Tạo vùng sinh cảnh cho voi rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Cùng với Đak Lak, Đồng Nai, Nghệ An là một trong 3 địa phương của cả nước có quần thể voi rừng tốt nhất theo quy mô đàn...

Tuy nhiên, vùng sinh cảnh sống bị tác động mạnh, diện tích bị thu hẹp, thiếu nguồn thức ăn… đã đe dọa đến sự tồn tại, phát triển của voi. Trong thế quẫn bách, voi buộc phải xông ra khỏi rừng kiếm ăn, đe dọa tính mạng, tài sản của con người.

 

Đàn voi rừng 6 con ra phá mía của người dân bản Vều 3 (xã Phúc Sơn).
Đàn voi rừng 6 con ra phá mía của người dân bản Vều 3 (xã Phúc Sơn).

Voi bất ổn

Theo khảo sát, tại Nghệ An còn khoảng 13-15 cá thể voi hoang dã; trong đó, tại khu vực Vườn quốc gia (VQG) Pù Mát có 11-13 cá thể voi. Chúng phân bố thành 2 đàn, một đàn hoạt động tại khu vực Khe Thơi thuộc vùng lõi VQG Pù Mát và một đàn hoạt động tại khu vực vùng đệm của vườn (thuộc địa phận xã Phúc Sơn huyện Anh Sơn).

Những năm gần đây, đàn voi thứ hai này thường xuyên ra các vùng đất canh tác và nơi cư trú của người dân Cao Vều (xã Phúc Sơn) phá hoại hoa màu, nhà cửa và đe dọa tính mạng con người.

Một cán bộ kiểm lâm Hạt Kiểm lâm huyện Anh Sơn kể, hơn 20 năm trước, khi làm việc tại Lâm trường huyện Thanh Chương, ông đã thấy đàn voi ở xã Phúc Sơn bây giờ. Ngày đó gặp chúng thấy rất hiền chứ không tỏ ra giận dữ như bây giờ. Bây giờ, khi voi về phá mía, hoa màu…, dân đuổi nhưng chúng không chịu đi, có lẽ vì chúng đói nên mới lì lợm như vậy.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát, cho biết, khu vực VQG Pù Mát được Bộ NN-PTNT xác định là một trong 3 khu vực trung tâm bảo tồn voi ở Việt Nam. Trước đây, khi khảo sát, diện tích rừng tre nứa làm thức ăn cho voi khoảng 1.500ha, nhưng nay đã bị chặt gần hết để trồng cao su. Vì thế, khu vực cung cấp thức ăn bị thu hẹp, voi phải đi xa hơn để kiếm ăn hoặc xuống các bản để ăn hoa màu. Vào năm 2010, một cá thể voi đực đã bị bắn chết tại khu vực rừng thuộc xã Phúc Sơn, hiện đàn voi ở đây chỉ còn 6 con.

 

Biển cảnh báo được giăng lên để cảnh báo người dân về voi rừng.
Biển cảnh báo được giăng lên để cảnh báo người dân về voi rừng.

Người bất an

Cách đây hơn một tháng, chiều tối ông Phan Văn Đại ở xóm Bãi Đá (xã Phúc Sơn) ra chuồng heo cho heo ăn, bỗng đứng tim khi thấy đàn voi đang nhổ, ăn bụi chuối gần đó. Sau khi trấn tĩnh, ông Đại chạy ra đường hô hoán báo “voi về, voi về”. Trong chốc lát, hơn 40 người với đủ các dụng cụ, phương tiện đã tập trung để đuổi voi. Họ dùng mọi cách, từ gõ nồi xoong, đốt lửa… cho đến nẹt pô xe máy. Nhưng cũng phải đến 2 giờ sáng hôm sau đàn voi 6 con mới chịu rời khỏi vườn nhà ông Đại đi vào rừng.

Ông Lương Văn Tình (ở bản Vều 3, xã Phúc Sơn) kể, những năm sau này, việc voi về “thăm bản” đã trở nên quen với mọi người. Có hôm, khoảng 2 giờ sáng, đàn voi 6 con kéo về phá mía ở bãi Gon. Suốt từ 2 giờ sáng đến tối cùng ngày, người dân và các lực lượng chức năng tìm đủ mọi cách xua đuổi nhưng đàn voi vẫn ung dung ăn mía. Có đợt như vào mùng 2 Tết năm 2014, dân bản đang vui tết thì đàn voi kéo về làm náo loạn cả bản. Chúng lùng sục một hồi, phá tung cả một góc bếp nhà anh Nguyễn Văn Tuyển rồi mới bỏ đi.

