Quảng Ngãi: Chính quyền "bất nhất" giằng co khu đất vàng với doanh nghiệp?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Liên quan đến việc chính quyền huyện Lý Sơn đề nghị thu hồi 1 phần diện tích dự án Phân khu phức hợp Sài Gòn - Lý Sơn đang xây dựng dang dở, vì cho rằng vi phạm quy hoạch. Câu hỏi đặt ra: Vì sao chỉ vài tháng sau khi hỗ trợ, phối hợp với cơ quan chức năng tỉnh giúp chủ dự án hoàn tất thủ tục thuê, cấp sổ đỏ khu đất trên, chính UBND huyện Lý Sơn lại cho rằng việc cấp sổ đỏ, cho thuê là sai và yêu cầu trả lại 2000m2/5000m2?.
Sáng 17.5, trao đổi với PV Báo Dân Việt, ông Trần Lâm Tú, chủ đầu tư Phân khu phức hợp Sài Gòn - Lý Sơn bày tỏ: "Để được thuê khu đất trên làm dự án, chính UBND huyện Lý Sơn đã hỗ trợ, phối hợp với các cấp thẩm quyền tỉnh Quảng Ngãi hướng dẫn hoàn thiện hồ sơ thủ tục và cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất (sổ đỏ) vào tháng 8.2016.  Trong gần 5000m2 của khu đất này, phần diện tích đất của nhà nước chỉ chiếm khoảng 10%, còn lại là của người dân. Vì vậy Trung tâm phát triển quỹ đất Lý Sơn là đơn vị đứng ra làm trung gian, giúp tôi thỏa thuận bồi thường với người dân, với số tiền chi trả nhiều tỷ đồng".
 
Một góc khu đất mà chính quyền đang giằng co với doanh nghiệp
"Thời gian hoàn tất thủ tục mất nhiều năm, chính UBND huyện Lý Sơn đã hỗ trợ và các cơ quan chức năng tỉnh đã kiểm tra mới được cấp phép cho thuê. Nhưng chỉ vài tháng sau, UBND huyện này lại cho rằng việc cho thuê, đã cấp sổ đỏ là sai quy định, vi phạm quy hoạch nên yêu cầu trả lại gần 1/2 diện tích là sao, tôi thật sự không hiểu và tuyệt đối không chấp nhận", ông Trần Lâm Tú khẳng định.
"Dù đất đã được cấp sổ đỏ nhưng khi kiểm tra và xác định quá trình làm thủ tục chưa đúng quy định, cấp thẩm quyền thu hồi lại sổ để điều chỉnh và cấp lại là bình thường. Tuy nhiên trên phần diện tích được cấp mà chủ sở hữu đã đầu tư nếu muốn lấy, thu hồi lại thì giữa 2 bên phải có sự thỏa thuận, bồi thường thiệt hại. Chứ không có chuyện cấp sai thì ra quyết định thu hồi, cắt bớt diện tích nhưng chỉ xin lỗi là xong", một số cán bộ địa chính tỉnh Quảng Ngãi bày tỏ.
 
Ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn (ảnh), cho rằng: "Quan điểm của huyện là tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư sớm tiếp tục hoàn thành dự án này".
Vào trưa cùng ngày, trả lời câu hỏi:"Phần đất đề nghị thu hồi 2000m2/5000m2 của ông Tú hiện đang đầu tư xây dựng dang dở, chính quyền có bồi thường thiệt hại cho chủ đầu tư không?", ông Nguyễn Quốc Việt - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, cho rằng: "Chúng tôi đã gửi văn bản mời nhưng ông Tú chưa ra làm việc để bàn bạc tìm hướng xử lý. Quan điểm của huyện là tạo điều kiện thuận lợi nhất để chủ đầu tư sớm tiếp tục hoàn thành dự án này".
Được biết năm 2015, thực hiện chủ trương kêu gọi, vận động ông Trần Lâm Tú, ở TP.Hồ Chí Minh đã làm thủ tục và được cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đồng ý, ra quyết định giao gần 5000m2 đất ở ngay trung tâm huyện đảo Lý Sơn, thuộc thôn Đông, xã An Vĩnh để xây dựng DA Phân khu phức hợp Sài Gòn - Lý Sơn. Dự án gồm các hạng mục nhà hàng, khách sạn...với tổng vốn đầu tư dự kiến trên 20 tỷ đồng, thời gian thuê là 49 năm. Đến tháng 8.2016, ông Tú được chính quyền huyện Lý Sơn cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng (sổ đỏ) đối với khu đất trên.
Trong quá trình hoàn tất các thủ tục để trình cấp thẩm quyền tỉnh cấp phép xây dựng dự án (năm 2015-2016), do cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch của đảo Lý Sơn còn thiếu, nên lãnh đạo huyện Lý Sơn động viên làm trước, các thủ tục thiếu (giấy phép xây dựng) hoàn thành và bổ sung sau.
 
Dự án bị dang dở nhiều năm vì sự giằng co giữa chính quyền và doanh nghiệp
Vì vậy vào năm 2016, ông Tú đầu tư số tiền ước trên 20 tỷ đồng cho san lấp mặt bằng và xây dựng khối nhà khách sạn trước. Tuy nhiên đến khoảng đầu năm 2017, qua kiểm tra các cấp ngành chức năng của tỉnh phát hiện việc xây dựng trên của ông Tú là vi phạm (chưa có giấy phép xây dựng). Cùng yêu cầu tạm đình xây dựng, cơ quan chức năng Quảng Ngãi đã tiến hành xử phạt chủ đầu tư số tiền khoảng 50 triệu đồng.
Cùng thời điểm trên, chính quyền huyện Lý Sơn tiến hành cho kiểm tra lại việc cho ông Tú thuê diện tích đất tại vị trí trên và kết luận, 1 phần diện tích của khu đất này khoảng 2000m2 là đất nông nghiệp, vi phạm quy hoạch (?). Vì vậy đề nghị thu hồi và yêu cầu chủ đầu tư trả lạ số diện tích này cho địa phương.
Công Xuân (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.