Tây Nguyên trong tôi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Tôi về làng vào một ngày có nắng. Bước chân đưa tôi qua từng con đường nhỏ được thảm nhựa sạch sẽ, những tán cây xanh tỏa bóng mát dịu dàng, chan chứa cả khung trời bình yên. Vừa đi vừa ngẫm ngợi, tôi càng yêu mến những con người thật thà, chất phác, phóng khoáng nơi đây.

Nhớ lúc còn bé, tôi sợ lắm khi thi thoảng nhìn thấy trên quốc lộ những cụ già lưng trần, mặc khố, tay cầm cây rựa thật dài. Trong trí tưởng tượng non nớt của tôi ngày đó, có lẽ họ đang chuẩn bị phạt một ai đó kinh khủng lắm. Rồi cũng có khi, tôi lại không giấu được sự khó chịu với mùi khét nắng của mấy cô bạn cùng lớp. Sau này, tôi lại thấy thương thương cái mùi khen khét ấy. Chính mùi nắng trên tóc, trên da, trên áo các bạn là một phần không thể thiếu khi nhớ về Tây Nguyên. Để rồi tôi phải gật đầu thán phục những người bạn cũ-những người sau này đã trở thành cán bộ lãnh đạo, giáo viên, bác sĩ tài năng. Chính họ đã góp phần làm thay đổi diện mạo Tây Nguyên từng ngày.

Khung cảnh bình yên ở làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Khung cảnh bình yên ở làng Kon Măh, xã Hà Tây, huyện Chư Păh. Ảnh: Nguyễn Linh Vinh Quốc

Thực sự mà nói, tôi rất ngưỡng mộ chất tài hoa, nghệ sĩ vốn có của các chàng trai, cô gái người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. Đơn giản như là chuyện ca hát thôi, có khi chỉ hát chơi trong các cuộc vui nhỏ cùng bè bạn thì họ vẫn cháy hết mình trong từng câu hát. Hay khi ngắm các cô gái tay trong tay hòa vào những vòng xoang nối dài trong lễ hội, chân nhún nhảy theo tiếng cồng chiêng, mắt môi cười rạng rỡ mà quên hết bao vất vả trên rẫy, trên nương. Đâu phải chỉ có cồng chiêng, người Tây Nguyên nghệ sĩ, tài hoa còn hát cùng với đá, lồ ô, bầu khô, tre nứa... Chả thế mà hàng loạt nhạc cụ dân gian ra đời từ cuộc sống lao động thường nhật của bà con. Những thứ tưởng chừng vô tri ấy đều trở thành nhạc cụ độc đáo với tiếng đàn t’rưng trầm bổng ngân nga, tiếng đàn đinh pút thánh thót, tiếng đàn ting ning réo rắt, tiếng đàn đá, đàn suối, đàn gió dìu dặt vang xa vui rừng ấm núi.

Và có lẽ, ấn tượng nhất với tôi đến bây giờ vẫn là hình ảnh chị em phụ nữ địu con trên lưng mà làm đủ thứ việc trên đời. Phụ nữ dân tộc thiểu số nơi đây không chỉ làm thiên chức người mẹ mà còn cáng đáng việc nhà cửa, rẫy nương. Họ vừa chăm sóc con cái vừa làm việc, chăm lo cuộc sống gia đình. Các bà mẹ có con nhỏ dù đang ở nhà nấu cơm hay ra chợ buôn bán, thậm chí lên nương, lên rẫy trỉa bắp, trồng mì thì cũng luôn địu con trên lưng. Hình ảnh thân thương ấy khiến tôi nhớ đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm: “Ngủ ngoan A kay ơi, ngủ ngoan A kay hỡi…/mặt trời của bắp thì nằm trên đồi/mặt trời của mẹ em nằm trên lưng”.

