Sài Gòn giãn cách nhưng không… xa cách: Trái tim mọi miền hướng về thành phố

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Người ở Bình Thuận góp thanh long, người ở Đắk Lắk góp rau xanh, mít chín, người Nghệ An tặng dứa vàng ngọt lịm, còn người ở TP.HCM đang giãn cách vẫn nhường cơm sẻ áo cho nhau. Trái tim khắp mọi miền đều hướng về thành phố.

Nàng Mây và những thùng rau củ quả cây nhà lá vườn tặng Sài Gòn. ẢNH: NVCC
Nàng Mây và những thùng rau củ quả cây nhà lá vườn tặng Sài Gòn. ẢNH: NVCC
Nhắc tới Sài Gòn là ai cũng giúp
Những ngày Sài Gòn giãn cách theo Chỉ thị 16, nhóm TOT của cô Đặng Kim Oanh (nguyên Phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Bình Thuận) kêu gọi được đông đảo bạn bè, người thân quen, các nhà hảo tâm cùng góp sức, góp tiền để mua nhiều tấn rau củ quả, sữa hộp, chuối xanh, dưa hồng, dưa leo, bí đỏ, bí hồ lô… để gửi xe từ Bình Thuận vào TP.HCM. Không chỉ vậy, mọi người còn đi chợ mua thịt, mắm ruốc, sả, tiêu… rồi cùng nhau nấu những hũ thịt kho thơm ngon, “để bà con chỉ cần nấu cơm trắng, xúc thêm muỗng thịt là được bữa cơm ngon lành”, cô Kim Oanh nói.
Bây giờ chúng tôi cùng chia sẻ với thành phố, mong bà con mạnh mẽ vượt qua lúc khó khăn dịch bệnh, giãn cách, mai mốt tất cả mọi thứ sẽ ổn thôi
Cô Đặng Kim Oanh (nguyên Phó giám đốc Đài phát thanh - truyền hình Bình Thuận)
Cô Kim Oanh cho hay nhóm ưu tiên gửi hàng tới những nơi phong tỏa, khu nhiều công nhân, người bán vé số, chạy xe ôm có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ kết nối với những nhà hảo tâm, tình nguyện viên ở thành phố, nhóm cô Oanh có sẵn các địa chỉ đang cần thực phẩm, hàng hóa. Do đó, đầu cầu ở Bình Thuận chỉ việc đi chợ, đóng gói hàng hóa, đầu cầu Sài Gòn sẽ tiếp nhận, chuyển đúng địa chỉ tới nơi thật sự cần. Riêng sữa hộp, nhóm gửi tặng các y bác sĩ ở Bệnh viện Y học cổ truyền quân đội, phân viện TP.HCM (Q.6).
Đặc biệt, nhóm ưu tiên những khu phong tỏa có nhiều trẻ em. Mới nghe thông tin một khu dân cư ở Q.8, nhiều gia đình khó khăn lại có nhiều trẻ nhỏ, nhóm lại bàn nhau đặt thêm mắm làm từ con ruốc biển với độ đạm cao, gửi tặng để bà con có nấu cho các bé những bữa ăn đủ chất.
“Bí hồ lô bao nhiêu ạ? 15.000 một ký. Mua cho Sài Gòn mừ. Sài Gòn hả, 10.000. Bầu bao nhiêu 1 ký? 15.000. Mua cho Sài Gòn mừ. À Sài Gòn hả, Sài Gòn là 8.000 nha”. Đó là một phần đoạn hội thoại dễ thương giữa cô Kim Oanh, những thành viên nhóm TOT và bà con tiểu thương ở các chợ Bình Thuận. Giàu hay nghèo, ít hay nhiều, ai cũng sẵn lòng chung tay cùng ủng hộ cho Sài Gòn những ngày “bị ốm”.
Cô Kim Oanh cho hay bà con Bình Thuận chân chất, thật thà, biết mọi người mua đồ tặng Sài Gòn là cái gì cũng giảm giá, cho thêm. Nhà xe gửi đồ cũng phục vụ tận tình, làm sao để hàng gửi tốt nhất cho bà con. Tới nay, nhóm của cô Kim Oanh chỉ phải mua khoảng 3 tạ rau củ gửi đi, còn lại của các nhà hảo tâm tặng. Riêng về thanh long đặc sản Bình Thuận, có người tặng 1 tấn, có người góp 500 kg. Có người góp 100 kg cá khô, người góp 600 kg rau, lại có bạn bè tặng 600 kg bí đỏ, chanh… làm sao để bà con Sài Gòn không thiếu rau củ lúc này.
Cô bộc bạch: “Bình Thuận chúng tôi được Sài Gòn yêu thương lắm. Trong các đợt dịch trước, chúng tôi được Sài Gòn gửi cho rất nhiều khẩu trang y tế, nước rửa tay... Bây giờ chúng tôi cùng chia sẻ với thành phố, mong bà con mạnh mẽ vượt qua lúc khó khăn dịch bệnh, giãn cách, mai mốt tất cả mọi thứ sẽ ổn thôi”.

