Vượt qua lằn ranh sinh tử: Hành trình tây nam vượt 'bão' dịch

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Đến lúc này, khi hành trình đã kết thúc, chúng tôi vẫn không thể hiểu bằng cách nào mà mình đã có thể đi qua những tháng ngày đại dịch Covid-19 khốc liệt, ken đặc những biến cố như vậy.
Chỉ mỗi một biến cố ấy thôi, trong điều kiện bình thường, cũng có thể đủ để hạ gục tâm trí một con người. Xin được phép gọi hành trình bi tráng ấy là hành trình tây nam vượt qua bão dịch.
Bắt đầu ở phía tây thành phố
Ngày 1.8.2021, sau cuộc hội ý chớp nhoáng trong chuyến thị sát của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên và Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, mệnh lệnh được đưa ra: Bệnh viện (BV) Đại học Y Dược TP.HCM sẽ ngay lập tức xây dựng một trung tâm hồi sức người bệnh Covid-19 để kịp đáp ứng tình hình.
Vào thời điểm ấy, hơn 300 y bác sĩ (BS) của BV đã tỏa ra khắp các BV dã chiến trong thành phố, và một lượng rất lớn khác đang tập trung cho chiến dịch tiêm vắc xin, xét nghiệm sàng lọc diện rộng. Trong tay chưa có gì kể cả nhân sự, trang thiết bị và cả kinh nghiệm vận hành một trung tâm hồi sức trong điều kiện dã chiến. Chúng tôi chỉ có lòng nhiệt huyết và khao khát dấn thân vì thành phố, vì đồng bào.
Ngày hôm sau, những nhân viên y tế đầu tiên lên xe đi về phía tây thành phố. Sau 12 tiếng đồng hồ gấp gáp đẫm mồ hôi, chúng tôi cũng tạm biến một tầng lầu trống của BV Thành Đô (Q.Bình Tân) thành nơi có thể nhận bệnh hồi sức nặng nhất với máy thở, monitor theo dõi, bơm tiêm điện, xét nghiệm hoàn chỉnh; và hậu cần đầy đủ nhất có thể, từ khẩu trang chống dịch cho đến các thuốc chuyên dùng.

Đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Ảnh: NVCC
Đặt ECMO cho bệnh nhân Covid-19 nguy kịch. Ảnh: NVCC
Rồi bệnh nhân (BN) đầu tiên cũng đến, một BN suy hô hấp nguy kịch đang được thở máy. Chúng tôi, cũng giống như hàng ngàn, hàng vạn đồng nghiệp khác trên khắp thành phố này, lao vào trận chiến bằng nhiệt huyết thanh xuân và trái tim của những người mặc blouse trắng.
Đêm đầu tiên ấy đã đi vào tâm khảm những người trong tâm dịch như một khoảnh khắc vĩnh viễn không thể xóa nhòa, bởi nó đã đánh dấu một chặng đường hơn nửa năm giông bão khốc liệt, đau thương song hành cùng hạnh phúc, tuyệt vọng xen lẫn với niềm tin, bi tráng hòa quyện cùng tự hào. Và trên tất cả, đó là tình người, tình đồng bào thấm đẫm trong từng bước chúng tôi hành quân cùng thành phố đi qua cơn bão dịch.
Trong tháng 8 và tháng 9 nóng bỏng, chúng tôi đã phải tiễn đưa không ít người bệnh nguy kịch; nhưng cũng không ít lần niềm vui vỡ òa trong nước mắt khi một cuộc cấp cứu thành công, một cuộc đời được giữ lại, một đốm lửa niềm tin được thắp lên trong đêm tối. Niềm tin ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho những người mặc áo blouse trắng vững bước tiến đi qua những tháng ngày khó khăn nhất của thành phố, cũng như của cả cuộc đời hành nghề cứu người của mình.
Có vô vàn kỷ niệm để kể lại, nhưng có lẽ một khoảnh khắc không thể nào quên là lần ấy, giữa đêm, một nữ BS trưởng tua trực còn rất trẻ gửi cho tôi một tin nhắn với biểu tượng mặt khóc. Tôi hốt hoảng sợ điều mình lo lắng nhất từ khi bắt đầu cuộc sống dã chiến: ngã lòng. Tôi hỏi dồn dập. BS ấy chỉ trả lời: “Em mừng quá nên khóc thôi. Em đã rút được nội khí quản cho BN”. Tôi thở phào và nghe lòng mình hân hoan như muốn nhảy lên reo to giữa đêm.
Việc rút nội khí quản là chuyện thường ngày đối với một BS hồi sức, nhưng trong thời điểm khốc liệt ấy, khi mà rất nhiều đồng nghiệp cho rằng một BN Covid-19 đã thở máy cũng đồng nghĩa với án tử; thì việc từ rất sớm trong hành trình gian khó của mình, một BN thở máy được cứu sống lại trở thành liều thuốc nâng đỡ tinh thần vô giá cho những người trực tiếp giành giật mạng sống của đồng bào mình từ tay tử thần. Động tác rút ống thở ấy như một chiến thư không khoan nhượng trước tất cả những tàn khốc mà Covid-19 có thể gây ra.
Cuộc “không vận” hồi sức về phía nam
Giữa tháng 10.2021, khi tình hình dịch đã tạm lắng, các đoàn chi viện cho TP.HCM từ miền Bắc và miền Trung dần rút về, chúng tôi lại nhận nhiệm vụ tiếp quản Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Việt Đức ở xã Bình Hưng, H.Bình Chánh. Lúc ấy, trung tâm của chúng tôi còn 78 BN. Để sáp nhập 2 trong số 6 trung tâm hồi sức lớn nhất của thành phố lúc ấy và để có một địa điểm lâu dài hơn cho việc chống dịch, chúng tôi quyết định chuyển toàn bộ BN nặng của mình về phía nam thành phố, nơi có gần 30 BN nặng mà BV Việt Đức đã cứu chữa cho đến lúc ấy.
Vậy là cuộc vận chuyển hồi sức có lẽ lớn nhất đến thời điểm đó đã được tiến hành trong 18 giờ. Toàn bộ BN được vận chuyển an toàn về Bình Hưng, trong khi không ít nhân viên y tế tham gia vận chuyển đã phải được cấp cứu vì cường độ công việc căng thẳng và vì tinh thần hăng hái đến quên cả giới hạn chịu đựng của bản thân.

Chạy CRRT (lọc máu ngoài thận) cho bệnh nhân Covid-19 tổn thương thận cấp
Chạy CRRT (lọc máu ngoài thận) cho bệnh nhân Covid-19 tổn thương thận cấp
Chưa kịp nghỉ ngơi sau những tháng ngày căng mình vì bão bệnh, chúng tôi lại đối mặt với làn sóng bệnh thứ 2 vào cuối tháng 10.2021. Ban đầu, BN chủ yếu đến từ các xã vùng ven của H.Bình Chánh như Vĩnh Lộc A và Vĩnh Lộc B. Chúng tôi lại đến tận địa bàn các xã để nắm tình hình và hỗ trợ các đồng nghiệp tuyến trước, những người cũng chỉ vừa mới trở về từ các BV dã chiến vốn muôn vàn nhọc nhằn trước đó.
Rồi dịch tái bùng phát, không chỉ ở Bình Chánh mà cả Bình Tân, Q.6. Lại những hối hả, lại những lưng áo ướt đầm, những tấm che mặt mịt mù mồ hôi, lại những đêm sâu, lại những chuyến xe giải cứu xuất phát bất kể lúc nào dù ngày hay đêm, dù mưa hay nắng. Giường bệnh tiếp tục mở rộng, máy thở huy động tối đa, ECMO được tiếp viện...
Lần này, tổng lượng bệnh trên thành phố không nhiều như trước nhưng vì nhiều BV dã chiến đã giải thể, các trung tâm hồi sức còn lại phải đưa vai gánh thêm phần việc. Như những chiến sĩ bị thương trong trận đánh trước chưa kịp hồi phục nay lại phải tiếp tục xông trận, có không ít y BS đã quỵ ngã giữa phiên trực vì quá sức.
Ngoài cấp cứu BN, chúng tôi còn lo cấp cứu chính đồng nghiệp - đồng đội của mình. Có người sau đó đã hỏi: “Vậy các bạn có ngã lòng không?”. Không! Chưa bao giờ chúng tôi thấy ngã lòng. Chính những áo trắng vừa ngã quỵ trong phiên trực ấy, ngay khi vừa hồi tỉnh đã nhoẻn miệng cười, tiếp tục mặc bảo hộ vào chăm bệnh như chưa có chuyện gì xảy ra. Chính cái tình người da vàng máu đỏ, trách nhiệm của công dân và thiên lương của nghề đã truyền cho chúng tôi sức mạnh đó. Sức mạnh để đi qua hơn nửa năm bão dịch để góp phần bé nhỏ của mình đưa thành phố trở lại cuộc sống bình thường, năng động vốn có của mình.
Vĩ thanh
Trung tâm hồi sức Covid-19 BV Đại học Y Dược TP.HCM chỉ là một phần rất nhỏ trong lần ra quân của toàn TP.HCM trong biến cố lịch sử quan trọng vừa qua. Câu chuyện của chúng tôi, dĩ nhiên kể về chúng tôi, nhưng đó cũng là hình ảnh của hàng vạn y BS, hàng triệu người dân thành phố cũng như trên khắp dải đất hình chữ S mến yêu này.
Ngày 8.2.2022, BN cuối cùng của trung tâm cũng đã được chuyển về điều trị ở một BV không Covid-19. Đứng trước cổng trung tâm, chúng tôi bất chợt nhận thấy những tán phượng trên đại lộ Nguyễn Văn Linh đã xanh nõn nà từ lúc nào. Những chiếc lá xanh vươn lên bầu trời lồng lộng như một ẩn dụ tươi mới và ấm áp về những ngày xanh đang đến.
Chúng tôi, những chiến sĩ áo trắng cùng nhiều màu áo khác, đã kết thúc hành trình tây nam của mình để hồ hởi hòa vào đại lộ dẫn lối đến tương lai cùng thành phố hiện đại, văn minh, nghĩa tình này.
Theo PGS-TS Lê Minh Khôi (Phó giám đốc Trung tâm hồi sức Covid-19, Trưởng phòng Khoa học - đào tạo Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM/TNO)

