Săn hến giữa lòng phố núi

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Mỗi năm một lần, người dân lại kéo nhau ra hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) để săn hến kiếm thêm thu nhập.

Người dân cào hến ở hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa. ẢNH: THANH QUÂN
Người dân cào hến ở hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa. ẢNH: THANH QUÂN
Kiếm tiền triệu mỗi ngày
Cứ đến tháng 3 hằng năm, đơn vị thi công hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông) sẽ tiến hành tháo nước để thi công bờ hồ. Đây cũng chính là lúc những tay “thợ săn” hến kéo nhau về lòng hồ để kiếm thêm thu nhập.
Hoạt động tháo nước ở hồ trung tâm chỉ mới bắt đầu thực hiện cách đây khoảng 3 năm, mỗi năm sẽ tháo nước khoảng 1 tháng. Tuy nhiên lượng hến ở đây rất lớn nên chỉ trong một mùa, các tay thợ săn đã có thể kiếm được số tiền nhiều hơn bất cứ nghề lao động thủ công nào ở Đắk Nông lúc này.
Hến ở hồ trung tâm đã có từ rất lâu, nhưng ít ai khai thác. Những người sống gần hồ cho biết, chỉ mới 2 năm gần đây là có nhiều người kéo về săn hến. Những năm trước hầu như hiếm có người biết ở hồ này có hến. Ai cũng nghĩ không thể nào giữa trung tâm thành phố cao nguyên này lại có một loài động vật bé nhỏ chỉ tồn tại trên những dòng sông.
Ông Lê Định Thống (45 tuổi), P.Nghĩa Trung (TP.Gia Nghĩa) cho biết: “Hầu hết những người đi cào hến chuyên nghiệp ở đây thường sẽ cào được khoảng 50 - 70 kg hến mỗi ngày. Những người không chuyên cũng có thể cào được hơn 30 kg mỗi ngày nếu chăm chỉ. Vì số lượng hến ở đây rất nhiều và thân hến khá lớn”.
Cũng theo ông Thống, những ngày đầu mùa khi còn ít người khai thác, mỗi ngày ông thường cào được gần 1 tạ hến. Với giá bán 12.000 - 15.000 đồng/kg, ông cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng. Thậm chí có những gia đình đi cả hai vợ chồng thì có thể kiếm được gần 2 triệu mỗi ngày.

 
Những năm trước chủ yếu chỉ có người ở TP.Gia Nghĩa đi cào hến. Tuy nhiên năm nay do số lượng hến có phần nhiều hơn những năm trước, lại “tiếng đồn vang xa” nên thu hút được rất nhiều người ở xa kéo đến. Có người ở tận H.Đắk G’long cách hồ trung tâm 40 km cũng kéo về để săn hến.
Nhiều mối hiểm nguy
Mỗi ngày có khoảng 20 người cào hến tại hồ trung tâm. Những người có khả năng chịu lạnh được thì đến từ rất sớm, khoảng 6 giờ sáng là họ đã có mặt. Còn với những người chịu lạnh kém hơn thì phải đợi đến sau 9 giờ, khi mặt trời lên cao mới dám xuống nước. Thường thì họ sẽ ra về lúc 3 giờ chiều để kịp ra chợ bán trước khi trời tối.
Theo kinh nghiệm của những người đi cào hến, chỉ cần dùng vợt sắt cào lớp đất bùn dưới lòng hồ, sau đó vẩy vẩy cho lớp đất rơi ra khỏi vợt là đã có thể bắt được hến. Ngoài ra cần thêm một dụng cụ để đựng hến là có thể mưu sinh, kiếm bạc triệu mỗi ngày.
Quanh năm ai cũng làm nương, làm rẫy nhưng cứ đến mùa này thì ra đây cào hến về bán. Tuy có nguy hiểm và vất vả tí nhưng thu nhập từ cào hến cao hơn rất nhiều so với ngày công đi làm rẫy
Ông Ngô Văn Toản, xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa (Đắk Nông)
Nghe thì có vẻ đơn giản, nhưng nếu ai đi cào hến ở hồ trung tâm một lần sẽ hiểu gian nan biết dường nào. Để bắt được hến, các thợ săn không chỉ ngâm mình cả ngày trong nước mà còn đối mặt với vô số nguy hiểm.
Vốn dĩ hồ trung tâm trước đây là con suối, dọc hai bên bờ suối là khu vực sinh sống của người dân. Về sau mới quy hoạch trở thành hồ trung tâm. Vì vậy có không ít giếng nước do người dân đào từ thời trước ở ngay giữa lòng hồ. Khi cào hến không may rơi vào giếng là chuyện thường xuyên xảy ra. Nhưng may mắn cho đến nay vẫn chưa có người mất mạng do cào hến ở hồ trung tâm, dù đã có lần... sụp giếng!
Ngoài ra còn có những mối lo từ những đồ vật dưới hồ. Khi đi cào hến, mọi người thường phải đi chân trần cho dễ di chuyển dưới nước. Chính điều này dễ dẫn đến tình trạng chân bị thương do đạp phải miểng chai hoặc một số mảnh vỡ của đồ vật khác dưới lòng hồ. Đã có không ít người bị thương khi cào hến, một số nặng hơn thì bị nhiễm trùng phải nhờ sự can thiệp của bệnh viện.

