(GLO)- Trên lưu vực các dòng sông Sê San, Sêrêpôk, sông Ba, Đồng Nai, Vu Gia và Thu Bồn… thuộc khu vực Tây Nguyên vốn có tiềm năng thủy điện lớn nhất nước ta. Việc quy hoạch và xây dựng bậc thang thủy điện trên các dòng sông này đã đem lại “nguồn sáng” to lớn và đáng kể cho lưới điện quốc gia, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội cho Tây Nguyên cũng như cả nước. Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực đó, việc làm thủy điện ở đây còn bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan tâm…
Từ “cú hích” phát triển…
Cửa nhận nước Thủy điện Ia Ly. Ảnh: Đức Thụy |
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay các dự án thủy điện (DATĐ) đang vận hành trên địa bàn Tây Nguyên đóng góp khoảng 20% tổng sản lượng điện quốc gia. Hàng năm, các nhà máy thủy điện nộp ngân sách nhà nước hơn 1.000 tỷ đồng thuế VAT, 470 tỷ đồng thuế tài nguyên nước và 360 tỷ đồng phí dịch vụ môi trường rừng. Đây là nguồn thu đáng kể góp phần thúc đẩy, phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn. Đơn cử như Đak Lak, qua áp dụng thí điểm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng theo Quyết định 380/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ trong hai năm qua (2012-2013) đã thu được từ các nhà máy thủy điện gần 100 tỷ đồng. Từ nguồn thu này, Đak Lak đã có điều kiện nâng định mức khoán bảo vệ rừng trên địa bàn tỉnh cho các hộ dân lên 10-11 triệu đồng/ha/năm (trước đây khoảng 2,8-3 triệu đồng/ha/năm) góp phần thực hiện chủ trương xóa đói, giảm nghèo cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.
Và một khi định mức khoán bảo vệ rừng được nâng lên thì công tác bảo vệ và phát triển tài nguyên rừng trên các lưu vực sông của Đak Lak nói riêng và cả khu vực Tây Nguyên nói chung được chú trọng hơn. Đó là chưa kể nhờ nguồn thu thuế tài nguyên nước và phí dịch vụ môi trường rừng nói trên được đầu tư trở lại cho rừng đã giúp các địa phương giảm chi ngân sách cho công tác quản lý, bảo vệ rừng để dành nguồn lực tập trung đầu tư cho các vùng có điều kiện kinh tế khó khăn vươn lên, từng bước rút ngắn khoảng cách chênh lệch về thu nhập cũng như mức hưởng thụ văn hóa-xã hội giữa vùng nông thôn và thành thị.
Mặt khác, các hồ chứa thủy điện lớn ở Tây Nguyên với tổng dung tích hữu ích hơn 6 tỷ m3 nước đã góp phần chủ động điều tiết, bổ sung lưu lượng nước về mùa khô và tham gia cắt lũ vào mùa mưa để phục vụ đời sống sinh hoạt, sản xuất cho vùng hạ du. Trong thời gian qua, các hồ chứa thủy điện Plei Krông, Ia Ly, Sê San 4, Ka Nak (tỉnh Gia Lai), Đồng Nai 3, Đa Nhim (Lâm Đồng) và Buôn Tua Sarh (Đak Lak) đã góp phần cắt giảm lũ hiệu quả, giảm thiểu thiệt hại đáng kể cho các tỉnh duyên hải miền Trung. Những hồ chứa thủy điện khác còn kết hợp với hoạt động du lịch, nuôi trồng thủy sản để tăng nguồn thu cho địa phương. Hơn thế, những khu vực dọc theo các hồ chứa thủy điện đã dần hình thành các tiểu vùng khí hậu có độ ẩm cao, mực nước ngầm được phục hồi và gia tăng, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển kinh tế nông nghiệp và từng bước cải thiện tích cực môi trường và hệ sinh thái.
Nhà máy thủy điện Krông Kma-Đak Lak. Ảnh: Đình Đối |
Có thể nói, việc quy hoạch và xây dựng các DATĐ trên địa bàn Tây Nguyên đã mang lại những hiệu quả kinh tế-xã hội nhất định. Từ các DATĐ đã góp phần đánh thức tiềm năng, lợi thế về đất đai, tài nguyên rừng của vùng đất này, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng triệu hộ dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa có cơ hội thay đổi cuộc sống, yên tâm đầu tư phát triển kinh tế để làm giàu cho chính mình và quê hương. Song, những hệ lụy khác nảy sinh từ thủy điện cũng là một thách thức đặt ra…
Đến những hệ lụy
Ngoài những mặt tích cực đã nêu, việc phát triển thủy điện tại Tây Nguyên cũng gây nên những tác động tiêu cực cho môi trường và xã hội trong khu vực. Theo báo cáo của các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng, Đak Nông và Đak Lak, trong số 163/287 DATĐ lớn nhỏ có tổng công suất 6.197 MW được quy hoạch xây dựng tại đây đã làm cho gần 25.300 hộ dân bị ảnh hưởng, trong đó có hơn 5.650 hộ buộc phải di dời, tái định cư. Các DATĐ này cũng chiếm dụng hơn 65.239 ha đất các loại (tương đương với 1,2% tổng diện tích đất tự nhiên toàn khu vực), trong đó có 452 ha đất ở, hơn 742 ha đất trồng lúa, gần 22.000 ha đất trồng hoa màu, hơn 922 ha đất rừng đặc dụng, 8.120 ha đất rừng phòng hộ và gần 7.600 ha đất rừng sản xuất.
