Tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy rừng

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Dương Mah Tiệp vừa ký Công điện số 01/CĐ-UBND về việc tăng cường các biện pháp cấp bách để phòng cháy, chữa cháy rừng trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Theo Công điện, hiện nay đã bước vào thời kỳ cao điểm của mùa khô 2023-2024, thời tiết trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp, nắng nóng kéo dài, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Hiện đã có 13/17 địa phương đang ở cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Để chủ động trong công tác phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR), giảm thiểu tối đa cháy rừng và thiệt hại do cháy rừng gây ra, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ngành, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tiếp tục chủ động thực hiện công tác PCCCR tại các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh về công tác PCCCR mùa khô 2023-2024. Thực hiện phương châm phòng là chính, chữa cháy phải kịp thời, triệt để và cần đặc biệt chú ý an toàn tính mạng con người và tài sản khi tham gia chữa cháy rừng; chủ động phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCCR, hạn chế thấp nhất về thiệt hại do cháy rừng gây ra.

Lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Nam

Lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Nam

Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (UBND cấp huyện) chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan chức năng trên địa bàn huyện và UBND các xã, đơn vị chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR; vận động, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, quản lý các hoạt động canh tác nương rẫy; kiểm tra, giám sát, hướng dẫn các hộ dân về kỹ thuật xử lý thực bì trong sản xuất nương rẫy không để xảy ra cháy lan vào rừng. Chỉ đạo các Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện đôn đốc các đơn vị chủ rừng, UBND các xã, các cộng đồng, hộ nhận khoán bảo vệ rừng và các đơn vị đứng chân trên địa bàn tăng cường các biện pháp PCCCR; quản lý chặt chẽ việc đốt thực bì để sản xuất nương rẫy, kiểm soát chặt chẽ người ra vào rừng; nghiêm cấm mọi hoạt động sử dụng lửa trong, gần rừng trong những ngày nắng nóng; chuẩn bị và sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy khi có xảy ra cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ vào những ngày nắng nóng, tổ chức tuần tra tại các khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra cháy rừng trên địa bàn; thường xuyên theo dõi, tiếp nhận và xử lý thông tin các điểm cháy trên hệ thống cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm (http://kiemlam.org.vn) và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để kiểm tra, xác minh, tổ chức chữa cháy kịp thời khi mới phát sinh; thực hiện nghiêm túc chế độ báo cáo về công tác PCCCR theo quy định. Chỉ đạo UBND cấp xã yêu cầu các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình trên địa bàn thông báo thời gian đốt xử lý thực bì trồng rừng và đốt nương làm rẫy cho UBND cấp xã, đơn vị chủ rừng ở gần biết để theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nhằm kiểm soát quá trình sử dụng lửa trong xử lý đốt thực bì; dừng ngay việc dùng lửa để xử lý thực bì và những hành vi dùng lửa khác có nguy cơ gây cháy rừng, đặc biệt là vào những ngày có dự báo nguy cơ cháy rừng ở cấp IV, cấp V. Khi có xảy ra cháy rừng trên địa bàn, chủ tịch UBND cấp huyện trực tiếp chỉ đạo và huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ để kịp thời chữa cháy rừng, hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản và tài nguyên rừng, đồng thời đảm bảo an toàn về tính mạng con người khi tham gia chữa cháy rừng. Chỉ đạo các ngành chức năng, chính quyền địa phương điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng vừa xảy ra trên địa bàn; kiên quyết xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm và làm rõ trách nhiệm quản lý của người đứng đầu khi để xảy ra cháy rừng.

Các lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Nam

Các lực lượng chức năng của tỉnh diễn tập phòng cháy chữa cháy rừng. Ảnh: Lê Nam

Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm chủ trì phối hợp với Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (Công an tỉnh) tiếp tục kiểm tra, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị chủ rừng thực hiện các biện pháp PCCCR; các đơn vị trực thuộc thực hiện các biện pháp an toàn về PCCCR, quản lý bảo vệ rừng, ngăn chặn các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng. Cung cấp số liệu cấp dự báo cháy rừng cho Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai để thông báo 2-3 lần/tuần trong suốt mùa khô 2023-2024. Theo dõi diễn biến tình hình thời tiết nắng nóng; thông tin kịp thời cấp dự báo cháy rừng để dự báo, cảnh báo cho các địa phương, chủ rừng các điểm cháy để kiểm tra, xác minh sớm điểm cháy rừng và tổ chức lực lượng chữa cháy hạn chế thấp nhất việc phát sinh vụ cháy rừng lớn trên địa bàn. Phối hợp với lực lượng liên ngành (Công an, Quân đội, Biên phòng) triển khai thực hiện hiệu quả quy chế phối hợp, tổ chức lực lượng, phương tiện, trang thiết bị PCCCR đảm bảo xử lý kịp thời các tình huống cháy rừng xảy ra. Chỉ đạo các đơn vị chủ rừng tăng cường các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng và PCCCR, bảo vệ tốt diện tích rừng được giao quản lý, nhất là đối với diện tích rừng trồng có nguy cơ xảy ra cháy cao; chuẩn bị lực lượng, dụng cụ, phương tiện theo phương án PCCCR của đơn vị; tăng cường công tác tuần tra, canh gác 24/24 giờ tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy, phát hiện sớm cháy rừng, kịp thời huy động lực lượng, phương tiện tại chỗ dập tắt cháy rừng ngay khi mới phát sinh trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra cháy lớn trên diện rộng. Thông tin ngay về Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện để kịp thời ứng cứu, chữa cháy kịp thời.

Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Chư Păh tổ chức đốt trước có điều khiển và làm đường ranh cản lửa để PCCCR. Ảnh: Lê Nam

Các đơn vị chủ rừng trên địa bàn huyện Chư Păh tổ chức đốt trước có điều khiển và làm đường ranh cản lửa để PCCCR. Ảnh: Lê Nam

Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT và các địa phương trong công tác PCCCR khi có yêu cầu. Công an tỉnh chỉ đạo Công an các địa phương phối hợp với cơ quan Kiểm lâm tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân các vụ cháy rừng xảy ra để xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật. Sở Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; kịp thời đưa thông tin về cảnh báo và dự báo cháy rừng nhằm nâng cao ý thức chấp hành nghiêm túc các quy định của Nhà nước cho toàn thể Nhân dân trong bảo vệ rừng và PCCCR. Đài Phát thanh-Truyền hình Gia Lai, Báo Gia Lai phối hợp chặt chẽ với Chi cục Kiểm lâm thường xuyên phát các bản tin về cảnh báo và cấp dự báo cháy rừng 2-3 lần/tuần trong suốt mùa khô 2023-2024; kịp thời đưa tin về công tác PCCCR trên địa bàn để nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng trong công tác PCCCR.

Thời gian qua, nhờ triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, tài nguyên rừng trên địa bàn lâm phần do ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được quản lý tốt hơn. Ảnh: Lê Nam

Thời gian qua, nhờ triển khai giao khoán bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư, tài nguyên rừng trên địa bàn lâm phần do ban Quản lý rừng phòng hộ Chư Sê được quản lý tốt hơn. Ảnh: Lê Nam

Các đơn vị chủ rừng thực hiện nghiêm túc trách nhiệm của chủ rừng về PCCCR theo quy định. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu; theo dõi và nắm chắc diện tích rừng và đất lâm nghiệp được giao quản lý; tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý bảo vệ rừng và PCCCR trên địa bàn, nhất là các khu vực trọng điểm và diện tích rừng trồng của đơn vị có nguy cơ xảy ra cháy cao. Triển khai các biện pháp bảo vệ rừng và PCCCR, phân công lực lượng trực 24/24 giờ trong những ngày cao điểm mùa khô tại cơ quan và vùng trọng điểm xảy ra cháy rừng; kiểm soát chặt chẽ người ra vào các khu rừng có nguy cơ cháy cao; sẵn sàng huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ chữa cháy rừng khi có cháy rừng xảy ra. Thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo cháy rừng trên hệ thống thông tin cảnh báo cháy sớm của Cục Kiểm lâm và hệ thống phát hiện sớm cháy rừng của tỉnh Gia Lai “Hotspot GLA”, “Gia Lai FFW” để phát hiện các điểm cháy nhằm kịp thời huy động lực lượng dập tắt đám cháy khi mới phát sinh, không để xảy ra cháy lớn; đồng thời, báo cáo ngay về Ban Chỉ huy PCCCR cấp huyện, cấp tỉnh để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng chữa cháy khi cần thiết.

Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các đơn vị chủ rừng chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh nếu để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không có biện pháp ngăn chặn, chữa cháy và báo cáo kịp thời.

Có thể bạn quan tâm

Hội nghị góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

(GLO)- Ngày 8-11, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Gia Lai tổ chức góp ý Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Hội nghị do PGS. TS Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì.

Lễ khánh thành lưới điện xã Tơ Tung đưa điện về quê hương Anh hùng Núp (ảnh ông Nguyễn Quang Hiền cung cấp).

Chuyện đưa điện lưới về làng Anh hùng Núp

(GLO)- Được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, diện mạo làng Stơr (xã Tơ Tung, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) ngày càng khởi sắc. Một trong những yếu tố then chốt làm nên sự “thay da đổi thịt” trên quê hương Anh hùng Núp chính là quyết tâm đưa điện lưới quốc gia đến với Stơr từ năm 1996 của UBND tỉnh.

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

Kbang chú trọng gìn giữ, bảo vệ môi trường

(GLO)- Cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, chỉ đạo triển khai thực hiện thu gom, xử lý rác thải đảm bảo quy định, huyện Kbang cũng đã ưu tiên nguồn lực cho công tác bảo vệ môi trường (BVMT), góp phần gìn giữ cảnh quan môi trường xanh-sạch-đẹp.

Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh diễn ra vô cùng hấp dẫn. Ảnh: PHẠM QUÝ

Hội tụ bản sắc văn hóa vùng biên

(GLO)- Qua 5 lần tổ chức, Hội đua thuyền độc mộc trên sông Pô Cô tranh cúp A Sanh và Liên hoan văn hóa cồng chiêng huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) đã trở thành sự kiện tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa đặc trưng của vùng đất nơi biên cương Tổ quốc.