Người dân cào được lượng lớn hến mỗi ngày
Người dân cào được lượng lớn hến mỗi ngày
Cây mưu sinh của người nghèo
Khác với những thợ săn hến ở nơi khác thường xuất thân từ dân làm biển, những người săn hến tại đây hầu hết là nông dân. Vốn dĩ quanh năm họ đi làm rẫy, trồng trọt và hầu như không có kiến thức săn bắt thủy sản. Tuy nhiên nguồn thu nhập cao từ nghề cào hến đã thu hút họ. Chính vì vậy cứ đến mùa cào hến là họ tận dụng hết thời gian trong ngày của mình để ra hồ kiếm tiền.
Ông Ngô Văn Toản (46 tuổi), xã Đắk Nia, TP.Gia Nghĩa, cho biết: “Mọi người ở đây tự học hỏi lẫn nhau mà làm thôi chứ ban đầu có ai biết làm đâu. Quanh năm ai cũng làm nương, làm rẫy nhưng cứ đến mùa này thì ra đây cào hến về bán. Tuy có nguy hiểm và vất vả tí nhưng thu nhập từ cào hến cao hơn rất nhiều so với ngày công đi làm rẫy”.
Dọc quanh hồ trung tâm, bên cạnh những người cào hến chuyên nghiệp còn thấp thoáng bóng dáng của những người già ngồi bên mép hồ mò từng con hến. Bà Ngô Thị Hoa (63 tuổi), P.Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, cho biết: “Tui già rồi, sức yếu nên không thể cào được như những người trẻ tuổi. Nhưng mà ngồi đây cào thì cũng được 6 - 7 kg mỗi ngày, mang ra chợ bán cũng có thêm ít tiền mua thức ăn”.
Món ngon giàu dinh dưỡng
Đối với người dân vùng biển thì con hến không mấy xa lạ. Tuy nhiên đối với người dân ở vùng cao thì hến rất ít khi gặp. Chính vì vậy hến cào lên được người dân và thương lái mua rất nhanh. Có những hôm thương lái ra tận bãi cào để đợi hến vừa được đưa lên bờ là mua ngay.
Sở dĩ hến được ưa chuộng như vậy một phần là do có thể chế biến được nhiều món ăn ngon.
Anh Nguyễn Minh Toàn (37 tuổi), P.Nghĩa Tân, TP.Gia Nghĩa, là một trong những người cào hến có năng suất thấp nhất mà chúng tôi gặp được. Suốt cả buổi cào cào xúc xúc, anh chỉ kiếm được chưa đến 10 kg. Tuy nhiên nói đến độ hiểu biết về các món ăn từ hến thì khó ai bì được với anh. Chỉ cần hỏi một câu về cách chế biến hến, anh có thể kể hơn 10 cách làm món ăn khác nhau từ hến một cách hấp dẫn.
Theo lời anh Toàn, hến khi cào về chỉ cần rửa sạch, ngâm nước vài giờ cho sạch đất rồi bỏ vào nồi luộc, bỏ vỏ lấy nước và ruột bên trong. Ruột hến có thể chế biến được rất nhiều món như xào, nấu canh, nấu cháo… Tuy nhiên món ngon nhất vẫn là canh hến. Chỉ cần lấy ruột hến và nước hến nấu lên, cho một ít gia vị và rau thơm là có ngay một món đặc sản.
Ngoài chế biến được nhiều món ngon, hến cũng mang lại nhiều dinh dưỡng. Theo người dân ở đây, những món ăn từ hến giải nhiệt rất tốt, sau một ngày làm việc mệt mỏi chỉ cần ăn một tô canh hến là xua tan hết. Cũng vì những lý do đó mà cứ đến mùa là hàng chục người lại kéo nhau ra hồ trung tâm TP.Gia Nghĩa để cào hến.
Theo Thanh Quân (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Nghề của niềm đam mê

Nghề của niềm đam mê

Ở xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa), nhiều người biết anh Mai Ngọc Trương Vinh (35 tuổi), bởi anh nổi tiếng với nghề đúc chậu hoa, cây cảnh, có hoa văn, họa tiết độc đáo.

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Đâu rồi tranh Tết làng Sình?

Nếu Kinh Bắc nổi danh với tranh dân gian Đông Hồ và Thăng Long - Hà Nội vang tiếng với tranh Hàng Trống, tranh Kim Hoàng (Hoài Đức - Hà Nội) thì miền Trung gió Lào cát trắng lừng danh với tranh dân gian làng Sình.

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.