(GLO)- Buổi tọa đàm "Giải bài toán phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn" diễn ra ngày 30-8 do Tạp chí điện tử Môi trường và Cuộc sống (Hội Nước sạch và môi trường Việt Nam) tổ chức tại Hà Nội. Các nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến thực trạng phân loại rác thải sinh hoạt tại nguồn ở nước ta.
Quang cảnh buổi toạ đàm. Ảnh: Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống |
Thông tin từ Tổng cục Môi trường cho biết, mỗi ngày cả nước thải hơn 60 ngàn tấn rác thải sinh hoạt, trong đó, khu vực đô thị chiến 55%, nông thôn 45%; 13% rác thải được đốt, 16% chế biến, khoảng 71% chôn lấp.
Để thực thi Luật Bảo vệ môi trường, Nghị định 45/NĐ-CP ngày 7-7-2022 quy định về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, hộ gia đình, cá nhân không phân loại chất thải rắn sinh hoạt và không sử dụng bao bì chứa chất thải đó theo quy định bị phạt tiền từ 500 ngàn đồng đến 1 triệu đồng, quy định này áp dụng từ ngày 1-1-2025.
Trong khoản 1 điều 75 Luật Bảo vệ môi trường, quy định rác thải chia làm 3 loại: chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Ngày 10-1-2022, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã ban hành Thông tư 02/2022/TT-BTNMT quy định chi tiết thi hành một số điều của của Luật Bảo vệ môi trường, trong đó có nội dung các địa phương vận dụng phù hợp đối với quy định về vận chuyển, thu gom rác thải rắn sinh hoạt.
Luật cũng quy định rõ trách nhiệm cấp tỉnh về phân loại rác thải tại nguồn, thực hiện phù hợp với hạ tầng kỹ thuật, do đó các địa phương phải chủ động và có lộ trình thực hiện sớm. Các địa phương có thể quy định người dân sử dụng bao bì đảm bảo yêu cầu, màu sắc để chứa chất thải rắn sinh hoạt. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã lấy ý kiến từ 30 địa phương và dựa vào đó để xây dựng tiêu chí hướng dẫn chung cho các địa phương. Bộ cũng phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo truyên truyền đưa phân loại rác vào trường học.
THẤT SƠN(theo TTXVN, Tạp chí điện tử Môi trường và cuộc sống)