Sở Kế hoạch và Đầu tư đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh nhà

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Cùng với lịch sử 75 năm xây dựng, phát triển của ngành Kế hoạch và Đầu tư, 45 năm qua, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Gia Lai đã vượt qua muôn vàn khó khăn để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội tỉnh nhà.
 

Trách nhiệm nặng nề

Sau ngày giải phóng, nền kinh tế của tỉnh có xuất phát điểm thấp, sản xuất nông nghiệp theo phương thức tự cung tự cấp, cơ sở công nghiệp hầu như chưa có gì, hệ thống dịch vụ chủ yếu phục vụ cho bộ máy chiến tranh. Toàn tỉnh có hơn 50 vạn người phải cứu đói, 95% dân số mù chữ, cơ sở vật chất, kỹ thuật thấp kém; tình hình an ninh chính trị phức tạp. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy và điều hành của UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành hoạch định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (1976-1980) để phục vụ cho Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ VI và cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm cho phù hợp với thực tiễn trong giai đoạn này.

 Sở Kế hoạch và Đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Eurowindow Holding. Ảnh: Hà Duy
Sở Kế hoạch và Đầu tư ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty cổ phần Eurowindow Holding. Ảnh: Hà Duy


Trong điều kiện kinh tế-xã hội còn khó khăn, đội ngũ cán bộ làm công tác kế hoạch thiếu và yếu, nhưng với sự nỗ lực vừa làm, vừa điều tra cơ bản, vừa quy hoạch, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đã góp phần quan trọng, làm cơ sở cho việc xác định chủ trương và chỉ đạo thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm (1976-1980) và những năm tiếp theo.

“Thời kỳ 1981-1985, tỉnh ta tiến hành xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm lần thứ II. Ngoài ra, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội cho 13 huyện, thị xã; lập 10 sơ đồ phát triển ngành và xây dựng sơ đồ phát triển và phân bổ lực lượng sản xuất đến năm 2000. Sơ đồ là căn cứ khoa học để Tỉnh ủy và UBND tỉnh quyết định nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong việc chỉ đạo phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống nhân dân trong thời kỳ này”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết.

Trong 45 năm qua, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển chung. Xuất phát từ sản xuất nông nghiệp là chủ yếu, đến nay, Gia Lai có nền kinh tế phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế và lao động chuyển dịch theo hướng tiến bộ, xây dựng nông thôn mới đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt bình quân 7,55%, vượt 0,05% so với chỉ tiêu Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đề ra. GRDP theo giá hiện hành đạt 80.000 tỷ đồng, gấp 1,63 lần so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 51,9 triệu đồng, tăng 1,51% so với năm 2015.

Năng động, sáng tạo

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành nhận định: “Dấu ấn quan trọng nhất trong công tác xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội là huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng, đáp ứng yêu cầu phát triển. Đến nay, mạng lưới giao thông đường bộ đã thông suốt với chiều dài 12.183 km gồm 6 tuyến quốc lộ, 10 tuyến tỉnh lộ, đường đô thị, đường huyện, đường xã, đường thôn và đường chuyên dùng. Hạ tầng thương mại được đầu tư và phát triển phù hợp với quy hoạch, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân trên địa bàn tỉnh với 93 chợ, 19 siêu thị. Trên địa bàn tỉnh hiện có 2 tổng đại lý kinh doanh xăng dầu, 2 nhà phân phối xăng dầu và 367 cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Hạ tầng thông tin và truyền thông phục vụ công tác quản lý nhà nước được quan tâm đầu tư đồng bộ từ cấp tỉnh đến cấp xã theo đúng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh đã được phê duyệt”.

 Cán bộ, công nhân viên chức Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy
Cán bộ, công nhân viên chức Sở Kế hoạch và Đầu tư. Ảnh: Hà Duy

Ngày 31-12-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ký Sắc lệnh số 78-SL thành lập Ủy ban Nghiên cứu kế hoạch kiến thiết-tiền thân của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hiện nay. Kể từ đó, ngày 31-12 hàng năm trở thành ngày truyền thống của ngành Kế hoạch và Đầu tư.
 

Sự thay đổi về hạ tầng kinh tế-xã hội là động lực để Gia Lai trở thành điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư. Trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã thu hút 515 dự án với tổng vốn đăng ký là 832.925 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2020, tiềm năng về lĩnh vực năng lượng tái tạo đã được đánh thức với 17 dự án, công suất 1.242,2 MW, tổng vốn 43.192 tỷ đồng được quyết định chủ trương đầu tư và 81 dự án điện gió với công suất 10.790,7 MW, 14 dự án điện mặt trời với công suất 1.354 MW đang trình Trung ương xem xét bổ sung quy hoạch.

Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Tuấn-Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh-nhận xét: “Ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh đóng góp rất lớn trong công tác tham mưu cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, thể hiện ở vị trí trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) tăng qua từng năm. Với cách làm công khai, minh bạch, thủ tục đơn giản, thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được rút ngắn hơn nhiều so với luật định. Tất cả những nỗ lực này đã giúp cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, nhanh chóng hơn”.

Đồng hành cùng sự phát triển của tỉnh, ngành Kế hoạch và Đầu tư luôn nỗ lực, cố gắng, đi tiên phong, năng động, sáng tạo, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Với những nỗ lực đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư được Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng nhất, nhiều bằng khen, cờ luân lưu của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và UBND tỉnh. Song, có lẽ phần thưởng cao quý nhất đối với ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh là tốc độ phát triển vượt bậc của tỉnh trong suốt 45 năm qua.

Trong 5 năm đến, Gia Lai tiếp tục đổi mới để trở thành trung tâm khu vực Bắc Tây Nguyên và vùng động lực trong Tam giác phát triển Campuchia-Lào-Việt Nam; xây dựng TP. Pleiku là một trong những đô thị hạt nhân trong tam giác phát triển theo hướng đô thị thông minh với tính chất đô thị là cao nguyên xanh, vì sức khỏe con người; phấn đấu tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) đạt bình quân 8,6%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt 79,5 triệu đồng.

Để góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu đã đề ra, thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu năm 2025 đứng trong tốp 20 PCI cả nước. Đồng thời, Sở cũng sẽ tham mưu giúp UBND tỉnh đa dạng hóa các hình thức kêu gọi đầu tư và các lĩnh vực đầu tư, trong đó chú trọng các lĩnh vực: nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, năng lượng tái tạo, cơ sở hạ tầng và du lịch.

Với quyết tâm thắp sáng ngọn lửa đổi mới, dũng cảm vượt qua chính mình, hiện thực hóa mục tiêu phát triển tỉnh nhà, đổi mới sáng tạo, kiến tạo và phát triển, cống hiến và không ngừng củng cố phát huy sự đoàn kết, bản lĩnh và trí tuệ, ngành Kế hoạch và Đầu tư tỉnh sẽ đồng hành cùng tỉnh nhà trên con đường vươn đến những tầm cao mới.

 

HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.