Tạo đột phá trong sản xuất rau, hoa và cây ăn quả - Kỳ 2: Chưa tương xứng với tiềm năng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Ngành sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đã chuyển biến rõ nét sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV. Tuy nhiên, trong thực tế, việc phát triển ngành hàng này vẫn còn nhiều bất cập, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có.

Vùng nguyên liệu thiếu ổn định

Thời gian qua, việc hình thành, phát triển các vùng nguyên liệu rau, hoa, cây ăn quả có chất lượng, đủ số lượng, đủ chủng loại để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, chất lượng rau, hoa, quả không đồng đều giữa các vùng sản xuất, trong khi vùng nguyên liệu thiếu ổn định và bền vững. Việc cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch còn hạn hẹp. Mối liên kết trong phát triển vùng nguyên liệu được kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm hoặc kiểm soát theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với các cơ sở, nhà máy chế biến còn hạn chế, chưa đồng bộ.

Các chuỗi liên kết sản xuất rau, củ trên địa bàn tỉnh thiếu bền vững, người dân đa số mạnh ai nấy làm. Ảnh: Quang Tấn

Các chuỗi liên kết sản xuất rau, củ trên địa bàn tỉnh thiếu bền vững, người dân đa số mạnh ai nấy làm. Ảnh: Quang Tấn

Được UBND thị xã An Khê cấp quyền khai thác và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Rau An Khê-Gia Lai”, Hợp tác xã (HTX) Rau an toàn An Bình (phường An Bình) có nhiều cơ hội để phát triển thị trường, mở rộng vùng nguyên liệu. Tuy nhiên, những năm qua, HTX chỉ hoạt động cầm chừng ở lĩnh vực kinh doanh nước đóng bình, còn lĩnh vực sản xuất, tiêu thụ rau gần như tê liệt. Từ chỗ có hơn 20 ha rau liên kết sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP thì hiện nay, HTX chỉ còn hơn một nửa diện tích và mạnh ai nấy làm.

Ông Nguyễn Văn Thanh (tổ 3, phường An Bình) buồn rầu nói: “Trước đây, sản phẩm rau của các thành viên được HTX nhập vào tiêu thụ tại cửa hàng ở thị xã và các tỉnh miền Trung. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gặp khó, rau đạt tiêu chuẩn VietGAP làm ra lại không tiêu thụ được. Từ đó, tôi không tham gia chuỗi liên kết mà tự làm, tự tìm thị trường và cũng không sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nữa. Chính vì vậy, thu nhập không ổn định như trước. Có thời điểm giá rau tăng cao nhưng cũng có lúc giá xuống thấp, phải cày bỏ vì thu không đủ bù chi”.

Theo ông Đỗ Tấn Chiến-Phó Chủ tịch UBND phường An Bình, sản xuất rau an toàn có giá thành cao hơn, trong khi nhận thức của người tiêu dùng về rau an toàn còn hạn chế dẫn đến khó tiêu thụ. Phường cũng đã nhiều lần kiến nghị các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ HTX quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết được. Hoạt động sản xuất kinh doanh không ổn định cũng là nguyên nhân chính dẫn đến bộ máy HTX thiếu ổn định. Từ năm 2018 đến nay, HTX đã thay 3 Chủ tịch Hội đồng Quản trị.

Lý giải nguyên nhân địa phương chưa hình thành các vùng chuyên canh rau bền vững, ông Đặng Thanh Hà-Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã An Khê-cho rằng: Chủng loại rau do người dân trên địa bàn sản xuất chưa nhiều nên không đáp ứng được các thị trường lớn. Cùng với đó, quy trình sản xuất rau an toàn cũng chỉ mới được ứng dụng đối với một số loại rau nhất định; phần lớn diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; kỹ thuật canh tác của một bộ phận người dân chưa cao… Điều này dẫn đến việc kêu gọi người dân tham gia các chuỗi liên kết, hình thành vùng chuyên canh quy mô lớn gặp nhiều khó khăn nên thị trường tiêu thụ bị ách tắc.