Ông Tình lo lắng: “Không hiểu sao thời gian gần đây voi lại thường về phá nhiều đến thế. Không chỉ phá cây trồng, hoa màu, voi còn về phá cả nhà, quật chết người”. Năm 2011, đàn voi kéo về phá lán của công nhân trồng rừng và quật chết 1 người. Năm 2013 một người khác lại là nạn nhân xấu số của đàn voi. Ngoài ra, voi còn làm bị thương ít nhất 4 người. Hiện nay, tình trạng xung đột giữa voi và người xảy ra trên diện rộng, mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn, như ở xã Bắc Sơn (huyện Quỳ Hợp), xã Thanh Đức (huyện Thanh Chương), xã Môn Sơn, Lục Dạ, Chi Khê, Yên Khê (huyện Con Cuông), xã Xá Lượng (huyện Tương Dương)…

Bao giờ voi được an cư?

Khoảng 23 giờ đêm 14-3-2107, một nhóm công nhân thi công công trình tại Khe Nóng (xã Châu Khê, huyện Con Cuông) đang ngủ thì nghe tiếng động lạ. Chui ra khỏi lán kiểm tra, nhóm công nhân phát hoảng khi thấy một con voi đang “đứng lù lù” bên cạnh máy múc. Thoạt đầu các công nhân định tháo chạy, nhưng quan sát thấy con voi này không có động thái gì hung dữ hay có ý tấn công người, nên các anh đứng lại. Một hồi sau, một vài người lân la lại gần, voi vẫn tỏ ra thân thiện. Sau đó cả nhóm công nhân quây đến bên voi, vuốt ve, sờ vòi, sờ tai, đuôi… và chụp ảnh cùng voi, quay clip đưa lên Facebook. Con voi này có vẻ rất thích thú và ở cùng nhóm công nhân đến khoảng 2 giờ sáng hôm sau mới bỏ vào rừng.

Ông Trần Xuân Cường, Giám đốc VQG Pù Mát, cho biết, con voi này là voi cái, sống chỉ một mình trong khu vực Khe Nóng. Vào mùa động dục, con voi này và đàn voi dưới khu vực Phúc Sơn (huyện Anh Sơn) đã từng “tìm nhau”, nhưng khi đến khu vực sông Giăng, đập Phà Lài thì bị ngăn lại. VQG Pù Mát cũng đã nghiên cứu, tìm cách đưa 1 trong 2 con đực mới lớn ở khu vực Phúc Sơn lên với con voi “cô đơn” trên Khe Nóng, nhưng hiện vẫn chưa thể thực hiện được.

Để giải quyết vấn đề xung đột giữa voi và người, từ đầu năm 2016, công trình hào ngăn voi đã được xây dựng ở bản Vều 1 và Vều 2 (xã Phúc Sơn). Hào có chiều dài 5km, hiện nay đã làm được hơn 4km với kinh phí trên 10 tỷ đồng. Đây là một trong những hạng mục nằm trong dự án khẩn cấp bảo tồn voi được tỉnh Nghệ An phê duyệt năm 2013, với tổng kinh phí 86 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì chưa có vốn nên đến nay cũng chỉ mới thực hiện được hạng mục này, còn các hạng mục quan trọng như khôi phục vùng sinh cảnh 250 ha cho voi sinh sống, vẫn chưa thực hiện được. Và ngay việc xây hào ngăn voi cũng còn bất cập.

Duy Cường/sggp

Có thể bạn quan tâm

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Nhất nghệ tinh nhất thân vinh - Bài cuối: Phù thủy của những cỗ máy thời gian

Chúng tôi xin kết thúc tuyến bài này bằng câu chuyện về một người thợ sửa đồng hồ đã phát triển thành một chuỗi của hàng sửa chữa đồng hồ uy tín. Câu chuyện của anh nhắc nhở chúng ta hãy tranh thủ từng tích tắc với công việc mình đang làm và thành công đang ở phía trước…

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Lão nông cả đời bảo tồn cá quý trên dòng Mê Kông

Sông Mê Kông đang ngày càng cạn kiệt về các loài cá quý hiếm. Ông Bảy Bon - lão nông ở Cần Thơ trên dòng sông Hậu dành gần cả đời sưu tầm và bảo tồn các loài cá quý với hy vọng chúng sẽ không biến mất. Kết hợp du lịch, ông đã tạo nên một điểm đến hấp dẫn mỗi khi khách đến cồn Sơn của TP Cần Thơ.