Tập đoàn Alibaba ra mắt 2 mô hình trí tuệ nhân tạo mã nguồn mở

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Alibaba công bố hai mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên Qwen-7B và Qwen-7B-Chat, mỗi mô hình có 7 tỷ tham số, 2 mô hình trí tuệ nhân tạo nguồn mở nhằm cạnh tranh với mô hình tương tự của Meta.
Biểu tượng của Alibaba tại văn phòng ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Biểu tượng của Alibaba tại văn phòng ở Hong Kong, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/8, Tập đoàn công nghệ Alibaba của Trung Quốc đã công bố 2 mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) nguồn mở nhằm cạnh tranh với mô hình tương tự của Meta.

Theo tập đoàn có trụ sở tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, đây là hai mô hình ngôn ngữ lớn (LLM) có tên Qwen-7B và Qwen-7B-Chat, mỗi mô hình có 7 tỷ tham số.

Điều này đánh dấu lần đầu tiên một công ty công nghệ lớn của Trung Quốc có LLM nguồn mở.

Hồi tháng 4 năm nay, Alibaba cũng đã công bố LLM tên là Tongyi Qianwen với nhiều phiên bản có số lượng tham số khác nhau.

Theo Alibaba, Qwen-7B và Qwen-7B-Chat là 2 phiên bản nhỏ của Tongyi Qiawen nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa bắt đầu sử dụng AI.

Alibaba cho biết thêm các học giả, nhà nghiên cứu và tổ chức thương mại trên toàn thế giới sẽ được phép truy cập miễn phí mã số, trọng số mô hình và tài liệu của 2 mô hình này.

Tuy nhiên, các công ty có hơn 100 triệu người dùng hoạt động mỗi tháng cần phải xin giấy phép của Alibaba trước khi sử dụng 2 mô hình này.

Tháng trước, Meta - công ty mẹ của Facebook, cũng đã công bố mô hình nguồn mở tương tự tên là Llama 2.

Meta và Microsoft đã hợp tác để phát triển Llama 2, một mô hình AI ngôn ngữ lớn thế hệ tiếp theo nhắm tới cả mục đích thương mại và nghiên cứu.

Llama 2 sẽ được Microsoft phân phối thông qua dịch vụ đám mây Azure chạy trên hệ điều hành Windows.

Mô hình này sẽ cung cấp thông tin thông qua các tệp tin được tải xuống trực tiếp trên nền tảng Amazon Web Services, Hugging Face và nhiều nhà cung cấp khác.

Một số nhà phân tích cho rằng các mô hình nguồn mở này có thể giảm bớt sự thống trị của Open AI, nhà phát triển ChatGPT, và Google với các mô hình AI tính phí người dùng đắt đỏ, trên thị trường hiện nay.

Trung Quốc đang khuyến khích các công ty công nghệ nước này nhanh chóng phát triển các mô hình AI có thể cạnh tranh với nước ngoài.

Ngoài Alibaba, các công ty công nghệ khác của Trung Quốc như Tencent Holdings và Huawei đang tích cực phát triển các mô hình AI của riêng họ trong những tháng gần đây.

Có thể bạn quan tâm