Còn ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Pưh thì cho hay: Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngành sản xuất rau, hoa và cây ăn quả của huyện đã đạt được những kết quả nhất định. Tuy nhiên, ngành sản xuất này vẫn còn một số hạn chế nhất định như: việc liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị chưa thật sự bền vững; chưa có nhiều doanh nghiệp lớn làm chủ thị trường để xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất khép kín, bền vững; tư duy của nông dân còn thực dụng, dù đã ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp nhưng vẫn sẵn sàng phá hợp đồng để bán sản phẩm cho nơi khác; doanh nghiệp dù ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm nhưng giá tối thiểu không đủ bù đắp chi phí đầu tư nên người dân chưa mặn mà tham gia các chuỗi liên kết.

Các thành viên HTX Rau an toàn An Bình không còn mặn mà vào chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn như trước. Ảnh: Ngọc Sang

Các thành viên HTX Rau an toàn An Bình không còn mặn mà vào chuỗi liên kết sản xuất rau an toàn như trước. Ảnh: Ngọc Sang

“Ngoài ra, hệ thống giao thông nội đồng, điều kiện nguồn nước tưới tại nhiều vùng sản xuất còn khó khăn, chưa đáp ứng cho việc sản xuất tập trung, quy mô lớn. Đây là khó khăn, vướng mắc rất lớn đối với việc liên kết sản xuất giữa người dân và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, thị trường nông sản biến động làm cho doanh nghiệp e ngại trong việc bao tiêu sản phẩm dài hạn như đã ký kết trong hợp đồng. Năng lực tài chính, nhân sự của các HTX trên địa bàn huyện còn yếu, quy mô sản xuất kinh doanh nhỏ nên rất khó khăn trong việc tham gia các dự án liên kết tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả do kéo dài trong nhiều năm”-ông Khánh thông tin.

Thu hút đầu tư chế biến sâu chưa nhiều

Để nâng cao giá trị, hiệu quả và năng lực cạnh tranh của sản phẩm rau, hoa, quả trên thị trường quốc tế, những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, tỉnh chú trọng thu hút các nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến, bảo quản cũng như xây dựng hệ thống logistics hiện đại, đồng bộ phục vụ vận chuyển, phân phối các sản phẩm rau, hoa, quả. Tuy nhiên, tỷ lệ nguyên liệu rau, quả đưa vào chế biến hiện còn đạt thấp (dưới 16%), chủ yếu là chanh dây. Phần lớn các sản phẩm cây ăn quả còn lại vẫn được tiêu thụ dưới dạng tươi (chiếm trên 84%), kim ngạch xuất khẩu qua chế biến sâu còn thấp...

Ông Nguyễn Văn Hợp-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Chư Sê-cho rằng: Bên cạnh gặp nhiều khó khăn trong việc xây dựng và phát triển mở rộng các chuỗi liên kết sản xuất, sản phẩm rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn phần lớn được tiêu thụ dưới dạng tươi, tỷ lệ chế biến thấp do thiếu các cơ sở bảo quản, chế biến tại chỗ khiến giá trị kinh tế mang lại chưa cao.

“Chúng ta đang thiếu các cơ chế, chính sách và nguồn lực để khuyến khích, hỗ trợ phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả. Đặc biệt, việc đầu tư cho công nghiệp chế biến chưa tương xứng với tốc độ phát triển sản xuất rau, hoa, cây ăn quả trên địa bàn; chưa có các chính sách đủ hấp dẫn để thu hút doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà máy bảo quản, chế biến. Cùng với đó, cơ sở hạ tầng giao thông chưa được đầu tư hoàn thiện, hệ thống logistics phục vụ bảo quản, chế biến, xuất khẩu rau, quả còn yếu. Trong khi đó, tốc độ phát triển các loại rau, hoa và cây ăn quả trên địa bàn khá lớn”-ông Hợp nhìn nhận.

