Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa: Kênh hỗ trợ tài chính trong thời điểm khó khăn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEDF) đang được các doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng là kênh hỗ trợ tích cực trong thời điểm khó khăn.

Theo đánh giá của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khó khăn lớn nhất của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa sau thời gian dài chịu ảnh hưởng bởi đại dịch là bị thu hẹp thị trường, cạn kiệt các nguồn vốn, tín dụng, chi phí sản xuất tăng cao. Nhiều doanh nghiệp do sản xuất đình trệ trong thời gian dài đã phát sinh nợ xấu. Bà Trần Thị Thanh Tâm-Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) nhận định: “Doanh nghiệp từng có lịch sử phát sinh nợ xấu, hạn chế về năng lực quản trị tài chính, báo cáo tài chính không rõ ràng, minh bạch, phương án kinh doanh không khả thi hay tài sản đảm bảo không đủ điều kiện... sẽ giảm khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng”.
 

Nhiều doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
Doanh nghiệp rất cần được hỗ trợ về tài chính để phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy

Các doanh nghiệp có nhu cầu tiếp cận nguồn vốn có thể liên hệ với SMEDF tại địa chỉ: Phòng 301 nhà F, số 6B Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội; điện thoại: 02437957855-02437957897, hoặc số hotline 0867970880. Tại Gia Lai, các doanh nghiệp có thể liên hệ ông Huỳnh Tấn Mạnh-chuyên viên Phòng Doanh nghiệp, kinh tế tập thể và tư nhân (Sở Kế hoạch và Đầu tư), số điện thoại: 0919130506 để được hướng dẫn cụ thể.

Thực tế cho thấy, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vì không tiếp cận được nguồn tín dụng, trong khi năng lực tài chính hạn chế đã buộc phải dừng hoạt động hoặc phá sản. Riêng tại Gia Lai, trong năm 2021 có 132 doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể, 255 doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động. Kết quả chuẩn hóa dữ liệu doanh nghiệp năm 2021 cho thấy, toàn tỉnh có đến 550 doanh nghiệp bỏ trốn và mất tích. Đến năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh không còn tác động quá mạnh đến “sức khỏe” doanh nghiệp nhưng đến tháng 10, toàn tỉnh vẫn có 193 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, nguyên nhân chủ yếu vẫn là do năng lực tài chính hạn chế.

Do đó, việc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đẩy mạnh triển khai cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ SMEDF là kịp thời. Ông Bùi Hoàng Tùng-Trưởng phòng Nghiệp vụ cho vay của SMEDF-cho biết: SMEDF là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Đối tượng hỗ trợ của quỹ gồm các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp tham gia cụm liên kết ngành và chuỗi giá trị. Nguồn vốn cho vay gián tiếp của quỹ tối đa không quá 80% tổng mức vốn đầu tư của mỗi dự án, phương án sản xuất kinh doanh. Thời hạn cho vay tối đa không quá 7 năm, thời gian ân hạn cho mỗi dự án (vay vốn trung và dài hạn) tối đa là 2 năm.

Được biết, SMEDF đang áp dụng mức lãi suất ưu đãi đối với gói vay ngắn hạn là 2,16%/năm, trung hạn và dài hạn là 4%/năm. Mức lãi suất này được giữ cố định trong suốt thời gian vay, thậm chí có thể giảm thêm. Hiện quỹ đã ký hợp đồng khung hoạt động cho vay gián tiếp với các ngân hàng: BIDV, SHB, Bắc Á Bank, MB, HD Bank, Sacombank và dự kiến tiếp tục mở rộng thêm với một số ngân hàng thương mại khác. Đặc biệt, SMEDF không có quy định về việc phê duyệt cho vay đối với những trường hợp doanh nghiệp tăng trưởng âm, nhưng nếu doanh nghiệp chứng minh được tình trạng tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan như dịch bệnh, đồng thời xây dựng được phương án kinh doanh tốt, được ngân hàng đánh giá là khả thi thì vẫn được hỗ trợ.

Ngày 27-9-2022, SMEDF đã có Công văn số 180/QDNNVV-NVCV gửi các tỉnh, thành phố; các sở, ban, ngành, hiệp hội đề nghị giới thiệu thông tin, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn của Quỹ. Theo đó, ngày 14-10-2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo đến các sở, ban, ngành có liên quan; UBND các huyện, thị xã, thành phố; Hiệp hội Doanh nghiệp, Hội Doanh nhân trẻ và Hội Nữ doanh nhân tỉnh về vấn đề này.

Ông Nguyễn Anh Tuân-Giám đốc Công ty TNHH Thương mại-dịch vụ Tuấn Anh (phường Diên Hồng, TP. Pleiku) cho biết: “Nguồn tài chính luôn giữ vai trò quyết định “sức khỏe” của doanh nghiệp. Để tiếp tục phát triển doanh nghiệp, chúng tôi rất cần tiếp cận được nguồn tín dụng ưu đãi. Nghe thông tin về nguồn vốn hỗ trợ của SMEDF, những doanh nghiệp nhỏ như chúng tôi rất vui. Hy vọng thủ tục vay nguồn vốn này đơn giản một chút để chúng tôi có thể dễ dàng tiếp cận”.

 

 HÀ DUY
 

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.