“Suối đàn t’rưng”: Trọn tình yêu với Tây Nguyên

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Vì yêu Tây Nguyên nên các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã lần đầu tiên đến với TP. Pleiku (tỉnh Gia Lai) trong một chương trình đậm màu tri ân dành cho cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr-người mang tiếng đàn t’rưng ra thế giới.
“Suối đàn t’rưng”-chương trình nghệ thuật đặc biệt do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên

“Suối đàn t’rưng”-chương trình nghệ thuật đặc biệt do Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam phối hợp tổ chức tại Gia Lai. Ảnh: Phương Duyên

Tiếng vỗ tay vang lên không ngớt tại khán phòng Nhà Thiếu nhi TP. Pleiku đã nói lên sự xúc động mạnh mẽ của đông đảo khán giả khi lần đầu tiên được thưởng thức bản hòa ca của tre nứa với các nhạc cụ dân tộc Việt Nam tại đêm diễn mang chủ đề “Suối đàn t’rưng”.

Đến dự chương trình có Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trương Hải Long; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Pleiku Trịnh Duy Thuân; các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Thị Thanh Lịch, Nguyễn Hữu Quế; Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng cùng khán giả yêu nghệ thuật.

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: Phương Duyên

Lãnh đạo tỉnh tặng hoa cho các nghệ sĩ tham gia chương trình. Ảnh: Phương Duyên

Phát biểu chào mừng, Chủ tịch UBND TP. Pleiku Đỗ Việt Hưng bày tỏ sự trân quý khi được thưởng thức các tiết mục âm nhạc đặc sắc, được biểu diễn bởi các nghệ sĩ nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc với ý nghĩa tri ân cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr (xã Chư Mố, huyện Ia Pa, tỉnh Gia Lai), người đầu tiên đã mang cây đàn t’rưng từ buôn làng xuống đồng bằng và biểu diễn tại hơn 30 nước trên thế giới.

“Xin trân trọng cảm ơn các vị lãnh đạo, các giảng viên và nghệ sĩ của Dàn nhạc Dân tộc-Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam đã vượt đường xa đến với Pleiku thực hiện chương trình nghệ thuật “Suối đàn t'rưng”. Chúng tôi mong rằng, bà con các dân tộc tỉnh Gia Lai nói chung và TP. Pleiku nói riêng sẽ tiếp tục có nhiều dịp được thưởng thức các chương trình văn hóa độc đáo”-Chủ tịch UBND TP. Pleiku nhấn mạnh.

Nói “Suối đàn t’rưng” là một chương trình nghệ thuật đặc biệt là hoàn toàn xứng đáng, bởi tham gia chương trình có đến 6 Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), 12 Nghệ sĩ Ưu tú, 1 Nghệ nhân Ưu tú cùng hàng chục nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Có tổng cộng 10 chiếc đàn t’rưng và một dàn nhạc cụ dân tộc đồ sộ gồm: tỳ bà, sáo trúc, đàn bầu, đàn nhị, đàn tranh, trống… đã được vận chuyển từ Hà Nội vào Pleiku với mong muốn mang đến cho khán giả nơi đây một bữa tiệc âm nhạc độc đáo với chất lượng nghệ thuật cao nhất.

Phần trình diễn như có lửa của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) ở đầu chương trình. Ảnh: Phương Duyên

Phần trình diễn như có lửa của Nghệ nhân Ưu tú Rơ Chăm Tih (xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai) ở đầu chương trình. Ảnh: Phương Duyên

Đúng như chia sẻ của NSND Nguyễn Thị Hoa Đăng-Phó Trưởng khoa Âm nhạc truyền thống (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), Tổng đạo diễn chương trình, đêm diễn được tổ chức vừa nhằm tri ân một nghệ sĩ tài hoa của buôn làng, vừa tôn vinh âm nhạc, văn hóa Tây Nguyên. Tổng cộng 13 tiết mục đều lấy tiếng đàn t’rưng làm chủ đạo, từ độc tấu, song tấu đến hòa tấu cùng phần bổ trợ của các nhạc cụ dân tộc Việt Nam.

Âm hưởng Tây Nguyên “chiếm lĩnh” toàn bộ cảm xúc thông qua các tác phẩm: Tắc kè tháng Năm; Chiến thắng Chư Păh; Suối đàn t’rưng; Trở về Tây Nguyên; Vũ khúc Tây Nguyên; Mùa hái quả; Tây Nguyên chào mặt trời; Tổ khúc Tây Nguyên… Suối âm thanh lúc thả từng giọt như suối reo, khi dạt dào như thác đổ đã chinh phục hoàn toàn khán giả, kể cả những người từng nghĩ rằng mình đã quá hiểu về thanh âm của loại nhạc cụ sinh ra từ tre nứa.

NSND Rơ Chăm Phiang khoe chất giọng soprano trong sáng, tinh tế với ca khúc "Đàn t'rưng". Ảnh: Phương Duyên

NSND Rơ Chăm Phiang khoe chất giọng soprano trong sáng, tinh tế với ca khúc "Đàn t'rưng". Ảnh: Phương Duyên

Và, quả là một trải nghiệm đặc biệt khi những ca khúc xen kẽ giữa chương trình cũng được tôn lên bởi t’rưng và dàn nhạc dân tộc. Đó là “họa mi của núi rừng Tây Nguyên”-NSND Rơ Chăm Phiang với “Đàn t’rưng”, “Cánh chim báo tin vui”; nghệ sĩ Bích Hồng với “Tình ca Tây Nguyên”, ”Sông Đăk Rông mùa xuân về”.

