Con đường bê tông dài hơn 124 m, rộng 5,5 m với tổng kinh phí xây dựng 234 triệu đồng vừa hoàn thành giúp người dân thôn Thắng Lợi 1 (xã Ia Sol) đi lại thuận tiện hơn.
Nguồn kinh phí làm đường được Nhà nước hỗ trợ 50% từ Chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025, phần còn lại do các hộ dân trong thôn đóng góp.
Ông Mã Văn Thủy (bìa trái)-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thắng Lợi 1 (xã Ia Sol) cho biết, khi con đường mới hoàn thành, người dân trong thôn rất phấn khởi. Ảnh: G.H |
Ông Mã Văn Thủy-Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng thôn Thắng Lợi 1-cho biết: “Trước đây, đoạn đường này là đường đất nên việc đi lại, vận chuyển hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, khi con đường mới hoàn thành, bà con trong thôn rất phấn khởi.
Hiện nay, các tuyến đường trong thôn đã bê tông hóa khoảng 80%. Tuy nhiên, một số tuyến đường làm từ lâu đã xuống cấp nên chúng tôi sẽ tiếp tục vận động người dân hiến đất, đóng góp tiền để làm đường mới rộng hơn”.
Tương tự, bộ mặt của thôn Thắng Lợi 2 (xã Ia Sol) cũng có chuyển biến tích cực khi có thêm những con đường mới. Ông Tống Văn Hiền-Trưởng thôn-cho hay: Trong 2 năm (2021 và 2022), cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ 50% của Nhà nước, người dân đã đóng góp hơn 760 triệu đồng (bình quân mỗi hộ hơn 5,5 triệu đồng) để làm hơn 2,3 km đường bê tông.
“Khi triển khai công trình, chúng tôi phải làm chặt chẽ, minh bạch thì người dân mới tin tưởng, tham gia. Hiện nay, 95% tuyến đường trong thôn đã được bê tông hóa. Đời sống người dân cũng từng bước được nâng lên, thu nhập bình quân đầu người đạt trên 50 triệu đồng/năm và thôn chỉ còn 4 hộ nghèo. Chúng tôi phấn đấu năm 2024 sẽ giảm thêm 2 hộ nghèo nữa”-ông Hiền phấn khởi nói.
Ông Nguyễn Hữu Khóa-Chủ tịch UBND xã Ia Sol-cho biết: Từ năm 2020 đến 2023, toàn xã triển khai làm được hơn 5,8 km đường giao thông nông thôn. Để làm được điều này, Đảng ủy, UBND xã luôn quán triệt chủ trương huy động sự đóng góp của người dân trong xây dựng NTM. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, vận động để người dân tham gia.
Đến nay, tỷ lệ đường xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt 100%; tỷ lệ đường thôn, làng và đường liên thôn được cứng hóa đạt 81,2%. Hệ thống đường giao thông dần hoàn thiện giúp người dân đi lại, giao thương thuận lợi, góp phần từng bước nâng cao đời sống.
Tương tự, giai đoạn 2020-2023, cùng với nguồn kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân xã Ia Ake đã đóng góp thêm để làm được hơn 3 km đường giao thông nông thôn.
Phó Chủ tịch UBND xã Vũ Tiến Sơn cho biết: Xã có 8 thôn, làng với 1.853 hộ/8.008 khẩu. Hiện nay, toàn xã có 3 làng đạt chuẩn NTM gồm: Plei Glung B, Plei Tăng A, Plei Tăng B và đang hoàn thiện hồ sơ gửi huyện đánh giá công nhận đạt chuẩn NTM cho 2 làng Plei Lok và Plei Glung Mơ Lan. Đồng thời, xã phấn đấu đến năm 2025 đạt chuẩn NTM nâng cao.
“Từ nhu cầu của người dân đề xuất qua các cuộc họp, tiếp xúc cử tri, UBND xã đăng ký với huyện và xây dựng kế hoạch triển khai qua từng năm. Khi có kinh phí hỗ trợ của Nhà nước, người dân đóng góp kinh phí, ngày công lao động và hiến đất giúp việc thi công các hạng mục công trình được thuận lợi hơn”-ông Sơn thông tin thêm.
Đường làng Plei Lok (xã Ia Ake) được bê tông hóa và người dân trồng hoa giúp cảnh quan sạch đẹp. Ảnh: Gia Hưng |
Theo thống kê của Phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện, giai đoạn 2020-2023, từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, Chương trình kiên cố hóa hạ tầng giao thông và kênh mương, huyện Phú Thiện đã đầu tư xây dựng khoảng 36,4 km đường giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư khoảng 76 tỷ đồng. Trong đó, người dân đóng góp khoảng 16 tỷ đồng và hiến đất để đảm bảo mặt bằng thi công.
Trao đổi với P.V, ông RÔ Thí-Phó Trưởng phòng Kinh tế-Hạ tầng huyện-cho biết: Thời gian qua, việc hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông được cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở quan tâm thực hiện.
Cùng với đó, từ chủ trương “Nhà nước và Nhân dân cùng làm”, người dân đã nâng cao nhận thức về vai trò chủ thể của mình trong xây dựng đường giao thông nông thôn.
Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện ngày càng được hoàn thiện, cơ bản đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa của người dân, phục vụ tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh của địa phương.