Tạo đà để doanh nghiệp tăng tốc  

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nền kinh tế Việt Nam năm 2022 được các chuyên gia đánh giá có sự hồi phục và tăng trưởng mạnh mẽ sau dịch Covid-19, với tổng kim ngạch xuất khẩu lên tới hàng trăm tỷ USD và thu hút nhiều tỷ USD vốn đầu tư doanh nghiệp nước ngoài. Tuy nhiên, dự báo năm nay, xu hướng tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) sẽ có nhiều nhánh rẽ khác nhau cho từng ngành.

Sản xuất hàng may mặc tại Công ty may Nguyên Dung, quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Sản xuất hàng may mặc tại Công ty may Nguyên Dung, quận 12. Ảnh: HOÀNG HÙNG



Cơ hội nhiều, thách thức không ít

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội DN TPHCM, chia sẻ, từ giữa quý 4 năm 2022 đến nay, DN một số lĩnh vực đang gặp nhiều vấn đề bất lợi. Trong đó phải kể đến tình hình cung ứng nguyên vật liệu đầu vào cũng như thị trường tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu không thuận lợi do diễn biến kinh tế, chính trị trên thế giới, nhất là ảnh hưởng bởi xung đột Nga - Ukraine.

Tại thị trường trong nước, việc cung ứng xăng dầu không ổn định làm ảnh hưởng đến sinh hoạt, đời sống của người dân, lưu thông hàng hóa, sản xuất kinh doanh của DN. Đặc biệt, vấn đề trái phiếu DN vẫn còn ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư và người dân. Ghi nhận thực tế từ hoạt động sản xuất cho thấy, DN trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ… rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng, sản xuất cầm chừng hoặc giảm việc, dẫn đến nhiều công nhân mất việc, giảm thu nhập. Đáng chú ý, lĩnh vực xuất nhập khẩu, bất động sản… gặp khó khăn về dòng tiền do bị siết tín dụng và trái phiếu DN. Tình trạng này được một số DN dự báo sẽ còn kéo dài đến giữa năm 2023.

Ở chiều ngược lại, một số ngành được kỳ vọng phát triển bứt phá trong năm nay là chế biến lương thực, thực phẩm và nông sản. Ông Trương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết, thời cơ lớn nhất là Trung Quốc mở cửa biên giới trở lại cùng với việc nới lỏng các biện pháp kiểm soát dịch Covid-19. Nhiều DN đã lên kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh để đáp ứng cơ hội cho thị trường Trung Quốc.

Chẳng hạn, Công ty CP Tập đoàn Xuân Nguyên đã kích hoạt lại toàn bộ dây chuyền hoạt động, nâng công suất sản xuất lên 100% thay vì 50% như trong năm 2022 để chuẩn bị đón đầu cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Trung Quốc. Hiện năng lực sản xuất mỗi tháng của công ty ghi nhận ở mức 1.200 tấn mật ong và hơn 20.000 tấn sản phẩm khác. Bên cạnh đó, năm nay, ngành nông nghiệp cũng được dự báo sẽ gặp thuận lợi hơn khi Chính phủ vẫn tập trung ưu tiên phát triển vào ba lĩnh vực chính là sản xuất, xuất khẩu và dịch vụ tiêu dùng trong nước; trong đó vẫn lấy nông nghiệp làm trụ đỡ, thúc đẩy tăng cường chế biến sâu, phát triển bền vững.

Hỗ trợ vốn, giãn thuế

Nhằm hỗ trợ DN khắc phục khó khăn cũng như tăng tốc phát triển, ông Nguyễn Ngọc Hòa cho rằng, cần có sự hỗ trợ đồng bộ nhiều chính sách. Đầu tiên là nhóm tài chính, ngân hàng. Nhà nước nên có giải pháp gia hạn nợ vay đối với các khoản vay trung và dài hạn. Theo đó, thời gian của hợp đồng vay được kéo dài tương ứng với thời gian ân hạn mà không làm thay đổi số tiền phải trả từng kỳ theo lịch trả nợ trước đó, giúp giảm áp lực trả nợ so với yêu cầu chia đều nợ phải trả theo Thông tư 01/NHNN-TT. Tiếp đó, Nhà nước cần thực hiện cho vay ngừng việc, nghỉ việc và cho vay khác nhằm hỗ trợ các DN bị thiếu hụt đơn hàng, phải cho công nhân nghỉ việc, làm việc luân phiên...

