Sau khi bị "cấm cửa"trở lại TrungNguyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo ... phản pháo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Không chỉ gửi đơn yêu cầu Cục Thi hành án Dân Sự TP.HCM tổ chức thi hành án và đề nghị hình sự hóa các hành vi cản trở, bà Lê Hoàng Diệp Thảo lập tức yêu cầu kiểm toán độc lập Tập đoàn Trung Nguyên trước khi bà chính thức trở lại điều hành sau một thời gian vắng mặt ngoài ý muốn...
Đơn yêu cầu thi hành án của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Ảnh: Q.H)
Đơn yêu cầu thi hành án của bà Lê Hoàng Diệp Thảo (Ảnh: Q.H)
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực của Công ty CP Tập đoàn Trung Nguyên, đồng thời là vợ của ông Đặng Lê Nguyên Vũ, khẳng định không một ai từ phía Tập đoàn Trung Nguyên có quyền bãi nhiệm bà lần nữa, sau khi bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân cấp cao tại TP.HCM được tuyên vào ngày 20.9.2018, khôi phục chức danh Phó Tổng giám đốc thường trực tại Tập đoàn Trung Nguyên của bà.
Đồng thời, bà cũng lên tiếng tố cáo nhóm thao túng lộng quyền hoành hành dữ dội tại Tập đoàn Trung Nguyên, cũng như yêu cầu các cơ quan luật pháp bảo vệ gia đình bà (bao gồm bà, chồng bà - ông Đặng Lê Nguyên Vũ và 4 người con), bảo vệ việc làm cho hàng ngàn người lao động, bảo vệ thương hiệu Quốc gia.
Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ là vợ chồng và có cùng nhau 4 người con. Hai vợ chồng đã cùng nhau sáng lập, quản lý điều hành và tạo lập nên thương hiệu cà phê Trung Nguyên với Tập đoàn Trung Nguyên và các Công ty trực thuộc như hiện nay. Trong suốt 20 năm điều hành, bà là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Tập Đoàn Trung Nguyên và là Tổng giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật tại các công ty con trực thuộc.
“Trong thời gian đảm trách vai trò Phó Tổng giám đốc thường trực của Tập đoàn Trung Nguyên, tôi là người duy nhất thay mặt ông Vũ thực hiện việc quản lý điều hành Tập đoàn Trung Nguyên, cụ thể: Ký duyệt tất cả các hồ sơ, văn bản, quyết định, hợp đồng, tài liệu giao dịch của Công ty thuộc phạm vi trách nhiệm, quyền hạn của Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc – Người đại diện pháp luật của Công ty; Ký duyệt tất cả các tờ khai, quyết toán thuế, báo cáo, thông báo, văn bản giải trình và các văn bản khác liên quan đến thuế trước khi nộp cho cơ quan Thuế của Công ty; Ký duyệt tất các các giấy tờ, văn bản giao dịch với Ngân hàng, nhân danh và thông qua tài khoản Ngân hàng của Công ty”, bà Diệp Thảo thông tin.
Tuy nhiên, kể từ khi phiên tòa phúc thẩm ngày 20.9.2018 tuyên án đến nay, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn đang bị “cấm cửa” trở lại điều hành Tập đoàn Trung Nguyên (Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án) bằng một số biện pháp như: ngăn cản không cho bà bước chân vào trụ sở Tập đoàn, tiếp tục ra quyết định bãi nhiệm trái pháp luật và ra một thông cáo báo chí có tính chất bôi nhọ, công kích cá nhân không có cơ sở...
Cụ thể, theo trình bày của bà Diệp Thảo, mỗi khi bước vào trụ sở Tập đoàn, bà luôn bị ngăn cản thô bạo và gặp phải những hành vi manh động. Ngay cả có sự hiện diện chứng kiến của phía chính quyền là Trưởng Công an phường sở tại, bà Lê Hoàng Diệp Thảo vẫn bị một nhóm người manh động ngang nhiên chống đối, thách thức ngăn cản không để bà bước chân vào trụ sở Tập đoàn.
