Chư Păh nỗ lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Đến nay, huyện Chư Păh (tỉnh Gia Lai) mới chỉ đạt tổng khối lượng thực hiện các công trình gần 53 tỷ đồng, chiếm hơn 26% kế hoạch vốn; giải ngân được hơn 20 tỷ đồng, đạt 10,38% kế hoạch vốn. Vì vậy, huyện đang tập trung khắc phục những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ xây dựng cơ bản.

Nhằm hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng, năm 2024, huyện Chư Păh đầu tư xây dựng 34 công trình, dự án với tổng vốn kế hoạch gần 200 tỷ đồng. Trong đó, 27 công trình đầu tư xây dựng mới và 7 công trình chuyển tiếp từ năm 2023. Đến nay, 3 công trình đã hoàn thành đưa vào sử dụng; 11 công trình đang thi công; 11 công trình đang lập thủ tục lựa chọn nhà thầu; 8 công trình đang triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, chưa đủ điều kiện giao vốn và 1 công trình đang trình thẩm định hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công dự toán.

Dự án đường giao thông huyện Chư Păh (đường Hồ Chí Minh từ Km 1582+600 đến Km 1585+600 đoạn qua thị trấn Phú Hòa) có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng, thời gian thi công từ năm 2021 đến 2025. Tuyến đường này có tổng chiều dài hơn 3 km, được thiết kế theo quy mô đường đô thị với các hạng mục như: hệ thống thoát nước, điện chiếu sáng, nút giao thông, vỉa hè, dải phân cách…; lòng đường sau khi hoàn thành rộng 23 m (kể cả đan rãnh, dải phân cách).

Là dự án trọng điểm nên UBND huyện đã quyết liệt chỉ đạo các cơ quan liên quan và đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật lực đẩy nhanh tiến độ thi công, đảm bảo tiến độ và chất lượng công trình. Nhờ đó, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng trước 9 tháng so với kế hoạch.

Dự án đường giao thông huyện Chư Păh (đoạn qua thị trấn Phú Hòa) hoàn thành trước kế hoạch 9 tháng. Ảnh: N.Q

Dự án đường giao thông huyện Chư Păh (đoạn qua thị trấn Phú Hòa) hoàn thành trước kế hoạch 9 tháng. Ảnh: N.Q

Tuy nhiên, theo ông Đặng Thái Huy-Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Chư Păh, khối lượng thực hiện, tỷ lệ giải ngân vốn của huyện đến thời điểm này tương đối thấp. Cụ thể, tổng khối lượng thực hiện các công trình đạt gần 53 tỷ đồng, chiếm hơn 26% kế hoạch vốn; giải ngân được hơn 20 tỷ đồng, đạt 10,38% kế hoạch vốn.

Nguyên nhân khiến tiến độ thực hiện, giải ngân của huyện đạt thấp là do nguồn vốn kế hoạch giao cho nhiều công trình khá muộn, thậm chí có công trình đến thời điểm này vẫn chưa được bố trí vốn. Điều này dẫn đến nhiều công trình, dự án vẫn đang tiến hành các bước chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu… nên chưa có khối lượng để giải ngân.

Bên cạnh đó, do nhiều nguyên nhân khách quan mà đến thời điểm này, UBND huyện chưa ban hành giá đất năm 2024, ảnh hưởng đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng các công trình, dự án.

Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lý Thường Kiệt (thị trấn Phú Hòa) là ví dụ điển hình. Dự án có tổng mức đầu tư 10 tỷ đồng, hiện mới chỉ thực hiện được hơn 16% khối lượng. Bên cạnh việc giao vốn chậm, quá trình triển khai các bước chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu mất nhiều thời gian nên khi triển khai thi công thì đã bước vào mùa mưa, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.

Ông Trần Anh Tuấn-Giám đốc Công ty TNHH Thành Lợi Kon Tum-cho hay: “Những ngày qua, trên địa bàn huyện Chư Păh có mưa khiến việc thi công gặp khó khăn. Trước mắt, tranh thủ thời tiết nắng trong ngày, chúng tôi triển khai xây rãnh, đổ tấm đan và các hạng mục ít bị ảnh hưởng. Chúng tôi cũng sẽ huy động máy móc, nhân lực cũng như tăng ca khi thời tiết thuận lợi để đẩy nhanh tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng hợp đồng vào cuối năm 2024”.

Thời tiết mưa đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường Lý Thường Kiệt. Ảnh: N.Q

Thời tiết mưa đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công Dự án đường Lý Thường Kiệt. Ảnh: N.Q

Để đảm bảo hoàn thành khối lượng thực hiện, giải ngân các công trình theo đúng kế hoạch đề ra, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện nêu giải pháp: “Đối với các dự án giao vốn muộn, đơn vị tập trung đẩy nhanh tiến độ lập các thủ tục lựa chọn nhà thầu cũng như đảm bảo các điều kiện để có thể triển khai ngay sau khi có kết quả.

Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các nhà thầu huy động máy móc, thiết bị, con người tranh thủ thời tiết nắng để đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện thanh toán ngay khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, không để dồn vào cuối năm.

Cùng với đó, Ban Quản lý tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các phòng, ban chuyên môn để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thủ tục đầu tư, cấp phép môi trường, giải phóng mặt bằng”.

Có thể bạn quan tâm

Thích ứng với sụt lún

Tp Hồ Chí Minh cần thích ứng với sụt lún

Những nghiên cứu về tình trạng sụt lún công bố gần đây cho thấy nguy cơ 'chìm dần' của TP.HCM không thể xem thường, đặc biệt là tốc độ lún nền đất cao gấp khoảng hai lần mực nước biển dâng (khoảng 1 cm/năm). Đáng lo ngại hơn, sụt lún chưa có dấu hiệu dừng lại.