Tây Nguyên: Giá cà phê tăng cao, nông dân vẫn... không vui

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Thời điểm này, cà phê Tây Nguyên đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Một tín hiệu vui cho bà con là giá cà phê đang đạt mốc cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Thế nhưng, điều này vẫn không làm cho người dân có được niềm vui trọn vẹn khi mà sản lượng cà phê sụt giảm do ảnh hưởng của đợt hạn hán vừa qua.

Giảm 50% năng suất do hạn hán
 

 Thu hoạch cà phê. Ảnh: Quang Vũ
Thu hoạch cà phê. Ảnh: Quang Vũ

Những ngày gần đây, giá thu mua cà phê tại Gia Lai liên tục tăng, đến thời điểm hiện tại, giá cà phê nhân xô đạt mốc 44.900 đồng/kg. Đã nhiều năm nay, người dân trồng cà phê không có được niềm vui như thế. “Mới đầu mùa nhưng thấy giá cà phê tăng cao ai cũng mừng. Giá cà phê năm nay tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái gần 10.000 đồng/kg”-ông Lê Đình Trọng (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) nói.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui này thì vẫn còn một điều khiến người dân cảm thấy tiếc nuối. Do đợt hạn hán kéo dài trong năm 2016 vừa qua, hầu hết cà phê của các địa phương trong tỉnh đều giảm năng suất trầm trọng. So với năm ngoái, có nơi sản lượng chỉ đạt 50%. Đó là chưa kể tới gần 400 ha diện tích trồng cà phê trong toàn tỉnh bị mất trắng.

Bà Nguyễn Thị Luận (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa), cho biết: “Gia đình tôi canh tác hơn 2 ha cà phê, năm ngoái thu được 7 tấn, vậy mà năm nay dự tính chỉ được 5 tấn. Đã vậy nhân cà phê khi xay ra, nhiều hạt chỉ to hơn hạt tiêu một tý. Vụ này gia đình tôi xác định là đủ tiền công thôi chứ không có lời”. Tương tự, ông Dương Quang Thao (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai), tâm sự: “ Niên vụ  này, vườn cà phê của gia đình tôi sản lượng bị sụt giảm nhiều, chỉ đạt khoảng một nửa các năm trước, tỷ lệ đậu quả không cao”. Cũng theo ông Thao, ngoài nguyên nhân do đợt hạn hán khốc liệt kéo dài vừa qua khiến lượng nước không đủ tưới, nhiều cơn mưa kéo dài sau đó tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển cũng là một lý do khiến cho năng suất cây cà phê giảm mạnh. Cùng chung hoàn cảnh, ông Đặng Quang Hòa (xã Hbông, huyện Chư Sê), chia sẻ: “So với những năm trước thì sản lượng cà phê năm nay của gia đình tôi là quá thấp. Nếu như các năm trước, 1 ha cà phê tôi thu được khoảng 20 tấn thì năm nay sản lượng tụt xuống chỉ còn 10 tấn/ha. Cũng may giá cà phê tăng cao nên nhiều gia đình còn vớt vát được chút tiền công”.

Vừa mất mùa, hạt cà phê lại nhỏ và không đều như những năm trước nên nhiều hộ gia đình quyết định chọn phương án bán cà phê khô chứ không còn xay lấy hạt như các năm trước. Ông Nguyễn Văn Thêm (xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang) than thở: “Mùa màng mỗi năm một chán, chưa năm nào mất mùa như năm nay. Bình thường mấy năm trước nhà tôi thu cứ 2 cây 1 bao cà phê tươi, vậy mà năm nay trung bình 5-6 cây mới được một bao. Quả cà phê cho hạt nhỏ, có quả còn không có hạt. Tôi tính năm nay phơi cà phê khô xong là bán liền chứ xay lấy nhân thì lỗ nặng”.

Lại “được giá,  mất mùa”

 

Xuất khẩu cà phê sẽ sụt giảm mạnh


Ông Nguyễn Nam Hải-Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê-Ca cao Việt Nam (Vicofa) cho biết: Sản xuất cà phê đang chịu ảnh hưởng nặng do hạn hán tồi tệ nhất suốt 3 thập kỷ qua. Thiếu nước, khô hạn đe dọa trên 165.000 ha (gần 30% tổng diện tích trồng cà phê ở Tây Nguyên), trong đó, tới 40.000 ha bị hư hỏng. Dự kiến năm 2016, Việt Nam có khả năng chỉ xuất khẩu 1 triệu tấn cà phê nhân, giảm 25% so với 2015. Trong khi đó, lượng tồn kho trong dân không nhiều.

(theo Hanoimoi.com.vn)

Không riêng gì ở Gia Lai, nhiều địa phương khác trồng cà phê ở Tây Nguyên cũng gặp phải hoàn cảnh tương tự. Nguyên nhân chủ yếu cũng là do hạn hán kéo dài khiến nước tưới cà phê không đảm bảo. Đak Lak là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 56.000 ha cà phê bị khô hạn và gần 4.500 ha mất trắng. Bà Trần Thị Ngọc (tổ dân phố 1, phường Đoàn Kết, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đak Lak) có 3 ha cà phê trong thời kỳ kinh doanh. Năm ngoái năng suất đạt 4 tấn nhân/ha, năm nay dự kiến chỉ đạt khoảng 2 tấn nhân/ha.

