Tạo đột phá trong sản xuất rau, hoa và cây ăn quả - Kỳ 1: Gia tăng giá trị sản phẩm

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Qua hơn 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 11-11-2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV về phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040, Gia Lai đã tạo được sự đột phá mạnh mẽ, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ và bước đầu hình thành các vùng chuyên canh quy mô lớn. Vị thế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm rau, hoa và cây ăn quả của tỉnh theo đó cũng không ngừng được nâng lên.

Thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án phát triển sản xuất rau, hoa và cây ăn quả đến năm 2030, định hướng đến năm 2040. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, Đề án đã đạt nhiều kết quả, góp phần tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, quy mô lớn, gắn với phát triển các cơ sở, nhà máy chế biến và thị trường tiêu thụ.

Liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Việc tổ chức lại sản xuất rau, hoa, cây ăn quả theo hướng tập trung, quy mô lớn, liên kết chuỗi giá trị bền vững đã thúc đẩy quá trình hình thành các chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) với hộ nông dân. Qua đó, từng bước khắc phục tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, được mùa mất giá, hướng đến phát triển ổn định, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Ảnh: Quang Tấn

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn quốc tế gắn với nhà máy sơ chế, chế biến để đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính. Ảnh: Quang Tấn

Huyện Chư Pưh là một trong những địa phương tích cực định hướng người dân chuyển đổi và ổn định vùng chuyên canh cây ăn quả trên diện tích hồ tiêu bị chết. Ông Nguyễn Long Khánh-Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện-cho biết: Thời gian qua, địa phương đã triển khai điều tra, đánh giá đất đai để làm cơ sở xây dựng vùng chuyên canh tập trung, hướng dẫn người dân chuyển đổi hơn 600 ha hồ tiêu bị chết sang trồng cây ăn quả. Đồng thời, huyện xác định rõ từng vùng đất phù hợp với các nhóm cây trồng để định hướng người dân sản xuất tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị, đảm bảo các tiêu chuẩn, chất lượng. Nhờ đó, trên địa bàn huyện đã có 2 sản phẩm trái cây là sầu riêng và na Thái được chứng nhận OCOP cấp tỉnh.

Điển hình như HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn (xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh) thu hút 62 thành viên tham gia trồng các loại cây ăn quả như: sầu riêng, mít Thái, na dai. Trong đó, sầu riêng là cây mũi nhọn được HTX đẩy mạnh mở rộng diện tích. Ông Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX-cho hay: “Chúng tôi chủ động liên kết với các hộ dân canh tác hơn 250 ha sầu riêng theo hướng VietGAP. Nhờ đó, sản phẩm sầu riêng của HTX đã được chứng nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh và nâng cao về giá trị. Hiện tại, người dân thu nhập khoảng 400 triệu đồng/ha sầu riêng/năm. Cuối năm 2022, HTX đã làm hồ sơ đề nghị cơ quan chức năng cấp 6 mã số vùng trồng cho 177 ha sầu riêng. Ngoài ra, HTX cũng ký hợp đồng liên kết với Công ty cổ phần Nafoods Group để bao tiêu sản phẩm sầu riêng phục vụ xuất khẩu”.

Theo anh Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn, mỗi ha sầu riêng của các thành viên HTX thu được khoảng 400 triệu đồng trên năm. Ảnh: Quang Tấn

Theo anh Nguyễn Viết Bình-Giám đốc HTX Nông nghiệp hữu cơ Đại Ngàn, mỗi ha sầu riêng của các thành viên HTX thu được khoảng 400 triệu đồng trên năm. Ảnh: Quang Tấn

Cuối năm 2022, HTX Sản xuất, thương mại, dịch vụ du lịch và nông nghiệp Ia Mơ Nông (huyện Chư Păh) phối hợp với các doanh nghiệp thành lập Tổ khuyến nông cộng đồng. Việc đưa Tổ khuyến nông cộng đồng vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng của bà con nông dân, mở ra hướng sản xuất bền vững theo chuỗi giá trị.

Ông Lê Văn Thanh-Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Giám đốc HTX-thông tin: “Tổ gồm 17 thành viên, trong đó có 2 kỹ sư trồng trọt, 1 thạc sĩ hóa học, 1 thạc sĩ quản lý tài nguyên và môi trường, 2 người quản lý vùng nguyên liệu. Tổ có nhiệm vụ xây dựng mạng lưới thông tin truyền thông khuyến nông để tư vấn, chuyển giao công nghệ và tiếp nhận phản hồi của bà con qua thực tế sản xuất. Đồng thời, tư vấn liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; cung cấp giống, vật tư, thiết bị nông nghiệp đảm bảo chất lượng... Nhờ đó, HTX không ngừng thu hút các thành viên tham gia chuỗi liên kết, quy mô sản xuất ngày càng mở rộng, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Đến nay, HTX đã liên kết với khoảng 300 hộ dân ở các xã: Ia Ka, Ia Mơ Nông, Ia Nhin, Nghĩa Hòa, Hòa Phú, thị trấn Ia Ly (huyện Chư Păh) và Ia Yok, Ia Bă (huyện Ia Grai) canh tác 320 ha chanh dây”.