Việc thu hút đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến ở Gia Lai hiện chưa nhiều. Ảnh: Quang Tấn

Việc thu hút đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu gắn với nhà máy chế biến ở Gia Lai hiện chưa nhiều. Ảnh: Quang Tấn

Theo ông Nguyễn Minh Tứ-Phó Chủ tịch UBND huyện Chư Pưh, mong muốn của nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư là có quỹ đất tập trung để đầu tư liên kết sản xuất, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định. Nhưng hiện trạng sản xuất trên địa bàn huyện lại phân tán, manh mún và chất lượng sản phẩm không đồng đều nên chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp cũng như thị trường tiêu thụ. Do vậy, cần có sự quan tâm chỉ đạo, vào cuộc quyết liệt và đồng thuận của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân.

“Để kêu gọi đầu tư liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thành công cần làm tốt công tác chuẩn bị các nguồn lực như: tạo quỹ đất xây dựng cơ sở sơ chế, chế biến nông sản; đầu tư trang trại, vùng nguyên liệu lõi để doanh nghiệp làm mô hình sản xuất điểm; điều kiện vốn ngân sách hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất; quy hoạch đất sản xuất và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất đảm bảo các điều kiện có quy mô diện tích lớn, tập trung, chuyên canh. Đồng thời, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm và giới thiệu tiềm năng phát triển nông nghiệp”-ông Tứ nêu giải pháp.

Toàn tỉnh hiện có 8 dự án đăng ký đầu tư trong lĩnh vực trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm rau, hoa, quả với tổng vốn đầu tư trên 1.031 tỷ đồng. Trong đó, có 2 nhà máy chế biến, 3 dự án trung tâm sản xuất giống, 1 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và 2 dự án trồng cây ăn quả.

Trong khi đó, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Lưu Trung Nghĩa thì cho biết: Đến nay, tỉnh đã thu hút được một số doanh nghiệp, HTX đầu tư xây dựng cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến rau, quả trên địa bàn. Đồng thời, đầu tư liên kết phát triển diện tích rau, cây ăn quả chất lượng cao, thực hành sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và ứng dụng một số tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất.

Cụ thể, Nhà máy chế biến rau quả của Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao có công suất 52.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy sơ chế, chế biến, đóng gói trái cây tươi và trái cây cấp đông IQF của Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai với công suất 36.500 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến trái cây Quicornac của Công ty DIVAFRUIT S.A với công suất 15.000 tấn sản phẩm/năm; Nhà máy chế biến sản phẩm trái cây của Công ty Vật tư tổng hợp Hưng Nguyên với công suất 341 tấn sản phẩm/năm.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có hàng trăm cơ sở sơ chế, chế biến rau quả, chủ yếu là sản phẩm trái cây sấy dẻo và sấy giòn (mít, xoài, chuối, khoai lang, thanh long…) của các hộ gia đình, cá nhân, HTX, doanh nghiệp với quy mô nhỏ.

“Thời gian tới, tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, HTX liên kết để xây dựng, hình thành các vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, bền vững nhằm giúp các doanh nghiệp, người dân sản xuất có trách nhiệm và chất lượng để phục vụ xuất khẩu. Tỉnh cũng chú trọng thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất các loại giống cây trồng chất lượng cao để phát triển vùng nguyên liệu bền vững; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, gắn kết 5 nhà (Nhà nước-nhà nông-nhà khoa học-doanh nghiệp-ngân hàng) trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm”-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thông tin thêm.

Có thể bạn quan tâm

'Người cha' của rừng gỗ quý

'Người cha' của rừng gỗ quý

Gần 30 năm miệt mài ươm trồng, cánh rừng với hàng vạn cây Pơmu, Samu của gia đình ông Vừ Rả Tênh (trú xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) đã trở thành một trong những điểm đến thu hút du khách trong và ngoài huyện vui chơi, tận hưởng không khí trong lành.

Bát nháo 'cò' vùng biên

Bát nháo 'cò' vùng biên

Tình trạng 'cò' đưa người qua lại biên giới Campuchia diễn ra bát nháo ở khu vực gần cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) và Mỹ Quý Tây (Long An) tiềm ẩn nguy cơ về an ninh trật tự, tội phạm trốn truy nã, cờ bạc, buôn lậu, ma túy...