Quyết liệt cải cách thể chế, giảm chi phí cho doanh nghiệp Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Cắt giảm triệt để các chi phí bất hợp lý, đẩy lùi và ngăn chặn các hành vi làm phát sinh chi phí không chính thức của doanh nghiệp (DN) là nội dung quan trọng trong kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về cắt giảm chi phí cho DN vừa được UBND tỉnh Gia Lai ban hành ngày 23-1-2019.
Theo thông tin từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua đã có khoảng 150 thủ tục hành chính về lĩnh vực đăng ký kinh doanh, chứng nhận đầu tư và hỗ trợ ưu đãi đầu tư được tỉnh bãi bỏ. Đó là minh chứng cho thấy sự nỗ lực của tỉnh nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho DN và các nhà đầu tư hoạt động. Bên cạnh đó, sự ra đời Dịch vụ hành chính công của Sở Kế hoạch và Đầu tư và Trung tâm Hành chính công của tỉnh chính là những hành động quyết liệt tiếp theo trong vấn đề cải cách thể chế kinh doanh, phát triển DN, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí kinh doanh.
 Dây chuyền sản xuất hạt điều rang củi của Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai. Ảnh: H.D
Dây chuyền sản xuất hạt điều rang củi của Công ty cổ phần Hạt điều Hải Bình Gia Lai. Ảnh: H.D
Mới đây nhất, nhằm tạo dựng môi trường kinh doanh chi phí thấp, ổn định, khuyến khích đầu tư, gia nhập thị trường và cạnh tranh, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 205/KH-UBND về cắt giảm chi phí cho DN. Mục tiêu của kế hoạch này là từ nay đến năm 2020 sẽ đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không cần thiết, kiểm soát chặt chẽ việc ban hành các quy định liên quan đến điều kiện đầu tư, kinh doanh, không ban hành mới các điều kiện kinh doanh ngoài quy định của pháp luật. Đồng thời, đến năm 2020 sẽ giảm một nửa tỷ lệ DN cho rằng phải chi trả chi phí không chính thức theo kết quả khảo sát PCI của tỉnh Gia Lai so với chỉ số này của năm 2017 (64%); công khai 100% hoạt động thanh tra, kiểm tra và kết quả xử lý trên trang mạng internet của cơ quan có thẩm quyền.
“Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ đưa nội dung thực hiện các nhiệm vụ cắt giảm chi phí cho DN vào việc đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DCCI) hàng năm; đồng thời phối hợp với Hiệp hội DN tỉnh tổ chức đánh giá chỉ số DCCI”-ông Hồ Phước Thành-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết.
Cũng theo Kế hoạch số 205/KH-UBND, UBND tỉnh giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh rà soát, đánh giá toàn bộ các quy định về phí, lệ phí thuộc thẩm quyền HĐND tỉnh ban hành, đề xuất HĐND tỉnh phương án giảm phí, lệ phí phù hợp với quy định pháp luật, đảm bảo các loại phí tuân thủ đúng nguyên tắc “Cơ bản bù đắp chi phí” được quy định trong Luật Phí và Lệ phí năm 2015.
Đặc biệt, trong kế hoạch này, vai trò của Hiệp hội DN và Hội DN ở các địa phương rất quan trọng khi sẽ tham gia các đoàn thanh tra DN với tư cách người làm chứng. Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Hiệp hội tích cực vận động DN thành viên phản ánh các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ, công chức; tập hợp các kiến nghị, phản ánh của DN thành viên gửi Thanh tra tỉnh. Bên cạnh đó, Hiệp hội cần tuyên truyền, giải thích cho DN về quyền và nghĩa của cơ quan nhà nước và của DN để DN biết, tự bảo vệ mình trước các hành vi nhũng nhiễu. Ngoài ra, Hiệp hội DN sẽ phối hợp với các tổ chức đại diện người dân, DN tiến hành định kỳ khảo sát ý kiến người dân và DN về chất lượng hành chính công và chi phí không chính thức ở cấp sở, ngành, huyện, công khai kết quả và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương có giải pháp nâng cao chất lượng hành chính công và cắt giảm chi phí không chính thức. Tỉnh cũng yêu cầu Hiệp hội phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông cùng các sở, ban, ngành liên quan để đề xuất các giải pháp thúc đẩy DN tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
Theo ông Đậu Anh Tuấn-Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2017, có đến 59,3% DN phản hồi cho rằng đã phải trả chi phí không chính thức. Trong số này có đến 9,8% DN cho rằng đã phải trả hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức… Điều đó cho thấy, chi phí, nhất là chi phí không chính thức vẫn là rào cản lớn, ảnh hưởng đến quá trình hoạt động của DN. Song tin rằng, với sự quyết liệt của toàn tỉnh khi triển khai thực hiện Kế hoạch số 205/KH-UBND, Gia Lai sẽ là địa phương đi đầu trong hỗ trợ cộng đồng DN phát triển, hội nhập, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính... một cách thực chất và hiệu quả.
Hà Duy

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.