Chưa hết, cho đến khi bản Czardas kinh điển (V. Monti) được diễn tấu cực kỳ tài tình trên t’rưng thì ranh giới giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, hàn lâm và dân gian hoàn toàn bị xóa nhòa. Theo NSND Hoa Đăng, chính sự kỳ diệu của những thanh âm trong trẻo của t’rưng đã khiến nhạc cụ này luôn là lựa chọn đầu tiên tại chương trình biểu diễn phục vụ nguyên thủ các quốc gia trong những chuyến thăm, làm việc của Đảng và Nhà nước ta nhiều năm qua.

NSND Hoa Đăng-Tổng đạo diễn chương trình-trong một tiết mục biểu diễn đàn t'rưng. Ảnh: Phương Duyên

NSND Hoa Đăng-Tổng đạo diễn chương trình-trong một tiết mục biểu diễn đàn t'rưng. Ảnh: Phương Duyên

Chương trình còn có phần giao lưu hết sức thú vị với gia đình cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr; phần chia sẻ NSND Đỗ Lộc, NSND Hoa Đăng, nhạc sĩ Hữu Xuân về những nghiên cứu cải tiến đàn t’rưng, các sáng tác dành cho loại nhạc cụ độc đáo này cũng như cơ duyên gắn bó. Những chia sẻ ấy giúp người xem có những hình dung rõ nét hơn về “tầm vóc” của loại nhạc cụ thấm đẫm nét hoang sơ, thấm đẫm văn hóa dân tộc.

Bên dưới hàng ghế khán giả, chị Hoàng Thị Thương Thương (33 Bùi Đình Túy, TP. Pleiku) cho hay, chị không khỏi choáng ngợp trước quy mô và chất lượng của chương trình nghệ thuật “Suối đàn t’rưng” lần này. “Tôi đi cùng cả gia đình vì muốn giới thiệu cho con biết về các loại nhạc cụ dân tộc và những loại hình nghệ thuật như thế này. Chương trình mang đến cho khán giả rất nhiều cảm xúc, như được trở về giữa thiên nhiên”-chị Thương chia sẻ.

Các khách mời chia sẻ kỷ niệm với cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr và các kinh nghiệm cải tiến đàn t'rưng. Ảnh: Phương Duyên

Các khách mời chia sẻ kỷ niệm với cố Nghệ sĩ Ưu tú Nay Pharr và các kinh nghiệm cải tiến đàn t'rưng. Ảnh: Phương Duyên

Lặng lẽ thưởng thức các tiết mục trong say mê, nhạc sĩ Ngọc Tường-nguyên Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc tổng hợp Đam San-bày tỏ niềm xúc động sâu sắc trước một chương trình mà ông cho rằng rất hiếm có ở Gia Lai. “Chưa tính nghệ sĩ diễn tấu đàn t’rưng, chỉ riêng dàn nhạc đệm đã có tới trên 30 biên chế. Đông đảo là vậy nhưng từng nốt vang lên trong hàng triệu nốt nhạc đều được hòa âm phối khí kỹ càng, để mỗi một âm thanh đều bật lên song vẫn làm nên sự hài hòa trong tổng thể”-ông đánh giá từ góc độ chuyên môn.

Nhạc sĩ của những bài tình ca cao nguyên chia sẻ thêm: “Lãnh đạo tỉnh, thành phố quan tâm đến âm nhạc Tây Nguyên và mời được những nghệ sĩ, ca sĩ như thế này là hết sức đáng quý. Các nghệ sĩ từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh lặn lội đến đây để vinh danh giúp chúng ta một Nghệ sĩ Ưu tú của núi rừng, điều ấy lại càng đáng quý hơn”.

Có thể bạn quan tâm

Nồng nàn phố

Nồng nàn phố

(GLO)- Tiết trời đã bắt đầu chuyển sâu vào hạ. Những đợt nắng nóng nối nhau làm cho cả con người lẫn cỏ cây “khó ở”.
Phố khuya

Phố khuya

(GLO)- Thỉnh thoảng có việc ra ngoài, trở về nhà khi trời đã ngả dần về khuya, tôi thường chạy xe thật chậm. Dường như những lúc đó, luôn có một lý do níu tôi chậm lại để quan sát một đời sống khác, khi phố đã vào đêm.
Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

Xáo chuối: Món ăn nhớ về lịch sử

(GLO)- Trong hầu hết mâm cỗ cúng đình miếu ở vùng An Khê và Đak Pơ (tỉnh Gia Lai) đều có món xáo chuối. Đây là món đạm bạc nhưng lại hàm ẩn nhiều giá trị lịch sử và nhân văn mà người dân nơi đây muốn gửi gắm, trao truyền cho các thế hệ sau.
Phát triển văn hóa đọc

Phát triển văn hóa đọc

(GLO)- Trước sự chi phối mạnh mẽ của các loại hình giải trí cùng nhiều thiết bị công nghệ, việc “cạnh tranh” để xây dựng chỗ đứng nhất định của sách và văn hóa đọc trong đời sống là không hề dễ dàng.

Phố hoa

Phố hoa

(GLO)- Pleiku những ngày chớm hạ đủ sắc hoa rực rỡ, từ hoa dầu, hoa giấy đến bằng lăng, muồng hoàng yến, điệp vàng, phượng tím...