Yêu cầu Tập đoàn Trung Nguyên phối hợi thực hiện thi hành án của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Yêu cầu Tập đoàn Trung Nguyên phối hợi thực hiện thi hành án của bà Lê Hoàng Diệp Thảo
Trước việc phía Tập đoàn Trung Nguyên thách thức luật pháp, bất tuân bản án vừa được tòa tuyên, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có một hành động rất dứt khoát ở vai trò người đồng sở hữu và là thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc thường trực Tập đoàn Trung Nguyên, vào ngày 29.9.2018, bà đã gửi đơn đến Cục Thi hành án Dân sự TP.HCM để yêu cầu tổ chức thi hành án các nội dung mà bản án đã tuyên. Sau đó, ngày 1.10.2018, bà cũng đã uỷ quyền cho đại diện pháp lý tiếp tục đến trụ sở Tập đoàn Trung Nguyên để yêu cầu phối hợp thực hiện các nội dung chuẩn bị công tác bàn giao công việc.
Đặc biệt, bà Diệp Thảo cũng đã ra chỉ thị đầu tiên cho các cấp quản lý có liên quan tại Tập đoàn Trung Nguyên, phù hợp với quy định của luật pháp để chuẩn bị cho quá trình tiếp nhận công việc. Đó là: Tăng cường kiểm soát chi phí hoạt động và tiến hành kiểm tra rà soát, chấn chỉnh hoạt động sản xuất, kinh doanh tại Tập đoàn Trung Nguyên; Yêu cầu tiến hành kiểm toán để xác định tình hình tài chính và hoạt động kinh doanh trước vào sau khi bà trở về điều hành Tập đoàn Trung Nguyên sau một thời gian dài bị lũng đoạn bởi nhóm thao túng thuộc Tổ Vận hành. Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sẽ công khai thông tin sau khi có kết quả kiểm toán.
Đối với những cá nhân có liên quan mà không chấp hành bản án, có hành vi ngăn cản, chống đối lại sự điều hành trở lại của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, bà đang tiến hành việc xác lập hành vi chống đối để yêu cầu xử lý hình sự đối với việc không thực hiện thi hành bản án theo quy định của pháp luật.
“Việc một Thông cáo báo chí với nội dung xuyên tạc vu khống tôi là do nhóm thao túng thực hiện nhằm cố tình bôi nhọ vì lý do cá nhân. Thông cáo báo chí này của những người nhân danh Tập đoàn Trung Nguyên còn được đưa lên hệ thống wifi ở các quán cà phê Trung Nguyên, không chỉ xâm phạm nghiêm trọng tới danh dự của tôi mà còn xâm phạm quyền lợi chính đáng của khách hàng đến uống cà phê tại các quán (khách hàng bị làm phiền vô cớ). Tôi nghi ngờ về việc có một âm mưu cách li tôi ra khỏi chồng là ông Đặng Lê Nguyên Vũ”, bà Diệp Thảo đặt vấn đề.
Ngoài ra, với tư cách là vợ ông Đặng Lê Nguyên Vũ, có hơn 20 năm đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ, từ lúc Trung Nguyên chỉ là một doanh nghiệp khởi nghiệp nhỏ bé trở thành một thương hiệu Quốc gia như hôm nay, bà Diệp Thảo khẳng định: “Không hề có chuyện bà Trương Thị Hòa (Luật sư bảo vệ pháp lý cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ) đã tư vấn và hỗ trợ nhiều thủ tục cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ từ khi ông mới bước chân vào con đường kinh doanh như một số phương tiện truyền thông đại chúng ghi nhận thời gian qua”.
“Tôi đang tiến hành yêu cầu một cuộc làm việc riêng với bà Trương Thị Hòa để phản hồi những thông tin tiêu cực về tôi - có liên quan gián tiếp hoặc trực tiếp với những phát ngôn của bà Trương Thị Hòa”, bà Thảo khẳng định.
Quốc Hải (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.