PVN có nguy cơ tổn thất 2.875 tỷ tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
PVN phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với giá trị 2.875 tỷ đồng.
 
Một góc liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn. (Ảnh: TTXVN)
PVN dự phòng tổn thất 2.875 tỷ đồng tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn
Bộ Tài chính mới đây đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về kết quả giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp năm 2018.
Theo đó, tổng doanh thu của 143 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước là 743.706 tỷ đồng. Riêng doanh thu của 13 doanh nghiệp nhà nước Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là 500.957 tỷ đồng, chiếm 67,36% tổng doanh thu.
Còn doanh thu của 79 doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng là 192.246 tỷ đồng, chiếm 25,85% tổng doanh thu. Cuối cùng, doanh thu của 51 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, ngành khác là 50.503 tỷ đồng, chiếm 6,79% tổng doanh thu.
 
PVN ghi nhận doanh thu 73.593 tỷ đồng trong năm 2018, tăng 42,57% so với năm 2017.
Trong 143 doanh nghiệp nhà nước, một số doanh nghiệp ghi nhận mức doanh thu lớn. Nổi bật nhất là EVN với doanh thu 285.521 tỷ đồng, chiếm 38,39% tổng doanh thu, tăng 7,9% so với năm 2017. Tiếp đó, TKV cũng ghi nhận doanh thu 92.915 tỷ đồng, chiếm 12,49% tổng doanh thu, tăng 37,5% so với năm 2017. PVN xếp thứ ba với mức doanh thu 73.593 tỷ đồng, chiếm 9,9% tổng doanh thu, tăng 42,57% so với năm 2017.
Theo Bộ Tài chính, nguyên nhân doanh thu của PVN tăng trưởng tới hơn 40% do Công ty mẹ - PVN ghi nhận doanh thu chi nhánh bao tiêu sản phẩm lọc hóa dầu của nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn (PVNDB) là 18.505 tỷ đồng.
Trong nhóm các doanh nghiệp ngành viễn thông, Viettel doanh nghiệp đạt mức doanh thu cao nhất với 94.517,9 tỷ đồng, chiếm 12,71% tổng doanh thu, nhưng chỉ tương đương 37,58% doanh thu năm 2017.
Hai doanh nghiệp lớn trong ngành là VNPT và MobiFone đều ghi nhận con số doanh thu “đi lùi”. Trong đó, VNPT thu về 45.702 tỷ đồng trong năm 2018, chiếm 6,1% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 96,15% so với năm 2017. Còn doanh thu trong năm 2018 của MobiFone là 36.926 tỷ đồng, chiếm 4,96% tổng doanh thu nhưng chỉ đạt 92,06% so với năm 2017.
Còn Tổng công ty Bưu điện Việt Nam (VNPost) ghi nhận mức doanh thu 20.804 tỷ đồng, chiếm 2,8% tổng doanh thu, tăng 26,62% so với năm 2017.
Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận sau thuế của 143 doanh nghiệp nhà nước là 87.843 tỷ đồng. Trong đó, Viettel đứng đầu bảng xếp hạng nhờ con số lợi nhuận lên tới 29.943 tỷ đồng.
Đối với PVN, dù ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu đột biến trong năm 2018, song lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp chỉ đạt 28.050 tỷ đồng, giảm 8,22% so với năm 2017. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới kết quả nêu trên do khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các đơn vị thành viên của PVN giảm tới 3.024 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017. Ngoài ra, doanh nghiệp phải trích lập dự phòng tổn thất khoản đầu tư tại Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn với giá trị 2.875 tỷ đồng.
Bên cạnh những doanh nghiệp kinh doanh có lãi, Bộ Tài chính cho biết, vẫn có 9 doanh nghiệp báo lỗ trong năm 2018, bao gồm: Tổng công ty 15 lỗ 67,15 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Hà Thành lỗ 1,02 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV NXB Lao động - Xã hội lỗ 4 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Thủy sản Hạ Long lỗ 22,5 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Nông nghiệp lỗ 1,42 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV XNK Nông sản thực phẩm lỗ 3,06 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Hãng Phim Tài liệu và KHTW lỗ 1,02 tỷ đồng; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản Thể dục thể thao lỗ 0,3 tỷ đồng; Tổng công ty Cà phê Việt Nam lỗ 125,9 tỷ đồng.
Viettel dẫn đầu danh sách nộp NSNN
Năm 2018, Số nộp ngân sách của 143 doanh nghiệp nhà nước thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trên cả nước là 105.313 tỷ đồng.
Trong đó, Viettel là đơn vị nhiều năm đứng số một trên bảng xếp hạng 1.000 doanh nghiệp có số nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất cả nước, theo số liệu công bố của Tổng cục Thuế.
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, năm 2018, Viettel có số nộp ngân sách cao nhất trong số 143 doanh nghiệp nhà nước với 32.348,5 tỷ đồng. Đứng thứ hai là PVN với số nộp ngân sách là 20.842 tỷ đồng. EVN xếp thứ ba với số nộp ngân sách là 11.361,8 tỷ đồng, tiếp đó là TKV với 9.585,6 tỷ đồng.
P.V (Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm

Xuất khẩu “về đích” sớm

Xuất khẩu “về đích” sớm

(GLO)- Năm 2024, Gia Lai đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 750 triệu USD. Với nhiều yếu tố thuận lợi như giá các mặt hàng nông sản chủ lực tăng cao, thị trường được mở rộng, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đã “về đích” sớm trước 2 tháng.