Quan tâm hỗ trợ doanh nghiệp triển khai dự án đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông-lâm nghiệp, công nghiệp xây dựng và thương mại-dịch vụ, Gia Lai đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi cho các nhà đầu tư.

 Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy
Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh, Khu Công nghiệp Trà Đa (TP. Pleiku) đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Ảnh: Hà Duy


Gia Lai đang tiếp tục kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào các lĩnh vực phát triển ngành nông-lâm nghiệp, thủy sản và kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới. Trong đó, tỉnh ưu tiên thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tự động; ưu tiên phát triển các nhà máy chế biến nông sản.

Ông Nguyễn Hữu Quế-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư-cho biết: Theo Quyết định số 26/2016/QĐ-UBND ngày 23-5-2016 của UBND tỉnh, một số ngành nghề cụ thể được hỗ trợ đầu tư gồm: sản xuất các sản phẩm từ mủ cao su; sản xuất vật liệu xây dựng không nung, gạch bê tông khí chưng áp, gạch bê tông bọt; chế biến cà phê hòa tan và cà phê bột (nguyên liệu đầu vào được sản xuất theo quy trình UTZ, 4C và VietGAP); chế biến sản phẩm hồ tiêu (nguyên liệu đầu vào sản xuất theo quy trình VietGAP); sản xuất, tinh chế thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản; đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại; đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, khu nghỉ dưỡng cao cấp; xây dựng và khai thác các khu du lịch sinh thái với quy mô từ 20 ha trở lên, các điểm du lịch văn hóa lịch sử và đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu-cụm công nghiệp. “Đối với các ngành nghề ưu tiên kêu gọi đầu tư, tỉnh sẽ hỗ trợ về san lấp mặt bằng, rà phá bom mìn, hạ tầng kỹ thuật; hỗ trợ chi phí lập dự án đầu tư và chi phí lập báo cáo đánh giá tác động môi trường. Ngoài ra, tỉnh còn hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm, chợ công nghệ (nếu có)”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho hay.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư các dự án ngoài các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẽ được hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (đường giao thông, cấp điện, cấp nước), trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư đối với các hạng mục đầu tư hạ tầng, kỹ thuật gắn với hoạt động dân sinh và hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư đối với các hạng mục đầu tư hạ tầng, kỹ thuật không gắn với hoạt động dân sinh. Ngân sách tỉnh cũng sẽ hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn nhưng tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.

Đối với những dự án có quy mô đầu tư từ 30 tỷ đồng trở lên nằm trong các khu-cụm công nghiệp đã được phê duyệt thì doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 30% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn nhưng tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án. Các dự án đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu-cụm công nghiệp, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% kinh phí san lấp mặt bằng và rà phá bom mìn cho nhà đầu tư nhưng tối đa không quá 1 tỷ đồng/dự án. Tất cả các dự án đều được tỉnh hỗ trợ 30% chi phí lập dự án đầu tư, lập báo cáo đánh giá tác động môi trường với kinh phí tối đa 200 triệu đồng/dự án.

Không chỉ được hỗ trợ trong quá trình triển khai xây dựng, đầu tư mà các doanh nghiệp còn được hỗ trợ kinh phí tham gia triển lãm, chợ công nghệ. Theo ông Lê Tiến Anh-Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư (Sở Kế hoạch và Đầu tư): Khi doanh nghiệp tham gia các hoạt động này sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ đến 30 triệu đồng để tham gia triển lãm, chợ công nghệ ở trong nước; 50 triệu đồng tham gia triển lãm, chợ công nghệ tại các nước thuộc khu vực châu Á; 80 triệu đồng tham gia triển lãm, chợ công nghệ tại các nước ngoài khu vực châu Á.

 Thu mua nông sản tại Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy
Thu mua nông sản tại Công ty TNHH Thương phẩm Atlantic Việt Nam-Chi nhánh Gia Lai (Khu Công nghiệp Trà Đa, TP. Pleiku). Ảnh: Hà Duy


Là doanh nghiệp kinh doanh đa ngành đến từ Nam Định, ông Hoàng Văn Thái-Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh An-chia sẻ: “Tôi đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại Gia Lai. Mặc dù đang trong quá trình khảo sát nhưng tôi cũng đã tìm hiểu qua môi trường đầu tư cũng như những chính sách, cơ chế ưu đãi mà tỉnh đang triển khai. Hy vọng sắp tới Vĩnh An có cơ hội đầu tư ít nhất 1 dự án tại Gia Lai”.

Ngoài việc tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, Gia Lai còn chú trọng hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ thành thị đến nông thôn, nhất là tập trung xây dựng các công trình cấp và tạo nguồn, khắc phục hạn hán và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên đầu tư các công trình thủy lợi lớn… Cùng với đó, tỉnh cũng tăng cường đầu tư xây dựng hạ tầng các khu-cụm công nghiệp. Trước mắt, đẩy nhanh tiến độ để đưa Khu Công nghiệp Nam Pleiku vào hoạt động, hình thành Khu Công nghiệp phía Đông TP. Pleiku với diện tích khoảng 200 ha (nằm trên trục đường quốc lộ 19, xã Kdang, huyện Đak Đoa) và phát triển các cụm công nghiệp dọc theo tuyến quốc lộ, đường Trường Sơn Đông, các tuyến tỉnh lộ có tính kết nối cao. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng công tác quản lý hoạt động của các khu kinh tế, khu-cụm công nghiệp để đảm bảo sẵn sàng thu hút làn sóng đầu tư nước ngoài (FDI) vào tỉnh.

 

 HÀ DUY

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.