Theo Reuters, tầng đẩy Super Heavy đã mất liên lạc trong quá trình hạ cánh, dẫn đến việc rơi không kiểm soát xuống đại dương. Khoảng 30 phút sau khi rời bệ phóng, phần tàu Starship bắt đầu quay vòng ngoài ý muốn do cơ chế triển khai vệ tinh gặp trục trặc, khiến 8 vệ tinh mô phỏng Starlink không thể phóng thành công.

Dù chưa hoàn toàn thành công, chuyến bay lần thứ 9 này đã đạt được một số cột mốc quan trọng như bay xa hơn so với hai lần bay thử gần nhất và sử dụng tên lửa đẩy tái sử dụng Super Heavy - tuy nhiên do mất kiểm soát nên đã rơi xuống biển thay vì hạ cánh theo kế hoạch.
Chuyến bay thử lần này diễn ra chỉ 4 ngày sau khi Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) cấp phép trở lại cho chương trình Starship, sau gần hai tháng đình chỉ do sự cố từ hai vụ nổ trong các lần phóng hồi tháng 1 và tháng 3, gây gián đoạn các chuyến bay trong khu vực.
Trước đó, ngày 6-5, Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) đã cấp phép cho Tập đoàn Công nghệ khai phá không gian SpaceX tăng số vụ phóng tên lửa Starship hằng năm từ bang Texas ở miền Nam nước này. Bước đi này sẽ giúp công ty hàng không vũ trụ của tỷ phú Elon Musk đẩy mạnh kế hoạch phát triển loại tên lửa siêu lớn này để thực hiện tham vọng thám hiểm Sao hỏa.
Theo phê duyệt mới, SpaceX được phép tăng số lần phóng tên lửa Starship từ 5 lên 25 vụ mỗi năm tại cơ sở phóng ở Boca Chica, bang Texas. FAA cho biết việc mở rộng tần suất phóng, cũng như các hoạt động hạ cánh của tầng đẩy của tên lửa tại một số vùng biển, sẽ không gây tác động nghiêm trọng đến môi trường xung quanh, bao gồm cả nguy cơ tên lửa phát nổ trên Vịnh Mexico hoặc một số vùng biển quốc tế.