(GLO)- Lời Tòa soạn: Trong tháng 7-2021, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Gia Lai sẽ triển khai chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1-7-2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg ngày 7-7-2021 của Thủ tướng Chính phủ. Phóng viên Báo Gia Lai có cuộc phỏng vấn ông Đinh Văn Nghĩa-Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh xung quanh vấn đề này.
* P.V: Để có thể tiếp cận gói cho vay 7.500 tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất, người vay vốn cần phải đáp ứng điều kiện gì, thưa ông?
- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Nguồn vốn để Ngân hàng Chính sách Xã hội thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ là nguồn tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng, không có tài sản bảo đảm, lãi suất cho vay 0%/năm, lãi suất nợ quá hạn 12%/năm. Để tiếp cận nguồn vốn ưu đãi này, đối với người sử dụng lao động vay vốn trả lương ngừng việc cần đáp ứng các điều kiện sau: Có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến tháng liền kề trước thời điểm người lao động ngừng việc, phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục trở lên trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022; không có nợ xấu tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại thời điểm đề nghị vay vốn. Đối với người sử dụng lao động vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh cần phải đáp ứng điều kiện như phải tạm dừng hoạt động do yêu cầu của cơ quan nhà nước để phòng-chống dịch Covid-19 trong thời gian từ ngày 1-5-2021 đến hết 31-3-2022, có người lao động làm việc theo hợp đồng đang tham gia bảo hiểm xã hội, có phương án hoặc kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh, không có nợ xấu tại tổ chức tín dụng.
Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh ký kết hợp đồng tín dụng và giải ngân cho vay trả lương ngừng việc vào tháng 11-2020. Ảnh: Sơn Ca |
Đối với người sử dụng lao động hoạt động trong lĩnh vực vận tải, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để phục hồi sản xuất kinh doanh thì cần đáp ứng thêm điều kiện đã hoàn thành quyết toán thuế năm 2020 tại thời điểm đề nghị vay vốn.
* P.V: Ông có thể cho biết mức cho vay, thời hạn vay và giải ngân được quy định như thế nào?
- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Tháng 11-2020, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã thực hiện chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc theo quy định tại Nghị quyết số 154/NQ-CP ngày 19-10-2020 của Chính phủ và Quyết định số 32/2020/QĐ-TTg ngày 19-10-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Hiện nay, dư nợ cho vay còn 442 triệu đồng với 8 doanh nghiệp. Năm 2021, không chỉ mở rộng chính sách cho vay, mức cho vay đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh nâng lên bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chính sách và nguồn lực để thực hiện.
Theo quy định, đối với vay vốn trả lương ngừng việc thì mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với số người lao động theo thời gian trả lương ngừng việc thực tế tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Đối với vay vốn trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh, mức cho vay tối đa bằng mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động đang làm việc theo hợp đồng lao động. Thời gian hưởng chính sách hỗ trợ tối đa 3 tháng, thời hạn vay vốn dưới 12 tháng. Việc giải ngân cho người sử dụng lao động đối với các tháng 5, 6, 7 của năm 2021 được thực hiện một lần, thời hạn tiếp nhận hồ sơ đề nghị vay vốn chậm nhất đến hết ngày 25-3-2022, việc giải ngân kéo dài đến hết ngày 5-4-2022 hoặc khi Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân hết gói cho vay 7.500 tỷ đồng.
Người sử dụng lao động đủ điều kiện được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh để trả lương cho người lao động bị ngừng việc. Ảnh: Sơn Ca |
* P.V: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã chuẩn bị như thế nào để nguồn vốn hỗ trợ này được giải ngân một cách kịp thời và đầy đủ, thưa ông?
- Ông ĐINH VĂN NGHĨA: Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh đã tham mưu giúp UBND tỉnh, Trưởng ban đại diện Hội đồng Quản trị chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện ngay chính sách này; đồng thời, đề nghị MTTQ, các đoàn thể chính trị xã hội tăng cường tuyên truyền, giám sát việc thực hiện chính sách. Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nguồn vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ trực tuyến và yêu cầu các phòng giao dịch khẩn trương báo cáo UBND các địa phương, Trưởng ban đại diện cấp huyện để chỉ đạo các đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, rà soát danh sách các đơn vị, doanh nghiệp, nắm bắt tình hình sử dụng lao động, nhu cầu vay vốn.
Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu vay vốn, đáp ứng đầy đủ các điều kiện thì trong vòng 4 ngày làm việc, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh phê duyệt cho vay, sẵn sàng giải ngân vốn nhằm đảm bảo chính sách hỗ trợ được triển khai một cách nhanh nhất, công khai, minh bạch và đúng đối tượng.
* P.V: Xin cảm ơn ông!
SƠN CA (thực hiện)