Tài sản của ông chủ Golf Long Thành, DN góp 500 tỷ cho quỹ vaccine "khủng" cỡ nào?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành do ông Lê Văn Kiểm làm Chủ tịch HĐQT hiện đang sở hữu hàng nghìn hecta đất và nhiều dự án bất động sản, sân golf, nghỉ dưỡng quy mô lớn trong và ngoài nước. Đây cũng là doanh nghiệp có đóng góp lớn nhất cho quỹ vaccine với số tiền lên tới 500 tỷ đồng.

Tối 5/6, Quỹ vaccine phòng, chống Covid-19 chính thức ra mắt tại Hà Nội. Tính tới thời điểm đó, tổng số tiền liên quan tới vaccine của các tổ chức và doanh nghiệp ủng hộ vào quỹ đã lên tới 8.632,33 tỷ đồng.

Nổi bật trong bảng xếp hạng là "quán quân" Golf Long Thành, với số tiền ủng hộ lên tới 500 tỷ đồng, xếp trên cả những ông lớn như Viettel hay Vingroup.

 

"Vượt mặt" nhiều đại gia, Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm là doanh nghiệp có mức đóng góp lớn nhất cho quỹ vaccine trong ngày ra mắt 5/6 (Ảnh IT)
"Vượt mặt" nhiều đại gia, Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm là doanh nghiệp có mức đóng góp lớn nhất cho quỹ vaccine trong ngày ra mắt 5/6 (Ảnh IT)


Khối tài sản "khủng" của ông chủ Golf Long Thành Lê Văn Kiểm

Ngay lập tức, thông tin về Cựu chiến binh Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất trên mạng xã hội.

Ông Lê Văn Kiểm sinh năm 1945 tại Thừa Thiên - Huế. Chưa đầy 1 tuổi ông đã theo cha mẹ lên chiến khu sống trong đơn vị bộ đội. Năm 1971, ông tình nguyện nhập ngũ. Đến năm 1973, ông được chuyển sang ngành giao thông và ông tình nguyện xin về công tác tại chiến trường B2 và công tác tại Ban Giao thông Trung ương cục miền Nam đóng tại Tây Ninh.

Ông là một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980, khi ông đã bán chiếc xe Honda 2 bánh trị giá khoảng một lượng vàng để mua môtơ, chế máy xay làm thức ăn gia súc. Và sự nghiệp kinh doanh của ông Kiểm cũng bắt đầu từ đây.

Năm 1990, ông Kiểm thành công với thương hiệu Công ty may Huy Hoàng.

Thời điểm đó, Huy Hoàng là công ty tư nhân lớn nhất Việt Nam.

Tuy nhiên, đến năm 1997, giữa khủng hoảng kinh tế châu Á, công ty may mặc của ông Lê Văn Kiểm lâm vào tình trạng hết sức khó khăn. Ông đã viết tâm thư xin Chính phủ cho giãn nợ để củng cố sản xuất, giữ vững việc làm cho hàng nghìn lao động đồng thời đảm bảo trả được khoản nợ 700 tỷ đồng.

Năm 2001, ông Kiểm quyết định xây dựng sân golf Long Thành với kinh phí đầu tư trên 600 tỷ đồng, diện tích 340 ha. Đây là sân golf đầu tiên của Việt Nam hoàn toàn do người Việt tự quy hoạch, thiết kế, thi công xây dựng và quản lý điều hành đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Đáng chú ý, Golf Long Thành hiện có vốn điều lệ 6.379 tỷ đồng, toàn bộ cổ phần so gia đình ông Lê Văn Kiểm nắm giữ, riêng ông sở hữu 89,2%.


 

Sân Golf Long Thành được bình chọn là sân đẹp nhất, tốt nhất ở Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp của Châu Á. (ảnh IT)
Sân Golf Long Thành được bình chọn là sân đẹp nhất, tốt nhất ở Việt Nam và là một trong những sân golf đẹp của Châu Á. (ảnh IT)


Những năm cuối của thập niên 2010, công ty của ông Kiểm kết hợp cùng những tên tuổi lớn trong ngành bất động sản của Singapore như Keppel Land, CapitaLand và Maeda đến từ Nhật Bản đầu tư xây dựng hàng loạt dự án nổi bật để lại dấu ấn mạnh mẽ ở quận 2 như Khu biệt thự cao cấp Riviera, các khu căn hộ cao cấp The Vista An Phú, Vista Verde, Feliz en Vista, Waterina Suites.

