Quốc Cường Gia Lai vẫn loay hoay trong vòng xoáy lợi nhuận sụt giảm và vụ kiện liên quan đất Phước Kiển

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Quốc Cường Gia Lai mấy năm qua vẫn loay hoay trong bài toán lợi nhuận sụt giảm nhưng chưa tìm được lối thoát và liên quan đến đất Phước Kiển. Dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển đang kiện ra toà liên quan đến đối tác Sunny Island và phải chờ kết quả từ toà.

Doanh thu tăng nhưng lợi nhuận vẫn giảm mạnh

Công ty Cổ phần Quốc Cường Gia Lai (HOSE: QCG) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu đạt 346,7 tỷ đồng, tăng trưởng 326% so với cùng kỳ năm trước. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là mảng kinh doanh bất động sản - bàn giao căn hộ cho khách hàng.

Giá vốn bán hàng tăng mạnh lên 334%, đạt hơn 273 tỷ đồng,  lợi nhuận gộp chỉ về mức 73 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần cùng kỳ. Biên lãi gộp giảm từ 22,5% xuống 21,2%.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính giảm 68%, còn 12 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm từ 12 tỷ đồng về 10 tỷ đồng; chi phí bán hàng tăng mạng 8 tỷ đồng lên 199 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 241% lên 10 tỷ đồng..

Chốt quý, Quốc Cường Gia Lai (QCG) báo lãi sau thuế 19 tỷ đồng, trong khi cùng giai đoạn năm trước đạt 30 tỷ đồng, tương đương mức giảm 36%. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (EPS) từ 109 đồng xuống còn 62 đồng.

Tại ngày 31/3/2021, tổng tài sản của Quốc Cường Gia Lai giảm nhẹ so với hồi đầu năm còn 10.048 tỷ đồng. Trong đó, tiền nhàn rỗi là 25,2 tỷ đồng (giảm 37%); trả trước cho người bán là 142 tỷ đồng (tăng 32%); hàng tồn kho là 7.122 tỷ đồng... còn lại là khối tài sản dài hạn, chiếm 2.320 tỷ đồng.

 

Nguồn: Báo cáo tài chính QCG
Nguồn: Báo cáo tài chính QCG


Về nguồn vốn, nợ phải trả của Quốc Cường Gia Lai cuối quý I là 5.790 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 4.257 tỷ đồng. Trong đó, doanh nghiệp có dư nợ vay là gần 484 tỷ đồng, chủ yếu là vay dài hạn.

Chiếm tỷ trọng lớn nhất của nợ phải trả đến từ khoản phải trả ngắn hạn khác (4.791 tỷ đồng), tới từ 2.882 tỷ đồng tiền nhận của Sunny cho dự án Phước Kiển và 1.234 tỷ đồng tiền mượn của các bên liên quan như Công ty Cổ phần Bất động sản Hiệp Phúc, Bất động sản Quốc Cường Thuận An, bà Nguyễn Thị Như Loan (chủ tịch HĐQT QCG kiêm tổng giám đốc - mẹ của doanh nhân "Cường đô la"), bà Nguyễn Ngọc Huyền My...

Đáng chú ý, khoản nợ đối tác CTCP Đầu tư Sunny Island 2.882 tỷ đồng và vụ kiện với chính doanh nghiệp này đang là vấn đề "sống còn" đối với Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan, mẹ ông Nguyễn Quốc Cường trong thời điểm hiện tại.


Khoản nợ tiềm tàng vụ kiện liên quan dự án khu dân cư Bắc Phước Kiển

Trước đó, vào ngày 9/12/2020, Quốc Cường Gia Lai đã nộp đơn khởi kiện Công ty cổ phần Đầu tư Sunny Island ra Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam liên quan đến tranh chấp phát sinh từ Hợp đồng hứa mua, hứa bán dự án Khu dân cư Bắc Phước Kiển, xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Cụ thể, Quốc Cường Gia Lai yêu cầu Sunny Island hoàn trả toàn bộ Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất và hồ sơ đền bù nhận tại BIDV và toàn bộ hồ sơ đền bù theo 6 biên bản giao nhận hồ sơ mà Sunny Island đang nắm giữ. Ngày 30/12/2020, VIAC đã ra Thông báo thụ lý số 1320/VIAC.

