Tăng nguy cơ lừa đảo từ thuật toán theo dõi hành vi người dùng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người dùng luôn nghĩ mình hoàn toàn chủ động sử dụng mạng xã hội cũng như các ứng dụng mua sắm, giải trí khác. Thế nhưng trên thực tế, mọi hành vi nghe nhìn đều đang trở thành “tài nguyên” cho các công ty công nghệ theo dõi, khai thác.
Các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn để lừa đảo qua mạng. Ảnh: Hữu Chánh

Các đối tượng sử dụng mọi thủ đoạn để lừa đảo qua mạng. Ảnh: Hữu Chánh

Theo số liệu thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, Việt Nam hiện có trên 70 triệu người sử dụng internet, chiếm trên 70% dân số cả nước. Người dùng Việt Nam dành trung bình 7 tiếng mỗi ngày để tham gia các hoạt động liên quan đến internet.

Trong thời đại dữ liệu là một loại “dầu mỏ mới” thì các hoạt động online mang lại nguồn “tài nguyên vô tận” cho các công ty công nghệ theo dõi từng đường đi nước bước. Từng dòng thông tin người dùng tự điền khi đăng kí tài khoản trên mạng cho đến những lần vô thức dừng lại xem từng dòng tin trong bao lâu, những lần thả tim, từng cú nhấp chuột… đều được thu thập.

Bị theo dõi từ cái "thả tim"

Theo anh Đặng Văn Quân - kĩ sư học máy, người có kinh nghiệm về phát triển các hệ thống MLOps trong doanh nghiệp lớn như Heligate, One Mount, Yokogawa Singapore và MSB: Hàng ngày, người dùng mạng xã hội vẫn nghĩ mình nắm quyền chủ động trong việc lướt mạng, click vào một đường link, thả tim, like… nhưng thực ra không phải như vậy.

Khi thu thập được dữ liệu người dùng, các công ty công nghệ hoàn toàn vẽ được chân dung chi tiết của mỗi cá nhân: Thích nghe gì, xem gì, có cảm xúc như thế nào khi đọc từng loại tin tức, từ đó gợi ý cho chúng ta xem những nội dung tương tự luân phiên nhau, cả trên Facebook, Instagram và TikTok, YouTube.

Mạng xã hội “trói buộc” người dùng thông qua việc phân phối nội dung đúng: Đúng người, đúng thời điểm, đúng thời lượng. Tiêu chí để phân phối nội dung đúng là thông qua thông tin cá nhân (giới tính, chủng tộc, tuổi tác, ngôn ngữ và vị trí địa lí, sở thích,...) và thông qua hành vi sử dụng (thời gian đăng, các hashtag, nội dung bài đăng, hình ảnh/video, tương tác với bài đăng, thiết bị sử dụng, số lượng tab mở ở trình duyệt...).

Anh Quân phân tích, việc các công ty công nghệ phân tích dữ liệu cá nhân của người dùng giúp cho người dùng cảm thấy thoải mái và vui vẻ khi được gợi ý những bài đăng mà mình yêu thích và kết bạn mới. Hệ thống hiển thị quảng cáo những sản phẩm mà người dùng có khả năng yêu thích, giúp người dùng không cần đau đầu trong việc chọn mua sản phẩm.

“Thế nhưng, người dùng có nguy cơ dễ bị nghiện và dành quá nhiều thời gian cho mạng xã hội, mua sắm không kiểm soát. Đặc biệt, dễ bị thay đổi theo chiều hướng xấu vì những nội dung chưa được lọc. Nguy cơ gian lận và lừa đảo do rò rỉ dữ liệu người dùng cũng vì thế mà tăng cao” - anh Quân nhận định.

Nhiều chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội

Đồng quan điểm, anh Trần Hữu Nhân - kĩ sư về khoa học dữ liệu và học máy, người có kinh nghiệm phân tích và quản trị dữ liệu khách hàng trong doanh nghiệp như Lazada, NielsenIQ Malaysia, One Mount - cho biết, khi dùng mạng xã hội, chúng ta đã vô tình trao vào tay họ những dữ liệu cá nhân của mình. Và kẻ xấu có thể thu thập thông tin người dùng để thực hiện hành vi lừa đảo theo 2 cách trực tiếp và gián tiếp.

“Thông qua thiết lập thông tin cá nhân và bài đăng, kẻ xấu có thể nắm trong tay chứng minh thư của nạn nhân, nhân khẩu học thông qua thiết lập của người dùng, email, tên công ty, tên trường học, thông tin thẻ tín dụng và các mối quan hệ gia đình và bạn bè...

Ngoài ra, chúng có thể sử dụng cách thu thập thông tin trực tiếp để truy cập trái phép vào tài khoản người khác, truy cập vào thiết bị đang sử dụng để lấy thêm thông tin cá nhân từ thiết bị, truy cập vào mạng wifi để thu thập thông tin từ camera...” - anh Nhân cho biết.

Theo nam kĩ sư, hiện có các kiểu lừa đảo phổ biến là: Tài khoản giả mạo kết bạn, tài khoản người thân bị truy cập bất hợp pháp, sản phẩm kém chất lượng được quảng cáo, ứng dụng có malware (phần mềm độc hại) để thực hiện các hành vi mà người dùng không kiểm soát được, link giả mạo để người dùng đăng nhập

Để tự bảo vệ mình, người dùng cần hạn chế đăng bài có thông tin nhạy cảm trên mạng xã hội, sử dụng mật khẩu mạnh và không chứa thông tin cá nhân. Ngoài ra, cần hạn chế quyền xem thông tin cá nhân chỉ với gia đình và bạn bè thân thiết, xoá các tài khoản xã hội nếu không còn dùng, chú ý các đường link, ứng dụng trước khi ấn vào và để ý tài khoản mới, ít có tương tác hoặc tài khoản người thân có dấu hiệu bất thường.

Có thể bạn quan tâm