Tencent: Đế chế thầm lặng nhưng lớn hơn cả Facebook

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Tencent là một đế chế Internet khổng lồ tại Trung Quốc. Sức mạnh bản thân hay nhờ sự hậu thuẫn tại thị trường nội địa? Điều gì đã làm nên tên tuổi của tập đoàn công nghệ lớn thứ 5 thế giới này?

Trung Quốc hiện là thị trường kỹ thuật số lớn nhất thế giới, xét về số người sử dụng Internet. Điều này là có được là nhờ chính sách Vạn lý trường thành trên mạng (Great Firewall) của chính phủ Bắc Kinh. Nhờ vậy mà những công ty công nghệ như Tencent có thể thoát khỏi sự cạnh tranh bởi các ông lớn như Google hay Facebook.

Hồi cuối năm ngoái, Tencent đã trở thành công ty Trung Quốc đầu tiên đạt giá trị 500 tỷ USD. Dù không quá nổi bật trong mắt thế giới phương Tây, Tencent đã vượt qua cả Facebook về giá trị vốn hóa để trở thành công ty có trị giá đứng thứ 5 trên thế giới.

Hệ sinh thái 1 tỷ người sử dụng, kẻ thống trị làng game toàn cầu

Chỉ trong vòng một năm qua, giá cổ phiếu Tencent tại thị trường Chứng khoán Hồng Kông đã tăng từ 200 HKD (Dollar Hong Kong) ở thời điểm năm 2017 lên thành 442 HKD trong năm 2018.

Sức mạnh của Tencent tới từ tầm ảnh hưởng của ứng dụng nhắn tin WeChat, các tựa game trên di động và hệ sinh thái với 1 tỷ người sử dụng trên toàn cầu. Phần lớn lượng người sử dụng này nằm tại Trung Quốc, nơi mà Tencent không phải cạnh tranh với dịch vụ được cung cấp bởi các doanh nghiệp tại thung lũng Sillicon.


 

 Tencent hiện đã vượt qua Facebook để trở thành công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới.
Tencent hiện đã vượt qua Facebook để trở thành công ty có giá trị lớn thứ 5 thế giới.



Tencent Video hiện là dịch vụ xem phim trả phí lớn nhất tại Trung Quốc. Với việc nắm giữ bản quyền giải bóng bầu dục Mỹ và những series phim truyền hình bom tấn như Game of Throne, Tencent Video được xem như một Netflix của phương Đông với hơn 40 triệu người sử dụng.

Theo nhà phân tích Jamie McEwan của Ender, Tencent là công ty có mối quan hệ mật thiết với chính phủ Trung Quốc. “Họ được phép phát triển và đa dạng hoá các dịch vụ của mình mà không phải chịu sự kiểm soát khắt khe của chính phủ hay sự cạnh tranh của các doanh nghiệp phương tây", Jamie McEwan cho biết.

Hồi năm 2014, Tencent đã rất gần với một thoả thuận mua lại WhatsApp, dù rằng sau đó thương vụ này đã bị Facebook nẫng tay trên. Công ty của tỷ phú Mark Zuckerberg đã chi 19 tỷ USD để sở hữu WhatsApp, gấp đôi so với mức giá đề nghị của đối thủ Trung Quốc.


 

Nhà sáng lập Tencent - Mã Hứa Đằng.
Nhà sáng lập Tencent - Mã Hứa Đằng.



Không bằng lòng với thất bại, Mã Hứa Đằng - nhà sáng lập và hiện là CEO Tencent - đã mua lại 12% cổ phần tại Snapchat hồi năm ngoái. Công ty này cũng đang nắm giữ 5% cổ phần tại Tesla và đã trao đổi cổ phần với Spotify - ứng dụng nghe nhạc trực tuyến phổ biến nhất thế giới.

Tencent Music, ứng dụng nghe nhạc trực tuyến của Tencent dự kiến sẽ đạt giá trị 10 tỷ USD vào cuối năm nay. Trước đó hồi năm 2016, Tencent đã bỏ ra 8,6 tỷ USD để mua lại 84% cổ phần của Supercell, nhà phát hành 2 tựa game danh tiếng Clash of Clans và Clash Royale. Công ty Trung Quốc hiện cũng sở hữu Los Angeles Riot, nhà phát hành tựa game Liên minh huyền thoại (LoL).

"Gã khổng lồ" Internet Trung Quốc này đang nỗ lực nhằm tăng cường sự thống trị của mình trên thị trường game di động với việc đầu tư vào Epic of War Epic và Activision Blizzard, nhà phát triển World of Warcarft, Call of Duty và Candy Crush Saga.


