"Rút ruột" tài nguyên: Thỏa thuận 'ngầm' bán đất núi cho doanh nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Người dân bức xúc phản ánh cựu lãnh đạo xã, thôn và người thân lãnh đạo xã thỏa thuận ‘ngầm’ để bán đất cho doanh nghiệp đến san ủi, đào phá trái phép núi Mò O ở thôn Chánh Lý (xã Cát Tường, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) gây thất thoát tài nguyên, ô nhiễm môi trường.
Ai tiếp tay cho ‘đất tặc’ lộng hành?
Theo phản ánh của ông Đặng Ngọc Hùng (44 tuổi, thôn Chánh Lý), hơn 3 tháng nay núi Mò O luôn trong tình trạng đối diện với nguy hiểm bởi nạn khai thác đất, đá trái phép. Từ lâu, dân làng có tổ tiên mất đều mang lên khu vực này để chôn cất, giờ doanh nghiệp phá núi, mồ mả của tổ tiên của người dân nơi đây cũng bị phá. Hiện, dòng họ Đặng mất đi 3 ngôi mộ tìm không ra dấu do Công ty Hiếu Ngọc ủi phá để mở đường.
“Các doanh nghiệp khai thác kiểu ồ ạt, cẩu thả làm biến dạng sườn núi, nhiều vị trí  đào quá sâu gây nguy cơ sạt lở núi, bồi lấp 2 cánh đồng Mò O và đồng Đình Ngang rộng 8ha nằm sát chân núi Mò O mỗi khi mưa lũ về”, ông Hùng bức xúc.
 
Dù chưa được cấp phép nhưng núi Mò O đã bị tàn phá, khai thác đất.
Ông Phạm Tụng (71 tuổi) - Đảng viên Chi bộ thôn Chánh Lý nói rằng: “Phải làm rõ các vấn đề, ai cho phép doanh nghiệp lấy đất núi Mò O rồi còn ủi phá mồ mả, ảnh hưởng đến ruộng đồng sản xuất của người dân. Ai đã tự ý bán đất lâm nghiệp trên núi Mò O, tiếp tay cho đất tặc, ai sẽ chịu trách nhiệm trong câu chuyện này hay cứ để dân làng Chánh Lý tự gánh hậu quả”.
Thỏa thuận ‘ngầm’ bán đất!
Người dân thôn Chánh Lý bức xúc tố cáo nhiều cựu lãnh đạo xã, thôn cùng người thân lãnh đạo đã âm thầm bán đất trồng rừng trên núi Mò O, tiếp tay cho đất tặc. Cụ thể các ông: Võ Tấn Tài - nguyên Bí thư thôn Chánh Lý, Lê Thành Tiến - nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư xã Cát Tường, Võ Tấn Sơ (em trai ông Võ Tấn Đông) và Đoàn Văn Tuấn (con rể ông Đông).
Ông Nguyễn Đức Hoàng - Chủ tịch UBND xã Cát Tường thừa nhận, ông Võ Tấn Tài bán đất trồng rừng ở núi Mò O cho doanh nghiệp khai thác đất trái phép đã bị Đảng ủy xã Cát Tường kỷ luật, cách chức Bí thư Chi bộ thôn.
Còn ông Lê Thành Tiến đã bán đất cho Công ty 98 (Công ty xây dựng Trường Sơn) khai thác trái phép. Trước đó, UBND xã Cát Tường đã phát hiện và từng lập biên bản yêu cầu ông Tiến dừng lại.
 
Người dân Chánh Lý bức xúc trước nạn 'đất tặc' lộng hành ở làng quê.
Trong khi đó, ông Võ Tấn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường cũng thừa nhận việc em trai ông là Võ Tấn Sơ và con rể là Đoàn Văn Tuấn, bán đất rừng trồng trên núi Mò O cho Công ty TNHH xây dựng Bình Diễm (thị xã An Nhơn, Bình Định) khai thác đất trái phép.
“Con rể tôi nó lén lút bán tôi không biết chuyện, sau này khi phát hiện tôi đã yêu cầu nó dừng lại ngay. Còn em trai tôi, tôi với nó đã cắt đứt quan hệ với nhau lâu rồi. Bây giờ do nó lớn rồi nó muốn tự lập, mình làm anh nói nó không nghe nên không thể can thiệp được”, ông Đông giải thích.
Ông Đông cũng thừa nhận việc ông Lê Thành Tiến - nguyên Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy xã Cát Tường bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho Công ty 98 khai thác đất và xã đang tiến hành chỉ đạo chi bộ kiểm điểm.
Tuy nhiên, ông Lê Thành Tiến lại phủ nhận và cho rằng, ông không có bán đất trồng rừng trên núi Mò O cho doanh nghiệp. Sau đó, ông Tiến lại nói rằng: “Tôi cũng có lô đất trồng cây trên núi Mò O, do khu vực phía dưới nhiều cây gai nên anh em họ xin đào lấy đất, dọn cho sạch gai gốc đi để nay mai trồng cây cho dễ, chứ có gì đâu?”.
 
Núi bị xâm lấn, tàn phá thô bạo.
Lãnh đạo huyện hẹn dịp khác vì bận!
Ông Trương Bá Vinh - Trưởng phòng Tài nguyên khoáng sản (Sở TN&MT tỉnh Bình Định) khẳng định, trên địa bàn xã Cát Tường hiện chưa có một mỏ đất nào được cấp phép. Núi Mò O không nằm trong quy hoạch để lấy đất, nên việc các doanh nghiệp tự ý đến đây để lấy đất là vi phạm luật khoáng sản, hồ sơ môi trường không kiểm duyệt được, sẽ phát sinh ô nhiễm môi trường.
Ông Vinh thừa nhận, trong câu chuyện khai thác đất trái phép ở núi Mò O, các doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm đầu tiên, người cho phép bán đất hoặc bán đất cũng vi phạm. Trách nhiệm quản lý thì Chủ tịch UBND xã phải chịu trách nhiệm chính, sau đó đến Chủ tịch UBND huyện và Sở TN&MT tỉnh Bình Định.
Còn đối với chủ đầu tư đường trục Khu kinh tế nối dài (Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh Bình Định) về trách nhiệm nghiệm thu thì phải có nguồn gốc đất hợp pháp, đất được quy hoạch, chỉ điểm đảm báo tính cơ lý thì mới được đưa vào san lấp dự án. Nếu lấy đất khai thác trái phép để san lấp mặt bằng cho đường trục Khu kinh tế nối dài thì trách nhiệm cũng thuộc về Ban Quản lý dự án giao thông tỉnh.
 
Xe tải vào tận hiện trường khai thác để lấy đất, đá trái phép.
Ngày 2.5, phóng viên Dân Việt liên lạc làm việc với ông Nguyễn Trung Kiên - Chủ tịch UBND huyện Phù Cát về vấn đề xử lý vấn nạn ‘rút ruột’ tài nguyên trái phép núi Mò O. Thế nhưng, ông Kiên từ chối vì mới nhận công tác hơn 1 tháng, còn nhiều vấn đề chưa nắm rõ.
“Việc này, tôi đã giao cho Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Hương, có gì phóng viên liên hệ với anh Hương để làm việc sẽ rõ hơn”, ông Kiên nói.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Cát Trần Văn Hương lại tiếp tục từ chối làm việc, bởi tuần này bận nhiều việc quá nên hẹn tuần sau sẽ bố trí.
Dũ Tuấn (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.