![Sáng ngày 18/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ. (Ảnh: TTXVN) untitled-5129.jpg](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248fbefe2221b1fccbe2389940eaf78bc8b784b23367e272c285fa5156e82afea7b/untitled-5129.jpg)
Tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, sáng ngày 18/2, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) với 463/465 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, chiếm 96,86% đại biểu tham gia biểu quyết và chiếm 97,28% tổng số đại biểu Quốc hội.
Đây là một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Việc thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực trong hoạt động của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Luật mới tập trung vào việc phân cấp, phân quyền mạnh mẽ hơn đồng thời tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm của các cơ quan trong bộ máy Nhà nước.
![Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ với số phiếu tán thành đa số. (Ảnh: Vietnam+) Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ với số phiếu tán thành đa số. (Ảnh: Vietnam+)](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248d70cbfc7c1b442ecb331b1802cecbda45a664af5bd4a340381b9c50d8fd678b870e42f3f05de1fc5cfbf28e116cb46d0cea7d1c35c8f57554ec4969c84f71fd2/z6327934160962-b4725c9471cae6ebc06a045f93c74378.jpg)
Trước khi Luật được thông qua, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi).
Trong các ngày 13-14/2, Quốc hội đã thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) ghi nhận 121 lượt ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu và 1 Đoàn đại biểu Quốc hội gửi văn bản góp ý.
Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo việc tổng hợp, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, đảm bảo tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật.
Theo Chủ nhiệm Hoàng Thanh Tùng, một trong những yêu cầu hàng đầu trong quá trình sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ là đảm bảo tính thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành. Do đó, nhiều ý kiến đề nghị tiếp tục rà soát các quy định của dự thảo Luật, đặc biệt là các quy định về phân cấp, phân quyền để bảo đảm phù hợp, đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp, các luật và dự thảo luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.
Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo rà soát kỹ lưỡng các quy định, đảm bảo tính hợp hiến, tính đồng bộ, thống nhất, liên thông giữa các luật và trong hệ thống pháp luật. Đối với các quy định về kiểm soát quyền lực trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp, phân quyền đã được quy định cụ thể tại khoản 7 và khoản 8 Điều 6, khoản 3 và khoản 4 Điều 8, khoản 3 và khoản 4 Điều 9 và các điều cụ thể về trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong dự thảo Luật.
![Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN) Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã trình bày Báo cáo tóm tắt Giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi). (Ảnh: TTXVN)](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248dfe133d8f491cdd3e399e858cc3cc2bcdc73257154e03ef7d32ce2bb75676e7bebf34768907514a93fee8c8de4bff8f3c5ff753c9e7962505d7f3e587cf9a05afeaddadee2d2c52eaf608fd887b312e87fef8b8b58a8d55d7cd9e7b97b193486/vna-potal-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7861309.jpg)
Để đổi mới mạnh mẽ cơ chế phân định thẩm quyền, phân cấp, ủy quyền nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, kịp thời tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, khơi thông nguồn lực cho phát triển, chủ động ứng phó với những biến đổi của tình hình trong nước và quốc tế, vì mục tiêu tăng trưởng, phát triển chung của đất nước đồng thời bảo đảm đồng bộ với nội dung tiếp thu, chỉnh lý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho bổ sung một số cơ chế, chính sách mới trong dự thảo Luật.
Những bổ sung này được kỳ vọng sẽ tạo ra sự linh hoạt, chủ động hơn cho Chính phủ trong việc giải quyết các vấn đề cấp bách đồng thời vẫn đảm bảo tuân thủ pháp luật và chịu sự giám sát của Quốc hội.
Một trong những nội dung quan trọng của Luật sửa đổi là các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ. Các nguyên tắc này được sửa đổi, bổ sung nhằm đảm bảo sự hiệu quả, minh bạch và trách nhiệm trong hoạt động của Chính phủ.
Cụ thể, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và bổ sung nguyên tắc kết hợp giữa quyền hạn, trách nhiệm của tập thể và cá nhân tại khoản 3 Điều 5 như sau: "Phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và chức năng, phạm vi quản lý giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ; Bảo đảm nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu."
Nguyên tắc này nhằm đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Chính phủ đồng thời đề cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động của Bộ, ngành.
Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng chỉnh lý lại khoản 5 Điều 6 cho rõ ràng, bao quát việc phân định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo phân công của Chính phủ và đáp ứng yêu cầu thực tiễn quản lý. Theo đó, quy định mới sẽ đảm bảo sự chủ động, tự chịu trách nhiệm của các Bộ trưởng trong phạm vi ngành, lĩnh vực được giao đồng thời vẫn đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất của Chính phủ.·
Nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của hệ thống pháp luật, cơ chế giám sát quyền lực trong phân cấp, phân quyền đã được quy định cụ thể tại dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết đã chuyển khoản 2 Điều 7 và hoàn thiện bổ sung tại khoản 7 mới của Điều 6 về nguyên tắc phân cấp, phân quyền.
![Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý về số lượng cấp phó và đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì đã mở ra trường hợp linh hoạt. (Ảnh: TTXVN) Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý về số lượng cấp phó và đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì đã mở ra trường hợp linh hoạt. (Ảnh: TTXVN)](https://cdn.baogialai.com.vn/images/edc8ff904f4f278b837adf477d16a248dfe133d8f491cdd3e399e858cc3cc2bcdc73257154e03ef7d32ce2bb75676e7bebf34768907514a93fee8c8de4bff8f3c5ff753c9e7962505d7f3e587cf9a05afeaddadee2d2c52eaf608fd887b312e8e821037c3d52fc1874030767488f4fd2/vna-potal-quoc-hoi-bieu-quyet-thong-qua-luat-to-chuc-chinh-phu-sua-doi-7861308.jpg)
Ngoài ra, một số đại biểu ý kiến đề nghị sửa đổi Điều 21 theo hướng quy định linh hoạt số lượng Thứ trưởng, Phó Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ theo chức năng, nhiệm vụ và khối lượng công việc của từng Bộ, cơ quan ngang Bộ, số lượng cụ thể nên giao cho Chính phủ quy định.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ như quy định của dự thảo Luật để bảo đảm hài hòa giữa yêu cầu quản lý về số lượng cấp phó và đáp ứng yêu cầu thực tiễn vì đã mở ra trường hợp linh hoạt là “trừ trường hợp do yêu cầu điều động, luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền.”
Thêm vào đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu và đề xuất của Chính phủ tại Văn bản số 105/CP-TCCV ngày 17/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan rà soát, tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật cả về nội dung và kỹ thuật văn bản.
Việc Quốc hội thông qua Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) đánh dấu một bước tiến quan trọng trong quá trình hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước. Với những quy định mới về phân cấp, phân quyền, trách nhiệm giải trình và kiểm soát quyền lực, Luật sửa đổi được kỳ vọng sẽ tạo ra những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Theo Vietnam+