Phía Ban Tổng giám đốc doanh nghiệp đánh giá rủi ro tổn thất từ vụ kiện là thấp và kết quả sau cùng chưa được xác định. Theo đó, công ty chưa trích lập dự phòng cho khoản nợ và các chi phí liên quan đến vụ khởi kiện.

Tại thời điểm cuối năm 2020, Quốc Cường Gia Lai có khoản phải trả Sunny Island lên đến gần 2.883 tỷ đồng. Đây là khoản tiền Quốc Cường Gia Lai nhận từ đối tác theo thỏa thuận.

"Hiện nay dự án đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi, dẫn đến một số điều khoản trong Hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, do đó hai bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp hơn", Quốc Cường Gia Lai cho hay.


 

 Nguồn: Báo cáo tài chính QCG
Nguồn: Báo cáo tài chính QCG


Giá trị khoản nợ lên đến gần 2.883 tỷ đồng là số tiền không hề nhỏ với Quốc Cường Gia Lai trong bối cảnh doanh thu năm 2020 dù tăng mạnh nhưng cũng chỉ đạt con số 1.868 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, năm 2020 vừa qua, do theo quy định mới về việc kiêm nhiệm chức danh, bà Nguyễn Thị Như Loan - Tổng Giám đốc đã nhường ghế Chủ tịch cho ông Lại Thế Hà. Dù vậy, ảnh hưởng của bà Loan tại Quốc Cường Gia Lai từ trước đến nay là điều không cần phải nghi ngờ.

Tại một số Đại hội gần đây của Quốc Cường Gia Lai, cổ đông đã không ít lần chứng kiến việc bà Loan "rơi nước mắt" khi nói đến dự án này.

Trên thực tế, Quốc Cường Gia Lai đã bỏ rất nhiều tâm sức vào đây nhưng thực tế 5-6 năm trời trôi qua, dự án vẫn chưa thể khởi công. Nợ đầm nợ đìa nhưng vị Tổng Giám đốc vẫn luôn muốn thực hiện dự án vì cho rằng đây là "đứa con tinh thần", là tâm huyết cả đời kinh doanh của bà.



Trước đó, ngày 15/10/2016, Sunny và QCG đã ký biên bản thỏa thuận ghi nhớ. Theo đó, QCG sẽ chuyển nhượng 100% quyền sở hữu trong một công ty sẽ được thành lập từ việc góp vốn bằng toàn bộ dự án Phước Kiển cho Sunny.

Đầu năm 2017, Sunny đã chuyển cho QCG hơn 2.000 tỷ đồng để tạm ứng. Số tiền nhanh chóng được nâng lên mức 2.882 tỷ đồng. Một phần giúp giúp QCG "giải cứu" dự án Phước Kiển, một phần được tập đoàn dung vào việc phát triển các dự án bất động sản khác.

Việc giải ngân số tiền lớn một cách nhanh chóng phần nào phản ánh sự tin tưởng của giới chủ Sunny dành cho QCG và Chủ tịch Nguyễn Thị Như Loan. Tuy nhiên, mối hợp tác này cũng nhanh chóng rạn nứt.

Tháng 4/2017, Sunny và QCG đã thanh lý biên bản thỏa thuận. Nguyên nhân được QCG cho biết là do dự án chưa đủ điều kiện chuyển nhượng.

Theo Báo cáo tài chính năm 2018 của QCG cho biết, liên quan đến dự án Phước Kiển, hai bên đang trong quá trình đàm phán về việc chuyển nhượng.

Trong khi đó, trên Báo cáo tài chính năm 2019 của QCG thông tin rằng, dự án Phước Kiển đã tiến triển qua nhiều giai đoạn với hàng loạt các thủ tục pháp lý thay đổi, dẫn đến một số điều khoản trong hợp đồng không còn phù hợp với tình hình thực tế, do đó hai bên đang đàm phán để có hướng xử lý phù hợp.

https://danviet.vn/quoc-cuong-gia-lai-van-loay-hoay-trong-vong-xoay-loi-nhuan-sut-giam-va-vu-kien-lien-quan-dat-phuoc-kien-20210503075846734.htm



Theo QUANG DÂN (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.