi là Thái giám Bạch Mã, Bạch Mã Thái giám) là vị thần có ảnh hưởng lớn trong đời sống tín ngưỡng dân gian ở vùng Tây Sơn Thượng đạo. Hiện nay, một số đình tại thị xã An Khê còn duy trì việc thờ cúng và gìn giữ sắc phong vua ban cho vị thần này.

'Bảo hiểm' cho di sản

'Bảo hiểm' cho di sản

Tại lễ công bố các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và quyết định xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp thành phố tại TPHCM vào cuối tháng 3 vừa qua, Công ty CP Tư vấn Cảng - kỹ thuật biển (Portcoast) đã trao tặng toàn bộ sản phẩm số hóa của Nhà hát Thành phố cho Trung tâm Nghệ thuật TPHCM.

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

Vua Lửa: Huyền thoại và hiện thực

(GLO)- Chuyện về các Pơtao Apui (Vua Lửa) sở hữu gươm thần có quyền năng hô mưa gọi gió không chỉ là huyền thoại mà gắn với dòng chảy văn hóa, lịch sử của người Jrai ở thung lũng Ayun Hạ (huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai) suốt nhiều thế kỷ qua.

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

Những người thầm lặng chăm lo việc làng

(GLO)- Không chế độ phụ cấp, bổng lộc nhưng nhiều năm qua, các cụ từ, bà vãi trong đội hậu cần, ban nghi lễ tại các đình, miếu trên địa bàn thị xã An Khê vẫn thầm lặng, miệt mài với công việc. Sự tự nguyện ấy xuất phát từ tâm huyết dành cho văn hóa, di sản của cha ông.

Tùy theo điều kiện của từng gia đình để chuẩn bị quy mô lễ cúng lớn hay nhỏ

Gia Lai: Độc đáo lễ thổi tai của người Jrai

(GLO)- Nằm trong chuỗi các hoạt động Lễ cầu mưa Yang Pơtao Apui huyện Phú Thiện năm 2025, sáng 27-3, tại xã Ia Yeng đã diễn ra lễ thổi tai của người Jrai. Nghi lễ được tái hiện rõ nét giúp du khách hiểu được ý nghĩa văn hóa tâm linh trong đời sống của người Jrai nơi đây.

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

Lễ cầu mưa trên đỉnh núi thần: Di sản đặc biệt

(GLO)- Trên đời có thực sự tồn tại những con người có quyền năng hô mưa gọi gió? Chính hiện thực và truyền thuyết hư ảo đan cài vào nhau khiến lễ cầu mưa của Yang Pơtao Apui ở thung lũng Ayun Hạ trở thành một hiện tượng đặc biệt, hấp dẫn bởi sự linh thiêng, huyền bí.

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

Tự hào con cháu Hai Bà Trưng

(GLO)- Đền thờ Hai Bà Trưng là di tích quốc gia đặc biệt, tọa lạc tại thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh, huyện Mê Linh, TP. Hà Nội. Đây cũng là quê hương của Hai Bà Trưng-những nữ tướng anh hùng đã nổi dậy chống quân xâm lược nhà Hán.

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

Lễ Tế Xuân tại đình làng An Mỹ

(GLO)- Ngày 9-3, tại đình làng An Mỹ (thôn 2, xã An Phú, TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai) diễn ra lễ cúng đình với các nghi thức long trọng tưởng nhớ công ơn của các vị tiền hiền có công khai hoang mở đất, lập làng và cầu quốc thái dân an.