Tại Lào, Công ty TNHH Tập đoàn KN Viêng Chăn (thành viên của Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành) đầu tư vào hoạt động lĩnh vực khai khoáng, bất động sản.

Công ty đã tiến hành đầu tư một "siêu dự án" phát triển sân golf, khách sạn 5 sao và khu biệt thự cao cấp ở Đông Phô Si, Viêng Chăn. Thời hạn đầu tư của dự án kéo dài 99 năm, kể từ năm 2008.

Trong vài năm trở lại, Long Thành Golf đẩy mạnh phát triển năng lượng mặt trời, với công ty con Công ty TNHH Đầu tư & Phát triển Điện mặt trời KN Vạn Ninh (vốn 500 tỷ đồng) cùng 2 công ty liên kết là CTCP Cam Lâm Solar (vốn 280 tỷ đồng) và CTCP Điện mặt trời KN Cam Lâm (vốn 222 tỷ đồng).

Golf Long Thành đầu tư nắm 20% cổ phần tại các công ty Cam Lâm Solar và Điện mặt trời KN Cam Lâm, chủ đầu tư của dự án điện mặt trời Cam Lâm 100 MW khánh thành tháng 7/2019.

Năm 2020, Golf Long Thành đề xuất đầu tư dự án điện mặt trời nổi Sêrêpốk 3 (Đăk Lăk) công suất 380 MW, tổng mức đầu tư hơn 6.200 tỷ đồng.

Mới đây, công ty của ông Lê Văn Kiểm cũng được tỉnh Kon Tum chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện mặt trời nổi Ialy Kon Tum, công suất thiết kế 200 MW và tổng mức đầu tư dự kiến 4.100 tỷ đồng.

Đầu tháng 6/2021, UBND tỉnh Gia Lai cũng vừa có quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời KN Ialy - Gia Lai công suất 500MW với tổng kinh phí hơn 9.559 tỷ đồng.

 

Cựu chiến binh Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Ảnh: IT)
Cựu chiến binh Anh hùng Lao động Lê Văn Kiểm - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành (Ảnh: IT)


Theo Forbes Việt Nam, gia đình ông Lê Văn Kiểm có hơn 10 công ty, sở hữu nhiều dự án bất động sản khủng ở các khu đắc địa từ TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu, Đà Lạt…tổng diện tích đất lên đến hàng nghìn hecta.

Ngoài vai trò là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Golf Long Thành, ông Kiểm hiện còn đang giữ chức Chủ tịch Hiệp hội doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam; Chủ tịch HĐQT Tập đoàn KN và Đặc khu kinh tế Long Thành – Viêng Chăn (Lào).


Golf Long Thành kinh doanh thế nào?

Năm 2018, tập đoàn của gia đình ông Lê Văn Kiểm đạt doanh thu 487 tỷ đồng, giảm mạnh so với năm 2017 (622 tỷ đồng), dẫn tới khoản lỗ sau thuế 16,3 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh của Golf Long Thành khá biến động: năm 2017 báo lãi 167,2 tỷ đồng, trong khi năm 2016 lại lỗ (công ty mẹ) 13,1 tỷ đồng.

Còn theo báo cáo hợp nhất năm 2019, Golf Long Thành của ông Lê Văn Kiểm có tổng tài sản hơn 21.800 tỷ đồng, ghi nhận doanh thu đạt 609 tỷ, tăng 15% so với cùng năm trước; lãi gộp là 319 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi gộp đạt 52%. Công ty của ông Kiểm báo lãi 93 tỷ đồng.

 

https://danviet.vn/tai-san-cua-ong-chu-golf-long-thanh-dn-gop-500-ty-cho-quy-vaccine-khung-co-nao-20210607123732394.htm

Theo N.Minh (t/h/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.