Đường ống dẫn nước thủy điện Krông Kma đã lấy đi hơn 100 ha rừng nguyên sinh của Vườn quốc gia Chư Yang Sin-Đak Lak. Ảnh: Đình Đối |
Theo đánh giá của ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên, bình quân mỗi MW điện sản xuất được tại khu vực này đã làm ảnh hưởng đến 4,08 hộ dân, trong đó phải di dời 0,94 hộ và chiếm dụng khoảng 10,53 ha đất các loại. Ngoài ra phải sử dụng hơn 10.371 ha đất để bố trí tái định cư, định canh cho người dân trong vùng dự án. Hơn nữa, do chủ yếu được xây dựng trên các sông, suối có độ dốc lớn, địa hình bị chia cắt mạnh nên hầu hết các DATĐ (nhất là các dự án vừa và lớn như Plei Krông, Buôn Tua Sarh, Ka Nak và Đồng Nai 3) đã chiếm dụng đất sản xuất của người dân khá cao, gây xáo trộn lớn trong đời sống sinh hoạt, sản xuất và làm suy giảm diện tích đất canh tác cũng như đất rừng trên địa bàn.
Mặt khác, trong quá trình tích nước, xả lũ hoặc vận hành phát điện, một số dự án đã gây tác động tiêu cực đối với vùng hạ du. Chẳng hạn, khi tích nước hồ chứa An Khê-Ka Nak lần đầu vào cuối năm 2010, do mực nước chưa đạt đến ngưỡng công trình xả, kết hợp với tình hình thủy văn khô kiệt và nước thải chưa được xử lý triệt để của một số cơ sở công nghiệp quanh vùng đã làm cho nguồn nước sinh hoạt, sản xuất khu vực thị xã An Khê và vùng hạ du bị ô nhiễm nghiêm trọng.
Trên địa bàn Tây Nguyên hiện có 287 DATĐ với tổng công suất 6.991,8 MW đã được phê duyệt và xây dựng. Đến nay đã đưa vào vận hành, khai thác 84 dự án có tổng công suất 4.768,3 MW. Đang tiếp tục xây dựng 50 dự án với tổng công suất 1.021,9 MW (dự kiến hoàn thành trước năm 2015) và 87 dự án nghiên cứu để đầu tư xây dựng. Còn lại 66 dự án thủy điện nhỏ có tổng công suất hơn 201 MW chưa cho phép đầu tư. |
Trước thực trạng đó, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan chức năng và EVN xả lượng nước thường xuyên cho vùng hạ du với lưu lượng 4 m3/giây (trước đó chỉ xả lượng nước từ 2,2 đến 3 m3/giây) nhằm khắc phục vấn nạn ô nhiễm môi trường. Được biết, việc xả lũ tiểu mãn vào cuối tháng 5-2011 của DATĐ này không đúng quy định cũng đã làm thiệt hại lớn tài sản của người dân trong khu vực, nên mới đây Bộ Công thương đã chỉ đạo EVN nghiêm túc rút kinh nghiệm và thực hiện việc bồi thường cho người dân.
Mới đây, việc chuyển nước sang lưu vực khác để phát điện tại các DATĐ An Khê-Ka Nak, Đại Ninh, Đa Nhim và Thượng Kon Tum… đã gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng ở vùng hạ du thuộc các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Quảng Ngãi, Quảng Nam và Bình Định. Một số DATĐ khác có sơ đồ khai thác kiểu dẫn nước về nhà máy nằm cách xa đập dâng để phát điện cũng đã khiến hàng trăm ngàn hộ dân sống quanh công trình trở nên “khát nước” quanh năm.
Cũng theo quy định hiện hành, trước khi phê duyệt đầu tư dự án, chủ đầu tư phải lập và trình cấp thẩm quyền (Bộ Tài nguyên và Môi trường hoặc UBND tỉnh) phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong đó có biện pháp bảo vệ và giảm thiểu các tác động tiêu cực trên các mặt phải được thực hiện đầy đủ, thường xuyên trong quá trình thi công và vận hành công trình.
Tuy nhiên, tại một số DATĐ, việc bố trí đổ chất thải chưa hợp lý, công tác thu dọn lòng hồ không triệt để, chưa kịp thời xúc dọn đất đá sạt lở hoặc khơi thông hệ thống thoát nước tại hiện trường thi công khiến bùn cát lắng đọng vào dung tích chết của hồ chứa nhiều hơn. Dòng chảy về hạ lưu mất đi lượng phù sa đáng kể, từng bước làm “sa mạc hóa” vùng hạ du. Ví dụ như vùng hạ lưu công trình thủy điện Buôn Tua Sarh (Đak Lak-Đak Nông), nhiều bãi bồi đang bị thu hẹp dần và đất đai ở đó dần bạc màu do thiếu lượng phù sa bồi đắp hàng năm, khiến hoạt động sản xuất nông nghiệp tại đây gặp khó khăn: diện tích, năng suất và sản lượng cây trồng các loại suy giảm đáng kể. Thu nhập của người dân theo đó cũng giảm dần.
Đình Đối