Nông dân tỉnh Đak Nông cũng cùng chung số phận khi giá cà phê tăng cao, nhưng sản lượng thu hoạch lại mất mùa, trung bình chỉ đạt trên 3 tạ/ha. Với giá bán trên, trừ chi phí, nông dân lãi trên dưới 30 triệu đồng/ha. Ông Phạm Văn Trưởng (thôn Đức Lập, xã Đak Sôr, huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông), buồn bã: “Gia đình tôi có hơn 1 ha cà phê. Vụ cà phê năm ngoái thu hoạch được hơn 4 tấn nhân, năm nay do cà phê mất mùa nên chỉ được hơn 3 tấn. Với giá bán hiện nay 42.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí thì lãi chỉ còn khoảng 30 triệu đồng”. Còn gia đình bà Trần Thị Bích Nhung (thôn Nam Thạnh, xã Nam Đà, huyện Krông Nô, tỉnh Đak Nông) có gần 3 ha, tương đương 3.000 cây nhưng cũng chỉ thu được hơn 3 tấn.

Được biết, trong vài năm trở lại đây, việc tìm kiếm nguồn nước tưới cho cà phê vào mùa khô là công việc hết sức khó khăn và tốn không ít chi phí. Ngoài nguyên nhân người dân ồ ạt trồng cà phê trên cả những vùng đất không bảo đảm nước tưới, thiếu hệ thống thủy lợi nên họ khoan giếng khắp nơi, làm ảnh hưởng đến mực nước ngầm thì tình trạng các công trình thủy lợi xuống cấp, không tích giữ được nước. Trong khi đó, nước tưới lại rất quan trọng đối với cây cà phê. Thiếu nước, không chỉ năng suất mà chất lượng cà phê cũng bị ảnh hưởng đáng kể.

Trước tình trạng cà phê được giá nhưng mất mùa, để giảm bớt thua lỗ, người dân chọn cách thu hoạch tới đâu bán tới đó chứ không tích trữ hàng như mọi năm vì sợ một thời gian nữa giá sẽ hạ. “So với năm trước, cơ sở thu mua cà phê của tôi nhập nhiều hàng hơn. Hàng ngày riêng đại lý tôi đã thu mua trên 20 tấn cà phê nhân và tươi”-chị Nguyễn Thị Dung-Chủ đại lý thu mua nông sản Ea Tling (huyện Cư Jút, tỉnh Đak Nông) cho biết.

Trao đổi về vấn đề này, ông Hà Ngọc Uyển-Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ Thực vật Gia Lai, cho biết: “Năm 2016, đợt hạn nặng và rất khốc liệt đã tác động không nhỏ đến cây trồng. Nhiều loại cây trồng ngắn hạn có nguy cơ mất trắng. Riêng cây cà phê, đợt hạn hán rơi đúng vào thời điểm ra hoa và tạo quả nên ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng. Năng suất ước tính trong niên vụ 2016 chỉ đạt khoảng 24 tạ/ha so với kế hoạch đề ra là 29 tạ/ha”.

 Lam Giang-Lê Khanh

Có thể bạn quan tâm

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

Rơ Châm Pyik: Điển hình sản xuất kinh doanh giỏi

(GLO)- Nhờ biết tính toán và tích cực lao động sản xuất nên gia đình ông Rơ Châm Pyik (làng Châm Aneh, phường Chi Lăng, TP. Pleiku) có nguồn thu ổn định hơn 900 triệu đồng/năm. Không những thế, ông còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động ở cơ sở.

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

Ia Grai: Giống lúa HG12 năng suất đạt từ 70-77 tạ/ha

(GLO)- Chiều 29-10, tại xã Ia Tô, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công ty cổ phần Giống cây trồng, vật nuôi Thừa Thiên Huế tổ chức hội thảo đánh giá kết quả sản xuất giống lúa HG12 trên địa bàn huyện trong vụ mùa năm 2024. 

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

Tuổi cao vẫn bền chí làm giàu

(GLO)- Sở hữu 5 ha cà phê với thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm nhưng ông Amyơm (SN 1964; làng Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa, tỉnh Gia Lai) vẫn muốn mở rộng thêm diện tích nhằm nâng cao thu nhập cùng quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp

(GLO)- Từ nguồn hỗ trợ của Trung ương và ngân sách địa phương, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Gia Lai phối hợp với các địa phương xây dựng nhiều mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi cho người dân. Nhờ đó, năng suất, chất lượng nông sản địa phương được nâng cao.

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

Chăn nuôi bò kết hợp trùn quế: Lợi ích kép

(GLO)- Tuy mới thành lập nhưng Tổ hội nghề nghiệp nuôi trùn quế xã Tú An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) đã mang lại lợi ích kép cho các thành viên khi không chỉ tạo cơ hội chia sẻ kinh nghiệm làm ăn mà còn thúc đẩy việc nhân rộng mô hình chăn nuôi bò kết hợp nuôi trùn quế.