Tay đấm Trương Đình Hoàng - điều chưa kể - Kỳ cuối: Rèn luyện tay đấm tương lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Một ngày giáp hè, chúng tôi ghé phòng tập của Trương Đình Hoàng ở TP Buôn Ma Thuột lúc đang có hơn 50 võ sinh đủ mọi lứa tuổi miệt mài luyện tập.
Hoàng rất tâm huyết rèn luyện thế hệ trẻ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hoàng rất tâm huyết rèn luyện thế hệ trẻ - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Nếu kể sự nghiệp của tôi mà không có sự hiện diện của vợ con thì rất thiếu sót. Chính nụ cười của vợ con như liều "doping" giúp tôi vươn tới chiến thắng.
TRƯƠNG ĐÌNH HOÀNG
Bội thu niềm vui
Ngoài là nơi tập luyện cho mình, Hoàng chia sẻ phòng tập cũng là nơi đã ngốn nhiều thời gian của anh chỉ để "mong ai nấy đều khỏe". "Mong ai nấy đều khỏe?" - tôi thắc mắc. Hoàng chỉ cười rồi nói: "Tôi dựng lên phòng tập không phải để kinh doanh bởi nếu kinh doanh thì tôi đã chọn những bản hợp đồng hời mà nhiều đơn vị khác chào mời, chứ không phải là phòng tập này".
Nói xong, anh chỉ tay về phía Cao Văn Nguyên, võ sĩ chỉ mới 25 tuổi, đang ngồi nghỉ đằng xa. Nguyên là võ sĩ gốc Huế, từng khoác áo đội tuyển boxing trẻ tỉnh Đắk Lắk tham dự nhiều giải lớn nhỏ trong suốt 10 năm qua. Thành tích cao nhất mà anh đạt được là chiếc HCV toàn quốc năm 2008... 
Sự nghiệp của chàng võ sĩ trẻ tuổi này đang trên đà phát triển đến tháng 3-2019, khi Nguyên tham gia Giải cúp vô địch các CLB toàn quốc được tổ chức tại một tỉnh miền Tây Nam Bộ, rồi dừng hẳn. Đó là lần Nguyên không may thi đấu rồi dính phải chấn thương thoát vị đĩa đệm. Được tiên lượng xấu về chấn thương, anh buộc nghỉ thi đấu.
Để giúp đỡ công ăn việc làm cho Nguyên, Hoàng ngỏ lời mời anh về làm huấn luyện viên ở phòng tập. Dù không được thi đấu như trước, nhưng ít nhất tại đây Nguyên được sống với đam mê. "Trước mắt vẫn phải dưỡng thương, lo cuộc sống qua ngày. Còn nếu được quay lại thi đấu thì điều đó thật quá may mắn, nhưng cũng thật quá khó" - Nguyên chia sẻ.
Hoàng tiếp lời: "Thế đấy, tôi mở phòng tập cũng chỉ mong các học viên đến đây rèn luyện sức khỏe chuyên nghiệp hơn. Còn về Nguyên, tôi nói về cậu ấy là tôi cũng từng chấn thương, cũng từng gặp khó về công việc lẫn tiền bạc như vậy thôi. Mọi người khỏe, Nguyên khỏe thì tôi cũng khỏe".
Hoàng nói rằng việc nhìn thấy nhiều vận động viên tài năng bị tai nạn, dính chấn thương rồi lâm vào cảnh khốn khó cứ khiến anh bứt rứt khó tả. Bứt rứt bởi anh soi ngay vào lần mình lâm nạn và thấu hiểu. "Mình cần phải làm điều gì đó để san sẻ chứ" - câu nói liền với ý thức làm sao có được những trận đấu tốt nhất, từ đó đi giúp đời, giúp mình.
Cuối tháng 10-2019, Hoàng đấu giá đôi găng mà anh đã dùng nó đánh hạ đối thủ người Hàn Quốc Lee Gyu Huyn để có được chiếc đai WBA Đông Á chỉ vì muốn làm điều gì đó ý nghĩa hơn. Liền ngay sau thông tin đấu giá, một nhà hảo tâm giấu tên đã ủng hộ ngay 50 triệu đồng mà chẳng cần nhận lấy đôi găng. 
Đã có tiền, Hoàng trích ngay một phần trong số đó ủng hộ Giải đấu boxing từ thiện B7 - một giải đấu được tổ chức để vận động kinh phí nhằm giúp đỡ vận động viên và trẻ em khó khăn. "Càng nghĩ tôi lại thấy mình thật may mắn. Vẫn giữ được đôi găng, lại có thể thực hiện được việc mình muốn. Bội thu niềm vui!" - Hoàng mừng ra mặt.
Các võ sinh say mê tập luyện tại phòng tập của Trương Đình Hoàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Các võ sinh say mê tập luyện tại phòng tập của Trương Đình Hoàng - Ảnh: CÔNG TRIỆU
Hạnh phúc ngoài sàn đấu