Có thể bạn quan tâm

Thượng tá Đậu Văn Huy chỉ huy thực tập phương án chữa cháy tại trụ sở liên cơ quan tỉnh. Ảnh: H.S

Thượng tá Đậu Văn Huy: Cứu người bằng cái tâm

(GLO)- Với hơn 24 năm công tác, Thượng tá Đậu Văn Huy-Phó Trưởng phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh Gia Lai) đã tham gia, chỉ đạo thực hiện thành công hàng chục cuộc chữa cháy, cứu nạn và thực tập phương án phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC và CNCH).

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Sống ở TP.HCM: Người hạnh phúc vẽ nên sắc hồng cho bệnh nhân ung thư

Hiến tóc cho bệnh nhân ung thư là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong khuôn khổ chương trình 'Ngày hội Nón hồng' do Mạng lưới Ung thư vú Việt Nam (BCNV) tổ chức. Những mái tóc được gửi đến các bệnh nhân chính là biểu tượng của sự sẻ chia, tiếp thêm sức mạnh để họ tiếp tục chiến đấu.

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Khơi dậy ý chí, khát vọng thoát nghèo - Kỳ 1: Những “đốm lửa hồng” nêu gương trong việc khó

Những năm qua, nhiều chính sách phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, ba chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, những chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã được triển khai sâu rộng.

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

Bảo tồn bản sắc làng Bahnar - Kỳ cuối: Cần phát huy giá trị văn hóa truyền thống

(GLO)- Cách đây gần 18 năm, trong một số công trình điều tra văn hóa các làng đồng bào dân tộc thiểu số ở TP. Pleiku thì người ta xếp một số buôn làng trong khu vực, trong đó có làng Wâu và Ktu (xã Chư Á) là làng tương đối có giá trị, đưa vào diện bảo tồn và phát triển.

Tượng đài “Chiến sĩ bất khuất Vĩnh Trinh” ở huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam là một trong các tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Phan. Ảnh: Tư liệu

Ký ức vỡ

Những gì không lặp lại sẽ dễ lãng quên. Người thân cũng thế, ký ức về một ai đó, sau thời gian dài không gặp sẽ bị im lìm, đóng băng. Một phần nào trong ký ức tôi tưởng chừng như thế, đã im ngủ hơn 14 năm qua tính từ ngày anh từ bỏ cõi trần gian phiền muộn này.