Từ đó góp phần giúp DN vượt qua khó khăn, công nhân có việc làm. Song song đó, cần hạ lãi suất tiền vay để hỗ trợ DN bằng cách Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thương mại cố định “biên độ lãi ròng” (NIM) về mức bình quân 3% để chia sẻ khó khăn với cộng đồng. Điều này giúp đảm bảo DN có lợi nhuận, có lãi suất vay phù hợp và tạo sự cạnh tranh lành mạnh trong hoạt động tín dụng.


 

Công nhân một công ty tại TPHCM đang thao tác trên dây chuyền sản xuất thực phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG
Công nhân một công ty tại TPHCM đang thao tác trên dây chuyền sản xuất thực phẩm. Ảnh: HOÀNG HÙNG


Cũng liên quan đến tài chính, mặc dù có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng theo các chuyên gia tài chính, Nhà nước cần xây dựng gói chính sách ổn định thị trường bất động sản và trái phiếu DN để không làm tình trạng xấu hơn, ảnh hưởng tới nền kinh tế và an ninh xã hội. Tuy nhiên, gói hỗ trợ này không áp dụng đại trà cho tất cả các DN, các dự án bất động sản mà có tiêu chí lựa chọn cụ thể cho các đối tượng tham gia, bao gồm chủ đầu tư, ngân hàng, nhà đầu tư. Thống kê cho thấy, ngành bất động sản đóng vai trò rất quan trọng, là “đầu kéo” cho 70 ngành nghề khác phát triển…

Riêng với thuế giá trị gia tăng, các chuyên gia đề nghị cần tiếp tục duy trì mức giảm 2% cho tất cả các ngành kinh tế đến hết năm 2024, thay vì đến cuối năm 2022. Còn với các loại thuế khác (thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất, thuế tiêu thụ đặc biệt...) cũng cần được xem xét giảm, nhằm chia sẻ khó khăn cho DN. “Về phía chính quyền địa phương, cơ quan chức năng cần thực hiện hiệu quả cải cách thủ tục hành chính, tập trung giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng hồ sơ cấp chủ quyền nhà, đất, chuyển mục đích sử dụng đất; thủ tục hoàn công xây dựng... để người dân, DN hoàn tất pháp lý chủ quyền và có thể thế chấp, tạo vốn đưa vào sản xuất kinh doanh”, bà Hồ Thị Thu Uyên, Chi hội trưởng Chi hội Doanh nghiệp Khu công nghệ cao, Giám đốc đối ngoại của Intel Việt Nam, nhấn mạnh.

 


Ông Nguyễn Minh Họa, Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam:

Ngành điều xuất khẩu giảm sau 10 năm liên tục tăng


Năm 2022, Việt Nam xuất khẩu nhân điều đạt giá trị 3,07 tỷ USD, chưa đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 3,2 tỷ USD; số lượng điều nhân xuất khẩu và điều thô nhập khẩu đều giảm đáng kể so với cùng kỳ năm 2021. Như vậy, ngành điều đã chấm dứt giai đoạn tăng trưởng về xuất khẩu kéo dài 10 năm (2011-2021). Nguyên nhân, trong năm 2022, các nhà nhập khẩu và chế biến có xu hướng chậm mua hàng nguyên liệu. Giá điều thô vẫn ở mức rất cao so với giá nhân bán ra, giá thành chế biến xuất khẩu cao trong khi giá bán nhân xuất khẩu thấp…

Hiệp hội Điều Việt Nam đề xuất các bộ, ngành cần tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN ngành điều, đặc biệt về các chính sách thuế, hải quan; Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên hạn mức tín dụng và gói hỗ trợ giảm lãi suất vay cho ngành điều; Bộ Tài chính, Bộ Công thương có văn bản hướng dẫn cụ thể giúp tháo gỡ vướng mắc về loại hình, xuất xứ hàng hóa cho các DN nhập khẩu hạt điều thô; Bộ NN-PTNT tổ chức đánh giá, quy hoạch ổn định và lâu dài các vùng trồng điều…

THANH HẢI

Theo ÁI VÂN (SGGPO)
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.