Lâu rồi, tôi mới trở về thăm làng. Làng bây giờ đổi thay quá nhiều, phát triển, giàu có, phác thảo nên một bức tranh toàn cảnh “nông thôn mới, sức sống mới, diện mạo mới”. Tôi dạo quanh làng, ngắm nhìn ngôi nhà sàn nép mình dưới bóng cây. Cuộc sống của người dân bây giờ đã đổi thay nhiều, ngày một ấm no, hạnh phúc. Cũng nhờ cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” nên bà con đã biết làm kinh tế hiệu quả. Cái cách chăn nuôi gia súc thả rông hay dùng cây nhọn chọc lỗ trỉa bắp, đốt rừng làm rẫy, hết mùa rẫy này thu hoạch xong thì chuyển sang vùng đất mới lại tiếp tục đốt rừng, làm vụ mùa rẫy mới nay không còn nữa. Thay vào đó, bà con đã biết làm chuồng trại chăn nuôi, biết chủ động vay vốn trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như: cà phê, mía, bời lời… Làng giờ đây nhà cửa khang trang, sạch đẹp, nhiều ngôi nhà Thái mọc lên to lớn, hoành tráng như tòa lâu đài trong truyện cổ tích.

Nhà rông là nơi dân làng tập trung vào những dịp quan trọng. Ảnh: Phương Vi

Nhà rông là nơi dân làng tập trung vào những dịp quan trọng. Ảnh: Phương Vi

Trước khi tạm biệt làng, tôi ngồi lại thật lâu bên ngôi nhà rông. Ừ thì nhà rông là nơi dân làng tập trung vào những dịp quan trọng, cũng là nơi thi thoảng đón khách phương xa hay hội họp cùng bàn chuyện lớn nhỏ của làng. Song với không ít người con của buôn làng thì nhà rông còn là điểm dừng nghỉ ngơi, là nơi trở về khi chân đã mỏi. Có cái gì đó vừa gần gũi, thân thuộc nhưng cũng rất kiêu hãnh Tây Nguyên với mái nhà rông cao vút tưởng chừng sắp chạm tới gần bầu trời xanh thẳm.

Và gió. Cao nguyên mùa này gió hiền lành, chứ không xao xác, ào ạt, không thông thốc, bạt ngàn, dữ dội cuốn tung bụi mù. Trong thanh âm của gió nơi làng, bên mái nhà rông kiêu hãnh sừng sững với tháng năm, chẳng phải mùa lễ hội mà sao tôi như nghe đâu đây vang vọng thanh âm của đại ngàn: “Tiếng chiêng từ bản vọng ra/Đâu là chiêng chị, đâu là chiêng em/Bâng khuâng ngơ ngẩn tôi tìm/Chiều như hạ xuống hay là đang lên” (thơ Hường Lý).

Có thể bạn quan tâm

Dốc xưa

Dốc xưa

(GLO)- Nhìn từ trên cao xuống, bạn sẽ thấy đèo dốc như những dải lụa mềm mại. Ấy vậy mà khi đặt chân đến đó, bạn sẽ thấy nó như một thách thức lớn khiến ta phải ngẫm nghĩ thật nhiều. Nhưng, không phải lúc nào chênh vênh cũng làm ta ngã mà lại bồi đắp nên nghị lực và ý chí vượt khó.

Ra Bắc, vào Nam

Ra Bắc, vào Nam

(GLO)- Hơn nửa đời người, tôi loay hoay đi về giữa 2 miền Nam-Bắc. Miền Bắc là quê hương, là nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Còn miền Nam là nơi tôi học tập và trưởng thành.

Ảnh minh họa: Phùng Tuấn Ngọc

Mùi Tết

(GLO)- Có một ngày, tôi bỗng ngồi nhớ nhung mùi Tết, để rồi tự hỏi mùi của Tết là gì? Phải chăng đó là mùi của nồi bánh chưng đang sôi lục bục ở góc sân đêm 29 Tết hay là mùi thơm nồng của dưa hành dưa kiệu mới ngấu?

“Mùa đi cùng tháng năm”

“Mùa đi cùng tháng năm”

(GLO)- Rồi thời gian cũng sớm vẫy mùa xuân trở lại. Tôi đoán thế khi đang đứng ở hành lang một dãy phòng học nhìn ra buổi sáng mà mọi vật như còn bỡ ngỡ với “cơn nắng se ngang trời đông”. Như thể ngày hôm qua và cả hôm kia nữa, chưa hề gió lạnh.