Nhóm TOT của cô Kim Oanh gửi hàng hóa từ Bình Thuận vào Sài Gòn
Nhóm TOT của cô Kim Oanh gửi hàng hóa từ Bình Thuận vào Sài Gòn
3 cô gái mỗi ngày khiêng nửa tấn rau củ tặng Sài Gòn
Sài Gòn “bị ốm” và đang nhận được sự săn sóc, quan tâm từ những người ở khắp các vùng miền. Nếu như Bình Thuận gửi thanh long, cá, rau, mắm... thì những cô gái ở Đắk Lắk gửi rau nhà trồng được; bạn bè ở Nghệ An cũng gửi dứa ngọt thơm, tiếp sức cho các bác sĩ nơi tuyến đầu.
Người hết hạn phong tỏa trả ơn những tấm lòng
Đang trong khu dân cư bị phong tỏa  ở đường Bến Bình Đông, Q.8, TP.HCM, chị Trần Hương Trà, 8X yêu các công việc thiện nguyện, đã có một danh sách dài những nhà hảo tâm góp gạo, trứng, mắm, mì gói… nhờ chị đi trao tặng cho những nơi đang khó khăn. Khu dân cư hết hạn phong tỏa thì Sài Gòn phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chị Trà vẫn lặng lẽ tặng gạo, trứng cho bà con lao động trong các xóm nghèo, không có thu nhập.
Hơn 300 kg gạo, 100 vỉ trứng, 200 hộp cá… đã được chị kết nối các nhà hảo tâm và trao đi. Chị vẫn đang kết nối để xin thêm hàng trăm ký gạo, cá hộp, nước tương, mì gói, đồng thời tự đi mua thêm sữa, trứng để ủng hộ 2 xóm trọ nghèo ở H.Bình Chánh. “Tôi từng trong khu phong tỏa và được giúp đỡ, tôi muốn san sẻ lại yêu thương với rất nhiều hoàn cảnh khác”, chị tâm niệm.
Kiều Thị Hồng Vân (thường được bạn bè gọi Nàng Mây, 32 tuổi, làm trang trại ở Đắk Lắk) vào lại Sài Gòn, mang theo 1,5 tấn rau củ nhà trồng, chia cho bà con. Cô cho biết sẽ ở lại Sài Gòn cho tới hết dịch.
Mảnh mai, xinh đẹp, nhưng không chân yếu tay mềm, từ trước ngày thành phố giãn cách theo Chỉ thị 16 tới bây giờ, Nàng Mây và 2 cô bạn của mình mỗi ngày khênh lên khênh xuống 500 kg rau củ quả từ tầng trệt lên lầu 19 ở một chung cư tại TP.Thủ Đức. Số nông sản này được gửi từ Đắk Lắk - quê của Nàng Mây, và các nơi gửi tặng Sài Gòn.
500 kg/ngày là con số ít nhất. Có ngày số hàng hóa, nông sản mà 3 cô gái phải xử lý là gần 1 tấn, nào bầu bí, cà rốt, khoai tây, cải thảo, nào măng, bắp, sả, chuối... Biết Nàng Mây và các bạn làm việc thiện, những người bạn của cô với các nông sản cây nhà lá vườn từ các nơi gửi về, nhờ Mây gửi những người Sài Gòn trong giãn cách xã hội.
Như chị Lê Thảo Hương mới gửi tiếp 6 thùng dứa từ Nghệ An vào. Ba cô gái cùng gọt sẵn, bỏ vào hộp để gửi tặng các y bác sĩ ở bệnh viện dã chiến. Chị Võ Thương gửi tặng 30 kg chanh để kèm thêm vào các phần quà rau củ quả gửi đi. “Chúng tôi biết giãn cách xã hội, không tập trung đông người nên 3 cô gái lẳng lặng làm. Việc vận chuyển tới bệnh viện dã chiến đã được tiếp sức bởi các chiến sĩ công an”, Nàng Mây kể.
Một chi tiết dễ thương mà chúng tôi không thể không kể về cô gái này, đó là sẵn vườn nhà Đắk Lắk trồng nhiều mít sạch, Nàng Mây nhờ người nhà chuyển lên Sài Gòn, tự tay cô tách mít, chia vào các bịch, gửi tặng các chiến sĩ áo trắng ở bệnh viện dã chiến cũng như các hộ gia đình đang bị cách ly trong chung cư cô đang ở. Những ngày Sài Gòn khan hiếm cả rau xanh thì những múi mít chín thơm lừng, vàng ruộm là món quà vô giá. Nàng Mây bộc bạch: “Chúng tôi mong sẽ tiếp sức thêm cho các bác sĩ, nhân viên y tế cũng như những người đang cách ly xung quanh mình từ những điều bình dị như vậy”.
Theo Thúy Hằng (TNO)

