Ra mắt liên minh toàn cầu phát triển công nghệ 6G với hỗ trợ từ Trí tuệ Nhân tạo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Samsung sẽ tham gia với tư cách là thành viên sáng lập của AI-RAN, nhằm mục đích nghiên cứu công nghệ 6G và tạo ra một hệ sinh thái thông qua sự hội tụ của AI và công nghệ truyền thông không dây.
(Nguồn: Shutterstock)

(Nguồn: Shutterstock)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, ngày 26/2, Samsung Electronics thông báo tập đoàn này chuẩn bị gia nhập một liên minh toàn cầu tiên phong trong phát triển công nghệ và mở rộng hệ sinh thái của mạng thế hệ thứ sáu (6G) được hỗ trợ bởi Trí tuệ Nhân tạo (AI).

Mạng này sẽ không chỉ thay thế công nghệ di động 5G mà còn hứa hẹn mang đến dung lượng cao hơn và ít độ trễ hơn.

Samsung sẽ tham gia với tư cách là thành viên sáng lập của Liên minh AI-RAN, nhằm mục đích nghiên cứu công nghệ 6G và tạo ra một hệ sinh thái thông qua sự hội tụ của AI và công nghệ truyền thông không dây. RAN là viết tắt của Radio Access Network, là một loại cơ sở hạ tầng dành cho mạng di động.

Các thành viên sáng lập bao gồm 10 công ty viễn thông phần mềm và một trường đại học, bao gồm Samsung Electronics, Nvidia, Arm, SoftBank, Ericsson, Nokia, Microsoft và Northestern University.

Samsung thông báo Liên minh AI-RAN đã chính thức ra mắt ngày 26/2 tại Mobile World Congress (MWC), một triển lãm công nghệ được tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha. Samsung Electronics có kế hoạch dẫn đầu nghiên cứu và hệ sinh thái 6G bằng cách áp dụng AI vào công nghệ truyền thông không dây để dẫn đầu đổi mới dịch vụ và nâng cao hiệu quả mạng bằng cách tham gia vào liên minh này.

Liên minh có kế hoạch nghiên cứu công nghệ thông qua 3 nhóm làm việc riêng biệt: Nhóm đầu tiên (AI for RAN) chuyên nghiên cứu công nghệ tối ưu hóa cho truyền thông không dây.

Tận dụng AI và học máy, nhóm này đặt mục tiêu cải thiện tần suất, chi phí và hiệu quả sử dụng năng lượng. Nhóm thứ hai (AI and RAN) tập trung vào sự hội tụ của AI và công nghệ mạng không dây.

Mục tiêu của nhóm này là tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý tài nguyên hiệu quả và tối đa hóa việc sử dụng cơ sở hạ tầng. Cuối cùng, nhóm làm việc thứ ba (AI on RAN) được giao nhiệm vụ phát triển các ứng dụng và dịch vụ AI cải tiến trong mạng không dây. Những nỗ lực của nhóm nhằm mục đích thúc đẩy tiến bộ công nghệ và thúc đẩy nghiên cứu trong lĩnh vực này.

Samsung Electronics tin tưởng các kết quả nghiên cứu như báo cáo kỹ thuật và sách trắng từ các hoạt động này dự kiến sẽ đóng góp đáng kể vào việc khám phá các dịch vụ mới, yêu cầu kỹ thuật, tiêu chuẩn và thương mại hóa dịch vụ mạng 6G.

Charlie Zhang, phó chủ tịch cấp cao kiêm trưởng nhóm đổi mới tiêu chuẩn và di động tại Samsung Research America, bày tỏ hy vọng liên minh sẽ tạo ra những thay đổi mới tập trung vào mạng AI và 6G, đổi mới cách mọi người tương tác với công nghệ và tạo ra giá trị mới.

Để chuẩn bị cho 6G, Samsung đã thành lập một trung tâm nghiên cứu truyền thông thế hệ tiếp theo thuộc Samsung Research vào năm 2019. Trung tâm này đã phát hành sách trắng về 6G vào năm 2020 và sách trắng về tần số 6G vào năm 2022.

Hơn nữa, Samsung khẳng định đang đóng vai trò dẫn đầu trong nghiên cứu, phát triển và phát triển hệ sinh thái nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường dịch vụ mạng 6G, như tổ chức Diễn đàn Samsung 6G đầu tiên vào tháng 5/2022.

Có thể bạn quan tâm

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

500 nhà khoa học, lãnh đạo quốc tế bàn về trí tuệ nhân tạo cho tương lai

Phát triển trí tuệ nhân tạo (AI) an toàn và vững bền, các hệ thống trí tuệ tăng cường kết hợp trí tuệ tự nhiên và trí tuệ nhân tạo, Chính phủ sử dụng AI phục vụ tốt nhất cho công dân... là những vấn đề thời sự toàn cầu được các nhà khoa học quốc tế thảo luận tại hội thảo diễn ra sáng nay 11.1.