(GLO)- Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) đã xuất hiện tại 7 huyện, thành phố của tỉnh Gia Lai. Ngành chức năng cùng chính quyền địa phương đang quyết liệt triển khai các giải pháp ngăn chặn, không để dịch lây lan trên diện rộng.
Nguy cơ dịch bệnh lây lan
Ngày 19-6, bệnh VDNC trên đàn bò tiếp tục phát sinh thêm tại 33 hộ thuộc 18 thôn, làng trên 7 xã của 6 huyện: Mang Yang, Đak Đoa, Chư Sê, Kbang, Kông Chro và TP. Pleiku. Dự báo khả năng dịch bệnh tiếp tục lây lan trong thời gian tới là rất cao.
Lực lượng chức năng huyện Đak Đoa phun hóa chất tiêu độc, khử trùng khu vực chăn nuôi để hạn chế véc tơ gây bệnh VDNC. Ảnh: Lê Nam |
Đến ngày 19-6, huyện Chư Sê có 232 con bò mắc bệnh VDNC. Ông Lê Sĩ Quý-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho biết: “Bệnh VDNC không lây sang người, tỷ lệ bò bệnh chết thấp. Vì vậy, Trung tâm hướng dẫn các hộ chăn nuôi tiêu độc khử trùng chuồng trại bằng hóa chất Hantok-200 để diệt ruồi, muỗi, rắc vôi bột. Cam kết không bán chạy, giết mổ, vứt xác gia súc ra môi trường. Cách ly bò bị bệnh và điều trị bệnh bằng các thuốc chống viêm, chống nhiễm trùng Eco 500. Hiện tại, bệnh không có thuốc điều trị đặc hiệu nên khả năng lây lan còn cao”.
Tương tự, tại huyện Kông Chro, ngày 8-6, bệnh VDNC xuất hiện tại 2 xã Đak Tơ Pang và Đak Song. Tuy nhiên, chỉ sau 10 ngày thì bệnh đã lây lan ra 5 xã với 48 con bò bị mắc bệnh. Ông Nguyễn Quang Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện-cho hay: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Trung tâm đã cử cán bộ hướng dẫn các hộ có bò bị bệnh điều trị và thực hiện biện pháp cách ly. Đồng thời, thành lập các chốt kiểm soát vận chuyển gia súc ra vào địa bàn có dịch. Phun khử khuẩn, rải vôi bột chuồng trại chăn nuôi của các hộ có bò bị bệnh và khu vực xung quanh.
Trong khi đó, ông Diệp Đại Quốc-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa-thông tin: Đến ngày 19-6, toàn huyện có 299 con bò bị mắc bệnh VDNC. Hiện đã có 4 con chết, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan diện rộng. Do đó, đơn vị tiếp tục phối hợp với cơ quan chuyên môn, UBND các xã có dịch triển khai các biện pháp kiểm soát, khoanh vùng dập dịch.
Nhiều giải pháp phòng-chống dịch
Đến nay, các doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi lớn đã tiêm được 32.000 liều vắc xin VDNC cho đàn bò, hộ chăn nuôi còn lại tiêm 18.000 liều; cấp 4.034 lít hóa chất triển khai vệ sinh, khử trùng tiêu độc môi trường và rải hàng chục tấn vôi bột quanh khu vực chăn nuôi. Ngoài ra, Sở Tài chính đã có thông báo về việc cấp trên 8,9 tỷ đồng mua vắc xin tiêm phòng VDNC và lở mồm long móng cho đàn trâu, bò của tỉnh. Hiện đã có 187 con bò tại 4 huyện (Chư Sê, Đak Đoa, Đức Cơ, Mang Yang) khỏi triệu chứng bệnh VDNC.
Huyện Đak Đoa thành lập các chốt kiểm soát tại khu vực có dịch bệnh VDNC trên địa bàn huyện. Ảnh Lê Nam |
|
Gia đình bà Siu H'Như (làng Bông Lar, xã Ia Băng, huyện Đak Đoa) có 2 con bò bị bệnh VDNC. Nhờ tích cực chăm sóc, điều trị nên 1 con bò đã khỏi bệnh. “Ngoài phun thuốc tiêu độc khử trùng, rắc vôi bột tại chuồng, hàng ngày, tôi còn dùng lá xoan để hun khói đuổi ruồi, muỗi và các loài côn trùng truyền bệnh. Đồng thời, tôi đã đăng ký với xã mua vắc xin VDNC để tiêm phòng bảo vệ đàn bò”-bà H'Như chia sẻ. Còn theo ông Diệp Đại Quốc: Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Đak Đoa đã cấp phát 18 cuốn sổ tay, 810 tờ rơi, 200 áp phích thông tin dịch bệnh VDNC đến tận hộ chăn nuôi; vận động các hộ tự mua hơn 920 liều vắc xin tiêm phòng bệnh VDNC trên đàn bò. Cùng với đó, tổ chức 3 đợt phun vệ sinh tiêu độc khử trùng môi trường và xuất cấp 893 lít hóa chất Benkocid cho tất cả các địa phương. Ngoài ra, hàng ngày, người dân còn áp dụng phương pháp hun khói đẩy đuổi ruồi, muỗi và côn trùng truyền bệnh, sử dụng lá dã quỳ đắp trên da bò để điều trị bệnh.
Trước tình hình dịch bệnh VDNC diễn biến phức tạp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kpă Thuyên yêu cầu các địa phương tập trung triển khai các biện pháp phòng-chống bệnh theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Trong đó, tập trung tuyên truyền nâng cao ý thức của người chăn nuôi khi có trâu, bò nghi mắc bệnh phải cách ly ngay và báo cho cơ quan chuyên môn để có biện pháp xử lý kịp thời. Đồng thời, vận động người dân tham gia cùng với cơ quan chuyên môn trong việc vệ sinh tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi; áp dụng các biện pháp xua đuổi ruồi, muỗi, ve mòng là các đối tượng truyền bệnh. Hướng dẫn người dân chú ý chăm sóc đàn bò, tăng cường thức ăn tinh, thô, giàu chất dinh dưỡng giúp nâng cao sức đề kháng. Nghiêm cấm vận chuyển mua bán, giết mổ trâu bò bị bệnh ra vào vùng dịch. Kiên quyết xử lý các hộ chăn nuôi không chấp hành theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn và chỉ đạo của địa phương.
LÊ NAM-NGUYỄN DIỆP