QCG của bà Nguyễn Thị Như Loan chưa "dứt tình" với công ty của con trai Cường Đôla

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Quý cuối cùng năm 2019 của Quốc Cường Gia Lai ghi nhận lợi nhuận sụt giảm 24,3% cùng với dòng tiền kinh doanh âm tới 92 tỷ đồng. Ngoài ra, quyết định "dứt tình" với công ty con trai Cường Đôla tại Chánh Nghĩa Quốc Cường của bà Nguyễn Thị Như Loan vẫn chưa thể thực hiện khi khoản đầu tư tài chính dài hạn 132 tỷ đồng chưa tìm được người sang tên.
CTCP Quốc Cường Gia Lai (Mã: QCG) của bà Nguyễn Thị Như Loan (mẹ ông Nguyễn Quốc Cường -Cường Đôla) vừa công bố Báo cáo tài chính (BCTC) riêng lẻ quý IV/2019 với lợi nhuận giảm tới 24,3% so với cùng kỳ năm trước.
“Hụt hơi” quý IV/2019, dòng tiền kinh doanh âm
Chi tiết, doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2019 của QCG đạt gần 65 tỷ đồng, giảm mạnh từ mức 137 tỷ của cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán điện chiếm tới trên 50%, mang về 33 tỷ đồng; doanh thu bất động sản 19,5 tỷ và cuối cùng là doanh thu hàng hóa 12,3 tỷ đồng.
Sau khi giảm trừ giá vốn hàng bán, doanh nghiệp của bà Nguyễn Thị Như Loan ghi nhận vỏn vẹn 8,6 tỷ lợi nhuận gộp, “bốc hơi” trên ¾ so với con số lợi nhuận gộp của cùng kỳ năm 2018.
 
Trong kỳ, doanh thu tài chính của QCG mang về 7,2 tỷ đồng, tăng gần 7 lần so với quý IV/2018 chủ yếu do lãi tiền chuyển nhượng góp vốn. Trong khi đó, chi phí tài chính chỉ bằng một nửa (3,3 tỷ đồng). Ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng gần 3 lần từ mức 2,3 tỷ lên gần 6,7 tỷ đồng quý IV/2019.
Kết quả, QCG báo lãi trước thuế riêng lẻ chỉ gần 7,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi trước thuế lên tới 30,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, lũy kế cả năm, doanh nghiệp của mẹ Cường Đôla vẫn lãi ròng gần 70,4 tỷ (riêng lẻ), tăng 56% so với năm 2018.
Khoản lãi này chủ yếu đến từ lợi nhuận khác của QCG trong năm 2019 cao gấp gần 3 lần so với năm 2018 (57,9 tỷ đồng) và chiếm gần 66% trong tổng lợi nhuận trước thuế riêng lẻ của QCG. Đồng thời, khoản thu nhập khác cũng tăng đột biến 40 tỷ đồng, mang về cho QCG 65 tỷ trong năm 2019.
Kết quả kinh doanh có phần tích cực song lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp mẹ Cường Đôla lại ghi nhận âm 92 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái dương 679 tỷ. Con số này chủ yếu do biến động của các khoản phải thu từ 1.167 tỷ năm 2018 xuống 60,7 tỷ năm 2019.
 
Tính đến cuối năm 2019, tổng tài sản của doanh nghiệp mẹ Cường Đôla tiếp tục giảm gần 100 tỷ đồng, xuống còn 10.506 tỷ. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của QCG chỉ ghi nhận ở con số gần 14 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2018 khoản mục này có giá trị lên tới 118 tỷ đồng.
Sự sụt giảm này đến từ việc QCG không còn ghi nhận 104 tỷ đồng tiền gửi tại ngân hàng thương mại có thời hạn hốc không quá ba tháng và hưởng lãi suất 5,2%/năm. Cùng với đó, khoản tiền gửi tại NHTM với thời gian 12 tháng với lãi suất 6,5%/năm cũng giảm từ 18 tỷ xuống chỉ còn 6 tỷ đồng.
Hàng tồn kho 7.083 tỷ, chiếm trên 67% tổng tài sản của doanh nghiệp. Trong đó, bất động sản dở dang gần 6.612 tỷ đồng. Khoản phải thu dài hạn 74 tỷ từ dự án Tân Phong và 67 tỷ dự án Phước Kiển.
Bên kia bảng cân đối, nợ phải trả của QCG là 6.528 tỷ đồng, cao gấp 1,6 lần so với vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Trong năm 2019, QCG vẫn ghi nhận khoản phải trả ngắn hạn khác lên tới 1.572 tỷ đồng, bao gồm các khoản mượn tiền từ công ty con, công ty liên kết và cổ đông.
Chuyển nhượng vốn góp nhiều công ty, chưa “cắt duyên” với công ty của Cường Đôla
Theo báo cáo tài chính này, Quốc Cường Gia Lai của bà Nguyễn Thị Như Loan đã thực hiện chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại cổ phần bất động sản Hiệp Phú Land (32,6 tỷ đồng) và 134,3 tỷ đồng (tỷ lệ 90%) vốn góp tại Công ty Cổ phần BĐS Hiệp Phát.
Đồng thời, giảm tỷ lệ sở hữu tại Công ty TNHH Bến Du thuyền Đà Nẵng từ 90% xuống chỉ còn 65%, giá trị gần 192 tỷ đồng.
 
Trong năm 2019, công ty của bà Nguyễn Thị Như Loan cũng đã công bố Quyết định về việc chuyển nhượng 18,6% cổ phần tại CTCP Chánh Nghĩa Quốc Cường với giá 132 tỷ đồng. Chủ tịch Hội đồng quản trị QCG, bà Nguyễn Thị Như Loan sẽ trực tiếp tìm kiếm đối tác và đàm phán ký hợp đồng chuyển nhượng số cổ phần này.
Bà Loan cho biết, QCG quyết định bán toàn bộ số cổ phần này vì áp lực dòng tiền để trả nợ cá nhân mà công ty đã mượn. Hiện các dự án của QCG tại TP HCM đang bị đình trệ do thủ tục pháp lý chậm trễ trong khâu giao đất và đây cũng là tình trạng chung của tất cả các dự án trên địa bàn thành phố.
Được biết, Chánh Nghĩa Quốc Cường là công ty thành viên của QCG, thành lập ngày 25/9/2018 do ông Nguyễn Quốc Cường (Cường Đôla) làm Tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật.
Tuy nhiên, tại thời điểm 31/12/2019, QCG vẫn ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn 132 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu 18,6%) tại công ty cổ phần Chánh Nghĩa Quốc Cường của Cường Đôla, trong năm 2018 khoản đầu tư này có giá trị 49,5 tỷ đồng (tỷ lệ sở hữu lên tới 74,68%).
Huyền Anh (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

HAGL Agrico thua lỗ 14 quý liên tiếp

Công ty CP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai đạt 141 tỷ đồng doanh thu thuần trong quý III năm nay, thấp hơn cùng kỳ 12%; lỗ ròng 182 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ 199 tỷ đồng. Như vậy, quý III năm nay là quý thua lỗ thứ 14 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Sắp diễn ra thương vụ 'khủng' của Sabeco

Tổng Công ty CP Bia rượu Nước Giải Khát Sài Gòn sẽ chi hơn 830 tỷ đồng để mua công khai hơn 37,8 triệu cổ phiếu SBB của Công ty CP Tập đoàn Bia Sài Gòn - Bình Tây và chi hơn 100 tỷ đồng để mua hơn 2 triệu cổ phiếu WSB của Công ty CP Bia Sài Gòn - Miền Tây.