Có thể bạn quan tâm

Đi biển mùa xuân

Đi biển mùa xuân

Làng biển rộn ràng trong ngày hội Nghinh Ông. Lễ hội đã trở thành Tết biển, một nét đẹp văn hóa của người dân nơi đầu sóng ngọn gió Cần Giờ. Sau 3 ngày chơi lễ, những con tàu đánh cá lại vươn mình ra khơi, bám biển ngày đêm, đi suốt mùa xuân... 

Tôi là du kích Ba Tơ...

Tôi là du kích Ba Tơ...

“Cả đời cống hiến cho cách mạng, trải qua nhiều chức vụ, nhưng điều tôi tự hào nhất là mình từng là đội viên Đội Du kích Ba Tơ”. Đó là tâm sự của Đại tá Thân Hoạt, năm nay 98 tuổi đời, 80 tuổi Đảng, người con của quê hương Quảng Ngãi.

Người của bách khoa

Người của bách khoa

Thật ra sáu mươi không chỉ là mốc quy ước để có tuổi hưu trí mà còn là tuổi của “nhi nhĩ thuận” (tai đã nghe đủ chuyện đời nên giờ là lúc biết lẽ thuận, nghịch), GS Trần Văn Nam là người nhi nhĩ thuận đã mấy năm rồi.

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

Lão xà ích và đàn ngựa trên cao nguyên

(GLO)- Hơn 30 năm cầm cương, ông Phan Xuân Định (SN 1966, thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) vẫn luôn nhớ về những ngày tháng rong ruổi cùng tiếng vó ngựa trên cao nguyên. Lão xà ích ấy vẫn âm thầm nuôi dưỡng đàn ngựa để thỏa chí tang bồng và giữ cho phố núi Pleiku nét riêng độc đáo.

Như núi, như rừng

Như núi, như rừng

Trong dòng chảy lịch sử của Kon Tum, qua biết bao thăng trầm, mỗi vùng đất nơi đây đều gắn với những chiến công oai hùng, với những con người mà cuộc đời của họ đã trở thành huyền thoại. Một trong số đó là ông Sô Lây Tăng- người vừa đi vào cõi vĩnh hằng.

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Tết rừng, mĩ tục của người Mông

Đối với người Mông xã Nà Hẩu, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái, lễ cúng rừng (Tết rừng) có từ khi tổ tiên ngàn đời di cư đến đây lập làng, lập bản và trở thành sắc thái văn hóa, tín ngưỡng dân gian độc đáo riêng của người Mông nơi đây.