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

Hoa rù rì bên dòng Pô Cô

(GLO)- Dòng Pô Cô huyền thoại uốn lượn qua miền biên giới Ia Grai trước khi chảy qua Campuchia hợp lưu với sông Mê Kông. Mỗi độ cuối đông đầu xuân, ven bờ sông và trên cồn bãi xuất hiện một loài hoa rất đẹp, người Jrai gọi là bra tang hay còn gọi là hoa rù rì.

Công nhân Công ty 74 vận hành máy băm trộn cỏ làm thức ăn cho bò. Ảnh: T.S

Tình ca du mục miền Ia Kla

“Thảo nguyên bát ngát mênh mông tận chân trời/Cỏ cây hoa lá hương thơm tỏa ngát đồng”. Giai điệu ca khúc lãng mạn của những năm tuổi trẻ cứ nhẹ nhàng lẩn quất trong tâm trí khi tôi đến thăm trại bò siêu thịt của Công ty TNHH một thành viên 74 (Binh đoàn 15) trên địa bàn xã Ia Kla, huyện Đức Cơ.

Cầu Bến Mộng. Ảnh: Phạm Quý

Bên kia bờ sông Ba

(GLO)- Nhà tôi ở bên hữu ngạn sông Ba, nơi phố thị tấp nập, náo nhiệt. Ở nơi đông vui, thuận tiện cho sinh hoạt, nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy ngột ngạt, tù túng bởi sự chật chội, ồn ào.

Đèo An Khê. Ảnh: Phan Nguyên

Bâng khuâng chiều An Khê

(GLO)- Tôi trở lại An Khê vào một chiều mưa. Cơn mưa không ồn ào mà rơi êm vào ký ức, đánh thức một miền nhớ xa xôi, thuở nơi đây còn là một thị trấn nhỏ bình lặng nằm ven quốc lộ 19.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Mùa về trên lưng áo mẹ

(GLO)- Từ khi còn nhỏ, tôi đã có thói quen dậy sớm. Mỗi khi tiếng mấy con gà ở chái bếp cất lên, tiếng đòn gánh dựng ở góc nhà sơ ý va vào liếp cửa, tôi lại nghe tiếng ho cố nén của mẹ. Lại thấy thương mẹ nhiều hơn.

Ảnh minh họa: Phạm Quý

Mùa lá rụng

(GLO)- Phố nhỏ của tôi đã vào mùa cây trút lá. Lang thang dọc con đường quen, tôi nhận ra bên hè phố, từng đám lá khô buông dày. Muôn vàn chiếc lá nương theo gió sà xuống những ô gạch cũ, la đà trên mái ngói hiên bàng bạc gam màu trầm. Tôi ngồi trong một góc phố, miên man nghĩ về triền xanh hoa cỏ.

Minh họa: H.T

Ký ức chợ quê

(GLO)- Khi tiếng gà gáy vang lên trên mái nhà, mẹ tôi vội trở dậy chuẩn bị ra chợ. Không chỉ riêng mẹ tôi, việc đi chợ lúc sáng sớm đã trở thành nếp quen của nhiều người dân quê.

Bước ra ngày mới

Bước ra ngày mới

(GLO)- Lúc còn đi học, mỗi buổi sớm mai, tôi thường nghe thấy tiếng bánh xe lăn trên đường rồi sau đó mới là tiếng những cánh cổng sắt được mở ra, tiếng người đi thể dục lao xao.

Ảnh minh họa: Minh Lê

Mây giăng mắt núi

(GLO)- Qua ngày lập đông, còn bao nhiêu heo may gió cũng mang về theo mùa hun hút. Trên đầu dốc, cây bằng lăng núi lá đã chuyển thành màu đỏ sậm như những nốt son ấm áp giữa bao la xanh. Và mây ở đây, bốn mùa cứ lờn vờn khắp các triền đồi.

Minh họa: HUYỀN TRANG

Vườn bắp của ba

(GLO)- Nhiều năm ở phố nhưng tôi đã quen với đất đồng, quen với sự bình yên làng mạc. Bởi vậy, hễ có dịp là tôi tranh thủ về quê, chẳng nhất thiết là phải cuối tuần.