Từng tấm huy chương vàng, từng chiếc đai danh giá… lần lượt được Hoàng chinh phục. Mỗi trận đấu là một bài học khác, một cách đánh khác, một trải nghiệm khác. Hoàng nói rằng kết thúc mỗi trận đấu, dù thắng, dù thua anh vẫn tích lũy cho mình thêm nhiều kinh nghiệm. Vượt lên trên hết, đó là được trải nghiệm cảm giác hạnh phúc mỗi lần cầm trên tay chiếc HCV, chiếc đai chiến thắng mang về.
Hoàng tin mình là người may mắn. Anh nói rằng hiện anh đang có một cuộc sống như từng mong muốn, một cuộc sống đầy đam mê và tươi khỏe. Anh "khoe" mình cảm thấy hạnh phúc lắm khi đứng trước phần trưng bày về mình tại Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Đó là những tấm huy chương, chiếc cúp mà để có được nó anh đã phải gồng mình, cắn răng tập luyện, chịu đựng thi đấu đến cùng.
Hoàng nói rằng ngay cả trong quá trình tập luyện lẫn giờ phút thượng đài, anh không nghĩ mình phấn đấu để ngày nào đó tên tuổi được lưu lại trong bảo tàng. Với Hoàng, bài học từ trận thua của sự "ái kỷ" luôn nhắc cho anh biết rằng cảm giác hạnh phúc của những phút giây trên bục vinh danh ấy không kéo dài và chẳng ai có thể say sưa mãi trong hào quang.
Hạnh phúc lớn lao và bền vững không nằm ở những bục cao, không ngự trên những tượng đài, mà ở ngay trong đời thường. Là mỗi sáng thức dậy anh được nhìn thấy bóng dáng của bố mẹ chầm chậm nhặt từng chùm tiêu xanh phía sau vườn, được thấy vợ mải tất bật với công việc nhà, được bồng bế những đứa con ngoan và được mong ngóng em gái cùng chồng, con về thăm nhà…
Tôi buột miệng hỏi Hoàng về điều mà anh đang lo nghĩ. Hoàng chỉ cười. Một hồi sau anh mới chia sẻ. Hoàng nói rằng từ lần dính chấn thương, anh luôn xem những điều bình thường trước kia nay đều trở nên quý giá. Anh nói anh sợ. Nhưng đó không phải là nỗi sợ thông thường. Không đơn thuần là nỗi sợ thua cuộc. Mà anh sợ mình gục ngã, sợ sẽ không còn được thi đấu, được sống đến cùng tận hạnh phúc như hiện có. "Tôi nghĩ chẳng riêng gì võ sĩ, mà bất kỳ ai nếu trải qua những đớn đau ập đến đột ngột thì cũng vậy. Bởi đâu ai biết ngày mai ra sao?" - Hoàng nói.
Anh cũng nói rằng rất biết ơn tất cả những gì đã tạo nên con người của anh hôm nay, thậm chí ngay cả lần chấn thương năm ấy. Hoàng cảm ơn vì anh tin rằng mục đích chính của những tai ương ấy chỉ là để thử sức, và nếu ta xứng đáng vượt qua thì đều được đáp trả xứng đáng.
Cuộc nói chuyện tạm ngưng vì điện thoại có cuộc gọi đến. "Là vợ gọi từ Mộc Châu đây mà" - Hoàng nói rồi bấm nghe điện thoại. Anh đưa với điện thoại sang tôi để khoe về con mình. Ở bên kia, con trai anh là Uy Vũ với mái tóc xoăn cứ bô bô đòi bố làm mặt mèo rồi cười phá lên khoái chí. Một lúc sau, cậu út Trí Dũng cũng từ đâu xuất hiện với khuôn mặt lấm lem...
Tâm sự về việc huấn luyện các võ sinh trẻ ở phòng tập của mình, Hoàng rất khiêm tốn. Nhưng dõi theo sự quan tâm, kèm cặp sát sao của anh với từng bước di chuyển, từng cú đấm của các bạn trẻ cũng đủ hiểu anh đang rất nỗ lực cho thế hệ sau mình. Võ sĩ nào chẳng khát khao chiến thắng trên sàn đấu. Nhưng đến một thời điểm nào đó, người võ sĩ có tâm huyết và tầm nhìn sẽ lui khỏi ánh sáng võ đài để rèn luyện người tiếp nối mình. 
Đằng sau các tấm huy chương, đai vô địch mà học trò đạt được, đó còn là niềm vui của người thầy và vinh quang nước nhà.
Không còn là "cu quậy"
Anh ví việc mình có mặt trên đời này là để vượt qua những thử thách, giới hạn, để chứng minh rằng cuộc sống này khó khăn dù lớn đến đâu cũng không thể ngăn được chúng ta sống, mà phải là sống có ích, sống sẻ chia và sống để vươn tới hạnh phúc. Từ lâu lắm rồi, Hoàng đã xếp ý nghĩ mình là một đứa trẻ bất hảo như mọi người trong xóm vẫn gọi anh vào quá khứ. Bởi giờ đây, "cu quậy" ngày ấy đã đủ mạnh mẽ và hạnh phúc để sống một cuộc sống có ý nghĩa.
Theo CÔNG TRIỆU (TTO)

