Quan tâm hỗ trợ học sinh lựa chọn môn học ở lớp 10

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

(GLO)- Song song với tư vấn hướng nghiệp, các trường THCS trong tỉnh đang tích cực phối hợp với đơn vị liên quan khảo sát nhu cầu lựa chọn môn học của học sinh lớp 9 khi vào lớp 10 năm học 2022-2023. Đây vừa là khâu chuẩn bị cho việc triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở bậc THPT, vừa giúp học sinh hiểu rõ hơn những đổi mới của chương trình học và tự tin bước vào lớp 10.

Trường THCS Trần Phú (phường Trà Bá, TP. Pleiku) có 11 lớp 9 với 465 học sinh. Để giúp các em định hướng đúng đắn khi vào học lớp 10 theo chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà trường đã tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp và hỗ trợ học sinh trong việc lựa chọn tổ hợp môn học. Hiệu trưởng Hoàng Hữu Hương cho hay: “Trong các cuộc họp Hội đồng sư phạm và giao ban công tác giáo viên chủ nhiệm định kỳ, Ban Giám hiệu nhà trường luôn quán triệt cho giáo viên chú trọng công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh lớp 9 theo năng lực, sở trường của từng em; đồng thời, tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh hiểu rõ về chương trình giáo dục mới trong giai đoạn định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT”.

 Cô Ngô Thị Thúy Hương-giáo viên Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) tư vấn hướng nghiệp và hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 9 khi vào lớp 10. Ảnh: Mộc Trà
Cô Ngô Thị Thúy Hương-giáo viên Trường THCS Trần Phú (TP. Pleiku) tư vấn hướng nghiệp và hướng dẫn lựa chọn tổ hợp môn học cho học sinh lớp 9 khi vào lớp 10. Ảnh: Mộc Trà


Thời gian qua, cô Ngô Thị Thúy Hương-giáo viên chủ nhiệm lớp 9/8 (Trường THCS Trần Phú) đã chủ động tìm hiểu về Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 10 để có thể tư vấn, hỗ trợ học sinh một cách chính xác nhất. Cô chia sẻ: “Qua nắm bắt, tôi thấy hầu hết học sinh đều khá mơ hồ về sự đổi mới của chương trình học ở bậc THPT. Do đó, ngoài 2 tiết giáo dục hướng nghiệp hàng tháng, trong các buổi sinh hoạt chủ nhiệm, tôi đã lồng ghép tuyên truyền về vấn đề này; khuyến khích các em lựa chọn môn học phù hợp với năng khiếu, sở thích và khả năng học tập của bản thân”.

Năm học 2021-2022, TP. Pleiku có 19 trường có bậc THCS với khoảng 4.700 học sinh lớp 9. Theo Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) thành phố Nguyễn Đình Thức, thực hiện chỉ đạo của Sở GD-ĐT, Phòng đã có văn bản yêu cầu các trường học THCS tăng cường công tác tư vấn hướng nghiệp, hỗ trợ học sinh lớp 9 trong việc lựa chọn tổ hợp môn học. Cùng với đó, phối hợp với các trường THPT trên địa bàn tổ chức khảo sát nhu cầu học tập các môn lựa chọn, cụm chuyên đề học tập của tất cả học sinh lớp 9 nếu các em được vào lớp 10 năm học 2022-2023.

Tương tự, ông Phạm Văn Hoàng-Trưởng phòng GD-ĐT huyện Chư Sê-cho biết: Vừa qua, đơn vị đã chủ động làm việc với 4 trường có bậc THPT trên địa bàn để nắm bắt phương án đảm bảo chất lượng dạy và học cũng như năng lực tổ chức dạy học môn học tự chọn của nhà trường đối với lớp 10 trong năm học 2022-2023. Theo đó, các trường: THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm, THPT Trường Chinh, THPT Trần Cao Vân đã xây dựng cho đơn vị 4 tổ hợp môn học lựa chọn; riêng Trường THCS và THPT Nguyễn Văn Cừ xây dựng 6 tổ hợp môn học lựa chọn. “Phòng GD-ĐT huyện đã gửi số liệu này cho các trường THCS, tiểu học và THCS trên địa bàn để phối hợp khảo sát nhu cầu lựa chọn môn học khi vào lớp 10 đối với 1.837 học sinh lớp 9. Các đơn vị đang triển khai và sẽ báo cáo kết quả để tổng hợp báo cáo Sở GD-ĐT”-ông Hoàng thông tin thêm.

Để đáp ứng nhu cầu của người học và vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế trong triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vào năm học 2022-2023, các trường THPT cũng đã chủ động nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của học sinh lớp 9 thông qua việc khảo sát bằng phiếu. “Đến nay, chúng tôi đã tổ chức khảo sát tại 5 trường THCS trên địa bàn TP. Pleiku và huyện Đak Đoa. Kết quả cho thấy, đa số học sinh chủ yếu tập trung lựa chọn 3 môn học ở nhóm Khoa học Tự nhiên hoặc Khoa học Xã hội, cộng thêm 2 môn học ở nhóm khác; riêng nhóm Công nghệ và Nghệ thuật thì ít được chọn. Trên cơ sở này, nhà trường sẽ xem xét điều chỉnh phương án tổ hợp môn một cách phù hợp và có bước chuẩn bị tốt hơn cho việc tuyển sinh và dạy học đối với lớp 10 vào năm học tới”-thầy Đàm Văn Ngọc-Hiệu trưởng Trường Quốc tế Châu Á Thái Bình Dương-Gia Lai (APC Gia Lai) cho hay.

 

 MỘC TRÀ

Có thể bạn quan tâm

Bằng tình yêu nghề, mến trẻ nên dù cuộc sống còn nhiều khó khăn nhưng cô Ksor H'Hiền vẫn quyết tâm gắn bó với sự nghiệp trồng người. Ảnh: Vũ Chi

Ksor H'Hiền: Gia cảnh khó khăn vẫn quyết tâm gắn bó với bục giảng

(GLO)- Mặc dù đời sống giáo viên đã được cải thiện nhiều so với trước đây, song vẫn còn những trường hợp thầy cô giáo, đặc biệt là giáo viên hợp đồng đang phải vật lộn với gánh nặng mưu sinh. Cô giáo Ksor H’Hiền (tổ 2, phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai) là một trường hợp như thế.

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Chưa thể yên tâm về dạy học tích hợp

Dù Bộ GD-ĐT đưa ra nhiều lý giải, hướng dẫn về việc dạy học tích hợp nhưng thực tế ở các nhà trường cho thấy tất cả chỉ là giải pháp "chữa cháy", chưa thể yên tâm khi nói về chất lượng dạy học môn học này khi chưa có giáo viên.

Sắp có khung năng lực số cho người học

Sắp có khung năng lực số cho người học

Theo Dự thảo Thông tư ban hành Khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân đang được Bộ GD&ĐT đưa ra lấy ý kiến khung năng lực số cho người học trong hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm 6 miền năng lực, giúp người học có được năng lực số phù hợp với từng cấp học bậc học.