Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp:

Sớm xây dựng thương hiệu “Kon Hà Nừng-Gia Lai”

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sáng 18-10, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tổ chức hội nghị đánh giá tình hình hoạt động công tác 9 tháng và định hướng 3 tháng cuối năm 2024; đồng thời xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND huyện và Hội đồng Tư vấn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, Hội động vật học FrankFurt tại Việt Nam.

pho-chu-tich-ubnd-tinh-duong-mah-tiep-5765.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng chủ trì hội nghị đánh giá tình hình hoạt động công tác 9 tháng và định hướng 3 tháng cuối năm 2024. Ảnh: Minh Phương

Thời gian qua, Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng đã chủ động, tích cực triển khai làm tốt công tác tuyên truyền, hưởng ứng phong trào bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, quảng bá về Khu dự trữ sinh quyển cho cộng đồng, các tầng lớp nhân dân, góp phần nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Kịp thời phối hợp với các sở, ngành tham mưu xử lý các văn bản liên quan đến hoạt động của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng.

Đáng chú ý, các cơ quan báo, đài địa phương đã thực hiện được 135 tin, bài, phóng sự tuyên truyền, quảng bá về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Cùng với đó, UBND các huyện Mang Yang, Đăk Đoa, Đăk Pơ, Kbang đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, đơn vị chủ rừng tổ chức 130 đợt tuyên truyền lồng ghép với công tác quản lý bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng thu hút 9.343 lượt người tham gia.

ngo-van-thang-4075.jpg
Ông Ngô Văn Thắng-Giám đốc Vườn quốc gia Kon Ka Kinh báo cáo một số nhiệm vụ liên quan đến hoạt động bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học tại khu vực vùng lõi Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Minh Phương

Bên cạnh đó, các hoạt động quản lý, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học thường xuyên được chính quyền địa phương triển khai bằng nhiều giải pháp như: kiểm tra, giám sát, ghi nhận sự biến động về rừng, các loài động thực vật trên địa bàn được giao quản lý; khoanh nuôi, xúc tiến tái sinh rừng, quản lý chặt chẽ diện tích rừng tự nhiên hiện có, bảo vệ môi trường sống cho các loài động vật hoang dã, bảo vệ các nguồn gen động, thực vật đặc hữu và quý hiếm.

Đặc biệt, sau khi được công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học đã được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của các tổ chức, nhà khoa học tham gia nghiên cứu nhằm giúp bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu hiện có. Phối hợp với các sở, ngành, trung tâm nghiên cứu, trường đại học và tổ chức Hội động vật học Frankfurt tại Việt Nam triển khai thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu khoa học nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và nâng cao đời sống cộng đồng dân cư vùng đệm. Xây dựng, điều chỉnh đề án phát triển du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

nguyen-danh-1073.jpg
PGS.TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng tham gia góp ý tại hội nghị. Ảnh: Minh Phương

Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở ngành, địa phương và các tổ chức liên quan đã thảo luận, góp ý nhiều nội dung như: Hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học; tiến độ xây dựng các Đề án du lịch sinh thái; kế hoạch, chương trình, dự án, chiến lược phát triển có liên quan đến lĩnh vực văn hóa, du lịch; các nhiệm vụ nghiên cứu, phát triển dược liệu; xây dựng, đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Kon Hà Nừng-Gia Lai”, định hướng bảo tồn và hợp tác quốc tế của Khu dự trữ sinh quyển trong thời gian đến.

Mặt khác, các đại biểu tập trung lãm rõ các khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ; đồng thời đề xuất các giải pháp, kế hoạch cụ thể có tính khả thi cao để phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của Khu dự trữ sinh quyển cho phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp-Trưởng ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng ghi nhận nỗ lực, cố gắng của các đơn vị, địa phương trong tổ thực hiện nhiệm vụ được giao.

aa3-9956.jpg
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Mah Tiệp đề nghị Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch sớm tổ chức cuộc thi thiết kế Biểu tượng (Logo) và Khẩu hiệu (Slogan) về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng. Ảnh: Minh Phương

Để phát huy hơn nữa vai trò, chức năng của Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị cơ quan thường trực Ban Quản lý Khu dự trữ sinh quyển tiếp thu các ý kiến tham luận, phát biểu tại hội nghị để bổ sung, hoàn thiện dự thảo báo cáo và Kế hoạch hoạt động năm 2025 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.

Phối hợp các sở, ban, ngành chức năng, các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng các chương trình, kế hoạch, thu hút các nguồn tài trợ hợp pháp nhằm thực hiện tốt công tác bảo tồn và tăng cường phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao mức sống của người dân trong vùng chức năng của Khu dự trữ theo hướng phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu các thành viên Ban Quản lý theo chức năng, nhiệm vụ đã được phân công tổ chức cuộc thi thiết kế Biểu tượng (Logo) và Khẩu hiệu (Slogan) về Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cao nguyên Kon Hà Nừng; xây dựng thương hiệu, đăng ký bảo hộ và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Kon Hà Nừng-Gia Lai” cho các sản phẩm, dịch vụ du lịch thuộc Khu dự trữ sinh quyển; đồng thời đẩy nhanh tiến độ xây dựng các Đề án du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng.

Mặt khác, UBND các huyện: Chư Păh, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang và thị xã An Khê theo địa bàn quản lý thực hiện tốt công tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên; khôi phục và bảo tồn, phát huy văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ; phát triển du lịch sinh thái; nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm, vùng chuyển tiếp của Khu dự trữ sinh quyển.

Có thể bạn quan tâm