Khi tham gia chuỗi liên kết, thu nhập từ vườn chanh dây của hộ ông Nguyễn Văn Bích (làng Kép 1, xã Ia Mơ Nông) ổn định hơn, không phải lo đầu ra sản phẩm. Ông Bích cho hay: “Trước đây, tôi trồng chanh dây chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nên năng suất, chất lượng không ổn định. Sản phẩm làm ra khó tiêu thụ, giá cả lại bấp bênh. Khi tham gia HTX, tôi đăng ký trồng 2 ha chanh dây. Tôi được các thành viên Tổ khuyến nông cộng đồng tập huấn, hướng dẫn quy trình trồng, chăm sóc vườn cây an toàn, dần chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ, đồng thời được HTX bao tiêu sản phẩm”.

Ông Nguyễn Tiến Dũng-Giám đốc Khối quản lý và phát triển vùng trồng (Công ty cổ phần Nafoods Group) thông tin: Công ty đã cử 2 nhân viên tham gia Tổ khuyến nông cộng đồng để hỗ trợ bà con từ kỹ thuật làm đất, lắp đặt hệ thống tưới, xuống giống đến khi thu hoạch nhằm đảm bảo đạt hiệu quả tốt nhất. Để có vùng nguyên liệu bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, đáp ứng yêu cầu của các nước nhập khẩu, Công ty đang phát triển 1.000 ha vùng trồng khắp các địa phương của tỉnh Gia Lai, liên kết với 22 HTX và tổ hợp tác. Chúng tôi hy vọng trong thời gian không xa, sản phẩm chanh dây Gia Lai sẽ có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Mở rộng thị trường tiêu thụ

Bên cạnh chú trọng sản xuất theo các tiêu chuẩn an toàn, có mã số vùng trồng, tem truy xuất nguồn gốc… việc thực hiện hiệu quả các hoạt động xúc tiến thương mại đã góp phần nâng cao giá trị, khẳng định vị thế các sản phẩm rau, hoa và cây ăn quả của tỉnh. Nhờ đó, thị trường xuất khẩu được mở rộng, nhiều thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… đã chấp nhận nông sản của Gia Lai. Điển hình, Gia Lai là địa phương có lô hàng chanh dây đầu tiên xuất sang châu Âu theo Hiệp định EVFTA; có LOPANG BANANA là sản phẩm chuối Việt đầu tiên được bán và phân phối qua 81 siêu thị ở Hàn Quốc.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai đã liên kết với 150 hộ dân sản xuất chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Ngọc Sang

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai đã liên kết với 150 hộ dân sản xuất chanh dây đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Ảnh: Ngọc Sang

Qua hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU, kim ngạch xuất khẩu rau, quả của tỉnh không ngừng tăng lên. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 4,7 triệu USD; năm 2020 đạt gần 66 triệu USD; năm 2021 đạt hơn 77,5 triệu USD. Đặc biệt, năm 2022, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 120 triệu USD, cao nhất từ trước đến nay.

Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai (xã Đak Ta Ley, huyện Mang Yang) có gần 40 thành viên và liên kết với 150 hộ dân các huyện: Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Chư Prông canh tác hơn 300 ha chanh dây, trong đó có khoảng 80 ha đạt tiêu chuẩn GlobalGAP.

Giám đốc HTX Đỗ Thị Mỹ Thơm chia sẻ: Những năm qua, HTX thu về hàng tỷ đồng nhờ xuất khẩu sản phẩm chanh dây tươi sang Pháp và Thụy Sĩ. Đến nay, HTX đã xây dựng được 7 mã số vùng trồng chanh dây với diện tích 126,4 ha. Đồng thời, HTX cung cấp ra thị trường các sản phẩm gồm: chanh dây tươi xuất khẩu, ruột chanh dây đông lạnh, nước cốt chanh dây, chanh dây sấy dẻo, bột chanh dây, trà Detox chanh dây sấy giòn, tinh dầu chanh dây…

Mỗi năm, HTX thu lợi nhuận hơn 1,5 tỷ đồng, đem lại thu nhập ổn định cho nông dân. Năm 2022, HTX đã xuất khẩu 196 tấn chanh dây. “Để nâng cao giá trị quả chanh dây Gia Lai, HTX đầu tư mở rộng các kênh bán hàng thương mại điện tử, đồng thời đăng ký cấp chứng nhận ISO 22000:2018, mở rộng vùng nguyên liệu phục vụ xuất khẩu, nâng cao thu nhập cho nông dân”-bà Thơm chia sẻ.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn (huyện Đak Đoa) cũng đã xây dựng quy trình sản xuất khép kín theo các tiêu chuẩn quốc tế. Nhờ đó, sản phẩm chuối tiêu hồng của Công ty được nhiều thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… đánh giá cao.

Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Nguyễn Quang Anh cho biết: Công ty luôn chú trọng xây dựng vùng nguyên liệu theo các tiêu chuẩn, có tem truy xuất nguồn gốc xuất xứ cũng như cơ sở đóng gói đảm bảo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, nhu cầu thị trường thế giới đối với sản phẩm chuối của Công ty rất lớn nhưng vùng nguyên liệu còn hạn chế. “Công ty mới chỉ xây dựng được vùng nguyên liệu khoảng 600 ha chuối tiêu hồng, trong đó có 200 ha liên kết với người dân. Thời gian tới, chúng tôi liên kết với người dân huyện Đak Đoa cũng như các huyện lân cận để mở rộng vùng nguyên liệu nhằm đảm bảo nguồn hàng xuất khẩu”-ông Nguyễn Quang Anh chia sẻ.

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng khoảng 600 ha. Ảnh: Quang Tấn

Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Hưng Sơn đã hình thành được vùng nguyên liệu rộng khoảng 600 ha. Ảnh: Quang Tấn

Đến nay, toàn tỉnh có hơn 237.346 ha cây trồng liên kết sản xuất theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, 4C, Organic, Rainforest Alliance gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đối tượng tham gia liên kết gồm: 81 HTX, 72 tổ hợp tác, 11.862 hộ nông dân và 42 doanh nghiệp đầu chuỗi liên kết.

Ngoài ra, tỉnh đã được cấp 99 mã số vùng trồng cho các cây trồng chủ lực như: chuối, chanh dây, dưa hấu, thanh long, xoài, mít... với tổng diện tích hơn 6.800 ha; 24 mã cơ sở đóng gói với tổng công suất khoảng 665-795 tấn quả tươi/ngày.

Trao đổi với P.V, ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT-cho hay: Gia Lai có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp, nhất là rau, hoa và cây ăn quả. Đặc biệt, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, tỉnh đã phát triển diện tích rau, hoa và cây ăn quả lên trên 30 ngàn ha, tăng gần gấp đôi so với trước. Đồng thời, tỉnh đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến. Đây là cơ sở để các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh từng bước đáp ứng đầy đủ các điều kiện, quy chuẩn khắt khe từ những thị trường khó tính như: EU, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Có thể bạn quan tâm

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Mưu sinh truyền đời ở Chợ Lớn - Kỳ 5: Những thợ bạc danh tiếng

Nhà văn Sơn Nam từng hóm hỉnh: "Là nhà văn thì phải chấp nhận nghèo, nếu viết văn để làm giàu thì ở Sài Gòn, dân Chợ Lớn làm hết rồi, không tới mình đâu". Tất nhiên, "ông già Nam bộ" chỉ nói đùa nhưng chuyện dân Chợ Lớn làm đủ mọi ngành nghề và đều ăn nên làm ra là có thật. Trong đó có nghề thợ bạc.

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

Người Thái Bình bên dòng sông Ba

(GLO)- Mỗi chiều, nhìn đàn cò trắng bay về ngang dòng sông Ba mênh mang sóng nước, ông Nguyễn Văn Để (86 tuổi) lại bâng khuâng nhớ về quê nhà. Tròn 40 năm rời quê hương Thái Bình vào vùng đất Krông Pa định cư, nỗi nhớ nguồn cội vẫn dâng đầy trong ông khi bắt gặp hình ảnh thân thuộc như vậy.

Đời chìm nước nổi…

Đời chìm nước nổi…

Thời điểm này, khu vực biên giới Tây Nam đang đỉnh lũ. Mùa nước nổi năm nay lượng nước sông Mê Kông đổ về Đồng bằng sông Cửu Long cao hơn trung bình nhiều năm trước. Mùa nước nổi là lúc người dân vùng biên thức thâu đêm giăng lưới, thả câu tận hưởng lộc trời.

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Người mở cánh cửa hy vọng cho bệnh nhi ung thư

Trong suốt câu chuyện, bác sĩ Bùi Ngọc Lan luôn nhắc, để có được những thành tựu trong việc chữa trị cho bệnh nhi ung thư là nhờ có teamwork (nhóm làm việc) mạnh, với nhiều bác sĩ giỏi từ các chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh, ung thư, ngoại khoa, di truyền, giải phẫu bệnh...