Có thể bạn quan tâm

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...

Những người 'vác tù và' bảo vệ rừng ở Yên Bái

Bảo vệ lá phổi xanh Mù Cang Chải

Dưới những tán rừng xanh ngát tại Khu bảo tồn loài và sinh cảnh Mù Cang Chải ( Yên Bái), những năm trở lại đây, người dân xã Chế Tạo chủ động xã hội hóa từ nguồn dịch vụ môi trường rừng thành lập các tổ đội trực tiếp tuần tra, kiểm tra hàng tuần để bảo vệ những “lá phổi xanh” này.

Cán bộ an ninh gặp gỡ, tuyên truyền người dân không nghe kẻ xấu lôi kéo vượt biên. Ảnh: T.T

Buôn làng rộng lòng bao dung - Kỳ cuối: Thức tỉnh những người lầm lỡ

(GLO)-Giữa tháng 3-2024, Thiếu tướng Rah Lan Lâm-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Công an tỉnh cùng đoàn công tác của Bộ Công an có chuyến sang Thái Lan để gặp gỡ những người dân tộc thiểu số Việt Nam đang cư trú bất hợp pháp ở 2 địa điểm thuộc huyện Bang Yai, tỉnh Nonthaburi.

Hậu phương người lính - điều chưa kể

Hậu phương người lính - điều chưa kể

LTS: Chấp nhận dấn thân và hy sinh để bảo vệ đất nước, những người lính Quân đội nhân dân Việt Nam luôn nêu cao ý chí quyết tâm gìn giữ, tỏa sáng hình ảnh anh “Bộ đội Cụ Hồ” nơi tuyến đầu gian khó. Song ít ai biết rằng, phía sau họ là hy sinh thầm lặng, những nỗi niềm canh cánh của người hậu phương.