 

Ít người biết rằng, các tựa game như Liên minh huyền thoại (LoL), Clash of Clans và Clash Royale đều thuộc quyền sở hữu của công ty Trung Quốc.
Ít người biết rằng, các tựa game như Liên minh huyền thoại (LoL), Clash of Clans và Clash Royale đều thuộc quyền sở hữu của công ty Trung Quốc.


Tencent cũng đang sở hữu Honor of Kings, tựa game có doanh thu lớn nhất thế giới. Honor of Kings hiện có 200 triệu người chơi mỗi tháng với doanh thu hàng quý đạt 1 tỷ USD.

Tuy vậy, không phải lúc nào con đường đi của Tencent cũng phủ kín hoa hồng. Công ty này từng bị chính phủ Trung Quốc cảnh báo rằng sản phẩm của họ giống như chất độc đối với giới trẻ.
 

Với cơ cấu kinh doanh mà doanh thu từ phát hành game chiếm tới 40%, không bất ngờ khi các nhà đầu tư của Tencent đã quay đầu tháo chạy. Để giải quyết điều này, Tencent đã phải giới hạn số giờ chơi còn 1 tiếng/ngày với trẻ dưới 12 và 2 tiếng/ngày cho trẻ từ 12 - 18 tuổi.

WeChat và người Hoa hải ngoại là bàn đạp tiến ra toàn cầu

Theo các nhà phân tích, các dịch vụ được cung cấp bởi Tencent được sử dụng bởi hơn 2/3 dân số Trung Quốc. Người dùng Trung Quốc dành tổng thời gian 1,7 tỷ giờ mỗi ngày để sử dụng các dịch vụ của Tencent.

Từ một công ty chỉ với một văn phòng chật chội tại Thâm Quyến vào năm 1990, mọi thứ đã thay đổi hoàn toàn với Tencent khi ứng dụng WeChat ra đời vào năm 2011. 

Không chỉ là ứng dụng nhắn tin, Tencent còn tích hợp rất nhiều tính năng khác vào WeChat. Ứng dụng này được tích hợp hệ thống thanh toán cùng các tiện ích thương mại điện tử, khả năng đặt lịch hẹn với ngân hàng, bác sĩ, xin thị thực trực tuyến và trả tiền phạt giao thông.


 

 Thị phần của các mạng xã hội hàng đầu thế giới tính đến hết năm 2017. WeChat hiện đứng thứ 5 với khoảng gần 900 triệu người sử dụng.
Thị phần của các mạng xã hội hàng đầu thế giới tính đến hết năm 2017. WeChat hiện đứng thứ 5 với khoảng gần 900 triệu người sử dụng.



Mới đây, Tencent đã thành công trong việc sở hữu cổ phần nhà phân phối STX Entertainment của Trung Quốc. Tencent Picture cũng là nhà tài trợ của bộ phim bom tấn Kong: Skull Island. Lý giải về điều này, nhà phân tích cấp cao Ruomeng Wang của IHS Markit cho rằng, mục tiêu của Tencent trong các khoản đầu tư là muốn đa dạng hoá các sản phẩm nhằm hỗ trợ cho hệ sinh thái.

Với việc nắm giữ cổ phần tại Didi, ứng dụng gọi xe Uber của Trung Quốc và Hike, một ứng dụng nhắn tin phổ biến tại Ấn Độ, tham vọng của Tencent là biến các dịch vụ của mình trở thành một phần của cuộc sống thường ngày.


 

Người Hoa ở hải ngoại và ứng dụng WeChat là công cụ để Tencent gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.
Người Hoa ở hải ngoại và ứng dụng WeChat là công cụ để Tencent gia tăng tầm ảnh hưởng trên toàn cầu.



Việc Trung Quốc đóng cửa thị trường Internet đã hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của Tencent, bên cạnh đó là sự khác biệt giữa thói quen của người dùng Internet tại Mỹ và Trung Quốc. Điều này cũng là rào cản lớn với Tencent khi ngoài thị trường nội địa, ứng dụng WeChat của hãng không thể duy trì sự hiện diện của mình tại bất kỳ một thị trường nào khác.

Theo các nhà phân tích, trọng tâm của Tencent trong thời gian sắp tới là nhắm tới Mỹ, Châu Âu, Nam Mỹ và cả thị trường mới nổi như các nước Đông Nam Á. Chiến lược này nhằm tận dụng lượng khách du lịch khổng lồ của Trung Quốc và làn sóng di cư của người Hoa ra các nước bên ngoài.

Rất khó để WeChat có thể xen vào đời sống của người dân ở các nước phương Tây. Tuy nhiên, với người Hoa ở nước ngoài thì khác. Họ có thể sử dụng WeChat để thanh toán thay vì dùng Master Card hay thẻ VISA. Đây sẽ là đối tượng người dùng chính của Tencent tại các thị trường bên ngoài Trung Hoa đại lục.

Trọng Đạt (Vietnamnet)

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.