"Tay hòm chìa khóa"

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Trong gia đình truyền thống Việt Nam, phụ nữ giữ “tay hòm chìa khóa” còn đàn ông thường là chủ thể chính làm ra của cải. Sự kết hợp hài hòa giữa hoạt động “làm ra” và “giữ lấy” gồm nghĩa chi tiêu hợp lý là việc không đơn giản trong gia đình hiện đại, dễ xảy ra mâu thuẫn và dẫn đến nguy cơ tan vỡ khi mất niềm tin giữa hai vợ chồng.

1. Anh P. là trưởng phòng vật tư của một doanh nghiệp nhà nước. Thu nhập hàng tháng anh đều đưa hết cho vợ. Chị H. (vợ anh) ở nhà làm công việc nội trợ, chăm sóc con cái. Trong 10 năm đầu thời kỳ hôn nhân, nhờ thu nhập khá, vợ khéo chi tiêu, họ tậu được đất, xây được nhà. Khi 2 con đến tuổi đi học, chị H. rảnh rỗi hơn. Thương vợ suốt ngày quanh quẩn việc nhà, chăm chút chồng con, anh khuyên vợ dành thời gian giao lưu bè bạn cùng lời dặn dò “tìm người tốt mà chơi”.

Nhưng người tốt, người xấu đâu dễ nhận diện như hàng hóa. Câu chuyện nhỏ to bên bàn cà phê, lời tâm sự qua chiếc điện thoại có nội dung rủ nhau cách “làm ăn”, nào là kinh doanh tài chính; mua bán tiền ảo đa cấp; môi giới bán “con hàng” (thiên thạch), “con đê” (đồng đen), long diên hương, cá sủ vàng-những món hàng “độc” sẽ chóng đem lại lợi nhuận khủng, đổi đời trong chớp mắt. Lòng tham khiến chị H. lao vào cuộc mà không phân biệt nổi đúng sai, tốt xấu. Khi anh P. biết chuyện thì sự đã rồi, người giữ tay hòm đã đánh mất khóa, còn vay mượn bên ngoài một khoản tiền kha khá.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh nguồn internet

Không chịu nổi cảnh con nợ đến nhà “ngồi đồng”, đến cơ quan chìa giấy vợ mình ghi nợ cùng lý lẽ, vợ vay mượn trong thời kỳ hôn nhân nên chồng phải có trách nhiệm trả nợ. Anh P. hẹn thời gian, xoay xở tìm cách trả. Mất niềm tin ở người vợ, anh P. quản lý chi tiêu chặt chẽ. Theo lẽ thông thường đã có lỗi, thay vì trở lại làm người phụ nữ gia đình, chị H. nảy sinh tâm lý chán nản, phó mặc mọi việc cho chồng, chỉ sống cho riêng mình. Hôn nhân lạnh lẽo một thời gian, họ chia tay, anh P. nhận trách nhiệm nuôi con hoàn toàn.

Về phía người vợ, khi việc mình làm là sai “hai năm rõ mười” thì nên dừng lại, tìm cách “quay đầu là bờ”. Chọn cách sống “căng cứng”, đối đầu với chồng, phó mặc cả trách nhiệm với con cái như thể chối bỏ trách nhiệm làm mẹ hẳn sẽ làm tổn thương tâm hồn con trẻ, tác động không tốt đến tính cách, ảnh hưởng cuộc sống của con sau này. Và như vậy, liệu có vui vẻ gì?

2. Anh T. và chị V. kết hôn đã gần 7 năm. Cũng ngần ấy thời gian, chị luôn chịu sự giám sát tài chính của chồng, nhất là các khoản chi tiêu trong nhà. Là chủ thầu xây dựng tự do, anh T. thường đưa cho vợ giữ những khoản tiền mặt lớn, lại bất chợt lấy đi để thanh toán công nợ. Tuy thế, cứ vài tháng anh lại yêu cầu vợ công khai tài chính, rồi hạch sách sao tiền còn ít như vậy? Còn trách: “Em không biết chi tiêu gì cả, anh làm việc cực lắm đấy!”. Chị V. cảm thấy buồn. Giá cả sinh hoạt, học phí cho các con đều tăng chóng mặt nhưng chị giải thích thế nào anh vẫn không chịu hiểu. Chị buồn hơn còn bởi lẽ, chồng nghi ngờ mình “thậm thụt” cho tiền cậu em út đang học đại học. Lòng tự trọng bị tổn thương, chị V. “tường trình” thu-chi chi tiết đến từng mớ rau, con cá…

Tâm lý người vợ ở nhà nội trợ, chăm con nhỏ phải chịu nhiều áp lực, tù túng. Thời buổi vật giá tăng nhanh, đồng tiền kiếm được lại khó thì vợ chồng cần thông cảm, chia sẻ, hỗ trợ thay vì nghi ngờ, giám sát nhau. Kiểm soát tài chính để cùng có kế hoạch hợp lý trong việc chi tiêu, có tích lũy là cần thiết nhưng người chồng đặt nặng vấn đề chi tiêu hơn cả tâm tư, tình cảm của vợ mình, dẫn đến mất hòa khí trong gia đình là điều đáng tiếc!

AMA LUÂN

Có thể bạn quan tâm

Sản phẩm nông nghiệp của bà con vùng DTTS được hỗ trợ quảng bá, giới thiệu thông qua các chương trình xúc tiến thương mại. Ảnh: V.T

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số

(GLO)- Thực hiện Tiểu dự án 2 thuộc Dự án 3 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, các ngành và địa phương trong tỉnh Gia Lai tập trung hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Hạt thóc nghĩa tình

Hạt thóc nghĩa tình

(GLO)- Từ sáng kiến kho thóc tình thương của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Đủ khi ông công tác tại Hội Cựu chiến binh huyện Mang Yang, phong trào đã lan rộng tới các Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã trên địa bàn huyện.

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

Trao sinh kế, bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo

(GLO)- Sáng 29-10, Cục Quản lý thị trường Gia Lai phối hợp với Cơ sở sản xuất nước chấm Tương Việt Hoa Sen Tây Nguyên tổ chức trao mô hình sinh kế và khánh thành bàn giao nhà tình nghĩa cho hộ nghèo tại làng Chuk, xã Kon Thụp, huyện Mang Yang.